Cốt tủy những lời nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền

Đề tài tôi muốn mang đến cho buổi nói chuyện hôm nay là “Mười hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền”, mà nó cấu thành một chương của kinh Hoa nghiêm với tên gọi là “Nhập bất khả tư nghì cảnh giới Phổ Hiền Bồ-tát hạnh nguyện.”

 

Kinh Hoa nghiêm là một bộ kinh quan trọng của Phật giáo, trình bày con đường đưa đến Phật quả và phác họa rõ ràng hai nguyên lý cơ bản:

Không từ bỏ chúng sanh

Chúng sanh là chỉ cho những loài có xúc cảm, bao gồm rất nhiều chủng loại, nhưng quan trọng hơn hết là con người. Vì vậy nguyên lý không từ bỏ mọi chúng sanh, điều đầu tiên và quan trọng nhất là không được từ bỏ loại người chúng ta. Nguyên lý này có nguồn gốc từ lòng từ bi rộng lớn của Đức Phật. Đức Phật không bao giờ từ bỏ bất cứ người nào, cho dù người đó đẹp hay xấu, thiện hay ác, giàu hay nghèo. Không có sự phân biệt chủng tộc hay quốc gia; không có sự phân biệt giới tính hay tuổi tác. Tâm từ bi của Ngài bao dung tất cả với lòng cứu độ bình đẳng. Mong mỏi không ngừng của Ngài là mọi người sẽ đạt được hạnh phúc, được giải thoát khỏi khổ đau, và sẽ chứng đắc giác ngộ. Vì vậy, để hòa hợp với tâm của Đức Phật, chúng ta không được phép từ bỏ mọi chúng sanh. Chúng ta phải thường xuyên tâm niệm là không từ bỏ bất cứ chúng sanh nào.

Bồ-tát Phổ Hiền

Bồ-tát Phổ Hiền

Hành Bồ-tát đạo

“Bồ-tát” dịch âm từ tiếng Sanskrit là Boddisattva, bao gồm bodhi (giác ngộ) và sattva (chúng sanh). Thuật ngữ này có ba nghĩa:

1) Một chúng sanh đang tìm cầu giác ngộ. Đối với trường hợp các bạn có mặt ở đây ngày hôm nay, là các bạn đã phát tâm tìm cầu trí tuệ giác ngộ. Các bạn là những chúng sanh đang tìm cầu giác ngộ. Do đó, tất cả các bạn có thể được gọi là những vị Bồ-tát.

2) Một chúng sanh giác ngộ. Tất cả những người tu tập theo Phật giáo đã đạt giác ngộ và có được trí tuệ rộng lớn, đều là các vị Bồ-tát.

3) Sử dụng từ “bodhi” như một động từ, thì một vị Bồ-tát là người khai ngộ (bodhi) những chúng sanh khác. Nói cách khác, Bồ-tát là người phát nguyện giác ngộ những người khác sau khi bản thân đã giác ngộ viên mãn. Một người như vậy, tất nhiên, là một vị Bồ-tát thực hiện các đại nguyện.

Con đường của một vị Bồ-tát là con đường bao dung các tư tưởng, giải quyết những vấn đề và đối xử với mọi người bằng lòng từ bi và trí tuệ.

Trong kinh Hoa nghiêm có một câu chuyện thú vị về một người thanh niên trẻ có tên là Thiện Tài (Sudhana). Thiện Tài muốn tìm cầu quả vị Phật, nhưng chàng không biết làm thế nào để thực hiện con đường Bồ-tát, làm thế nào để làm những việc mà Bồ-tát làm. Do nhờ thiện căn đã tu tập trong nhiều kiếp quá khứ, chàng có cơ duyên diện kiến Bồ-tát Văn Thù (Manjushri), người đã chỉ dẫn cho chàng học hỏi với nhiều thiện tri thức. Bồ-tát Đại Trí Văn Thù nói, “Lành thay, thân cận các thiện tri thức và phát tâm cúng dường họ là điều kiện đầu tiên cho việc chứng đạt toàn trí. Vì vậy con không được thoái chí nơi con đường này.” Và rồi ngài khuyên Thiện Tài trước tiên nên viếng thăm Đức Vân Tỳ-kheo (Gunamegha).

Khi Thiện Tài đến nơi ở của Đức Vân Tỳ-kheo, chàng cung kính đảnh lễ vị tu sĩ và trình bày, “Con quyết tìm cầu Phật quả để cứu độ tất cả chúng sanh, nhưng con không biết pháp môn tu tập theo con đường Bồ-tát”. Khi ấy, Đức Vân Tỳ-kheo tán thán Thiện Tài hết mức, bởi vì quyết tâm chứng đạt Phật quả và cứu độ tất cả chúng sanh là gốc rễ của tất cả mọi công đức. Sau đó ngài nói với Thiện Tài tất cả những gì mà ngài kinh nghiệm được từ việc tu tập. Kết thúc, Đức Vân Tỳ-kheo nói, “Phạm vi và công đức của một vị Đại Bồ-tát là không thể nghĩ bàn. Hiểu biết của tôi thì giới hạn và chừng mực. Vì vậy con cần tìm đến học hỏi thêm ở những thiện hữu tri thức có trí tuệ thật sự”.

Thế rồi, Thiện Tài lần lượt viếng thăm các vị thiện tri thức. Những nơi Thiện Tài đến, các vị thiện tri thức đều giảng giải cho chàng tất cả những gì họ thông hiểu. Nhưng kết thúc, mỗi vị thiện tri thức đều cùng nhấn mạnh một điều giống nhau: tầm mức và phước đức của một vị Bồ-tát là không thể nghĩ bàn, và vì vậy Thiện Tài cần tiếp tục viếng thăm những thiện tri thức thông tuệ khác. Mỗi vị thiện tri thức giới thiệu Thiện Tài đến một vị kế tiếp.

Cuộc hành trình của Thiện Tài đã đưa chàng đến 110 thành phố. Thiện Tài đã cầu đạo với 53 vị thiện hữu tri thức và học hỏi nhiều pháp môn tu tập đưa đến quả vị Bồ-tát. Khi thiện căn dần chín muồi, Thiện Tài đi đến trú xứ của Bồ-tát Di Lặc (Maitreya). Bồ-tát Di Lặc đã đưa chàng vào đài Lâu các trang nghiêm, nơi Thiện Tài đã có được cái nhìn sâu rộng đầu tiên của mình về sự vô tận, vô biên và bản thể pháp giới như thật. Điều này càng làm tăng trưởng thêm lời phát nguyện cầu chứng Phật quả của chàng. Ngay sau đó, Bồ-tát Di lặc đã yêu cầu Thiện Tài quay trở lại gặp Bồ-tát Văn Thù.

Bấy giờ, Bồ-tát Văn Thù khuyên Thiện Tài phải luôn tinh tấn tu tập, không được chấp chặt vào bất cứ kết quả tu tập nào, và không được hài lòng với phước đức ít ỏi của mình để rồi tự hào về điều đó. Thiện Tài cần phải phát nguyện sâu rộng và liên tục tìm cầu Phật trí. Chàng nên phải một lòng mong cầu diện kiến Bồ-tát Phổ Hiền.

Chương cuối của kinh Hoa nghiêm bao hàm những lời nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền, trình bày sự kiện khi Thiện Tài sau cùng đã đến gặp ngài. Lần này, bằng việc trả lời những câu hỏi của Thiện Tài về cách tu tập theo pháp môn của một vị Bồ-tát và cách thức thực hành con đường Bồ-tát hạnh, Bồ-tát Phổ Hiền đã trình bày một pháp môn tu tập trọn vẹn cho Thiện Tài thực hiện.

Bây giờ tôi xin trình bày tên của mười đại nguyện:

Nhất giả lễ kính chư Phật

Nhị giả xưng tán Như Lai

Tam giả quảng tu cúng dường

Tứ giả sám hối nghiệm chướng

Ngũ giả tùy hỷ công đức

Lục giả thỉnh chuyển pháp luân

Thất giả thỉnh Phật trụ thế

Bát giả thường tùy Phật học

Cửu giả hàng thuận chúng sanh

Thập giả phổ giai hồi hướng.

1. Kính lễ tất cả chư Phật

2. Xưng danh, tán thán các Đức Như Lai

3. Cúng dường một cách rộng lớn

4. Sám hối tất cả những nghiệp chướng

5. Hoan hỷ với những công đức của người khác

6. Thỉnh cầu chư Phật truyền bá giáo pháp

7. Thỉnh cầu chư Phật trụ thế lâu dài

8. Luôn theo chư Phật để tu học

9. Tùy thuận theo những mong muốn của chúng sanh

10. Hồi hướng mọi phước đức đã được tích tập cho tất cả chúng sanh.

Ở đây tôi chỉ bàn về phần cốt lõi của 10 thệ nguyện. Các pháp sư xưa cũng như nay đã trình bày nhiều bài giảng chi tiết về những lời thệ nguyện này, các bạn nên đọc tất cả. Những gì ít ỏi tôi có thể trình bày ở đây là để giới thiệu cho các bạn về những lời dạy đó. Tôi hy vọng rằng thông qua lời giới thiệu này, các bạn sẽ nếm được pháp vị vi diệu của mười thệ nguyện.

Chủ đề quan trọng nhất của những lời nguyện này, tôi nghĩ, là “không từ bỏ mọi chúng sanh,” điều tôi đã đề cập ngay đầu bài. Tất cả những thệ nguyện đều lấy chúng sanh làm đối tượng. Chúng ta có thể tạm dùng một ví dụ để chỉ cho chủ đề Mười Đại nguyện – đó là thân cây. Một thân cây lớn có thể trổ được nhiều hoa trái và có tàn lá xanh chỉ khi nó có những chiếc rễ vững chắc bám sâu vào lòng đất. Nếu những chiếc rễ này bị hư hoại, thân cây sẽ khô héo và chết, và hiển nhiên sẽ không sinh hoa kết trái. Đức Phật dạy, “Những hoa và trái là chư Phật, chư Bồ-tát; chúng sanh là những chiếc rễ”. Bởi vì không người nào có thể thành Phật hay Bồ-tát khi từ bỏ chúng sanh. Tất cả các đại nguyện đều lấy chúng sanh làm đối tượng. Người nào bỏ quên chúng sanh, thì bỏ quên đối tượng thúc đẩy đưa đến quả vị Phật. Người ấy giống như xây một căn nhà giữa hư không. Không thể thành công được.

Hơn nữa, chúng ta cần phải nhận chân tinh thần các hạnh nguyện Phổ Hiền. Khi các bạn có cơ hội nghiên cứu nguyên văn những lời thệ nguyện này, bạn sẽ nhận thấy rằng Bồ-tát Phổ Hiền đặt tầm quan trọng vào vô số đối tượng, trong vô lượng vô biên thời gian, không gian. Vì vậy chúng ta có thể hiểu rằng tâm dung nhiếp những lời nguyện này thì cũng vô lượng, vô biên, không giới hạn, và tương tục không ngưng nghỉ. Bây giờ tôi có thể nói với các bạn một vài hiểu biết ít ỏi mà tôi đã có được về trạng huống này để các bạn tham khảo và thảo luận.

1- Vô số đối tượng

Phát một lời nguyện đến vô số đối tượng là một phương tiện thiện xảo và quan trọng giúp chứng đạt quả vị Phật. Chẳng hạn như, lấy việc đảnh lễ làm ví dụ. Thông thường, khi chúng ta tỏ lòng tôn kính một hình tượng Đức Phật, chúng ta chỉ đảnh lễ riêng bức tượng đó, và như vậy phước đức của chúng ta chỉ giới hạn nơi phạm vi đó. Ngược lại, nếu tâm của chúng ta hướng đến vô lượng Đức Phật trong tất cả mười phương thế giới và tam kỳ thời gian, thì tâm của chúng ta cũng sẽ lan tỏa đến vô lượng và trở nên vô hạn, vô biên, và vô tận. Xa hơn, những phước đức được tích tập do tỏ lòng kính trọng cũng sẽ có những phẩm tính này.

Một quan niệm như vậy là rất quan trọng. Tôi xin đưa ra một ví dụ: Giả dụ như bạn đang nhìn một vầng trăng tròn vào một đêm sáng trong, vắng lặng trên sa mạc. Bạn nhìn thấy một vầng trăng tròn và một vùng ánh sáng rộng lớn. Vào lúc ấy một người tình cờ đi đến bên bạn. Anh ta cũng ngắm trăng. Bạn có cảm thấy mặt trăng mà bạn đang nhìn bất ngờ bị che lấp một nửa, hay ánh sáng của ánh trăng bị mờ đi một nửa không? Cố nhiên không! Thậm chí dù có mười người ngắm trăng vào lúc đó, thì bạn vẫn tiếp tục thấy một vầng trăng tròn với ánh sáng vằng vặc như trước. Và sự thật là như vậy cho dù có mười ngàn hay một triệu người ngắm trăng. Nếu mặt trăng chỉ chiếu sáng cho một người, thì chỉ một người có ích lợi từ ánh sáng của nó. Nhưng, nếu nó chiếu sáng đến một triệu người, thì một triệu người sẽ có lợi ích.

Công đức giống như mặt trăng. Đối tượng càng nhiều thì công đức càng lớn, thậm chí cho đến vô lượng. Như vậy, khi bạn kính lễ chư Phật, chư vị Bồ-tát, bạn có thể chỉ có một tượng Phật hay một tượng Bồ-tát, chẳng hạn như Bồ-tát Quán Âm. Tuy nhiên, trong khi đảnh lễ, bạn nên đọc tụng danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, và khắc ghi trong tâm vô số lượng Bồ-tát Quán Thế Âm trong mười phương và xuyên suốt trong ba kỳ thời gian. Sau đó bạn nên tập trung tâm mình và tụng niệm danh hiệu của tất cả chư Phật trong mười phương và ba kỳ thời gian. Bằng cách này, bạn có thể thực hiện lời nguyện “Kính lễ tất cả chư Phật” một cách thích đáng.

Chúng ta xét một trường hợp khác, “Hồi hướng công đức cho tất cả chúng sanh.” Khi một đứa trẻ bị bệnh, người mẹ cầu nguyện Đức Phật gia hộ cho con của bà được hồi phục. Thường bà sẽ nói, “Con xin hồi hướng tất cả những phước đức mà con tạo ra được trong quá khứ cho con của con”, y như thể những phước đức của con trai bà sẽ giảm nếu bà hồi hướng một số phước đức của bà cho người khác. Điều này giống y như trường hợp của người ngắm trăng, lo sợ rằng ánh sáng của mặt trăng sẽ bị suy giảm đi nếu có nhiều người xem nó hơn. Sự thực là, nếu bà mẹ nói thêm lời nói “cầu mong tất cả những người bệnh trên cuộc đời này đều thoát khỏi khổ đau và có được hạnh phúc”, thì bà ta sẽ trải tâm mình bao trùm tất cả chúng sanh. Bằng cách làm như vậy, không chỉ phước đức của con bà không bị suy giảm, mà do việc trải rộng tâm mình và lòng từ bi rộng lớn, con của bà hồi phục nhanh hơn. Hình thức hồi hướng công đức này là theo đúng những lời dạy chân thật của Bồ-tát Phổ Hiền.

Chúng sanh chịu đựng những cơn khát nung nấu. Chúng ta không được phép từ bỏ làm điều thiện dù nhỏ nhất, hay chúng ta không nên làm những việc xấu dù dường như chúng không có tác dụng gì. Chúng ta cần phải luôn mang trong tâm huấn thị của Đức Phật để không từ bỏ chúng sanh.

Chúng sanh chịu đựng những cơn khát nung nấu. Chúng ta không được phép từ bỏ làm điều thiện dù nhỏ nhất, hay chúng ta không nên làm những việc xấu dù dường như chúng không có tác dụng gì. Chúng ta cần phải luôn mang trong tâm huấn thị của Đức Phật để không từ bỏ chúng sanh.

2- Trạng thái vô biên

Trạng thái đề cập ở đây là trạng thái tâm của chúng ta. Tôi nhớ rằng có một lần một vị Thiền sư đã dạy thiền cho tôi. Trước hết ngài dạy tôi tập trung tâm vào một điểm trên thân thể. Khi điểm này được hình dung một cách rõ ràng, thì làm cho nó lớn mãi đến khi nó bao trùm toàn bộ thân thể, sau đó toàn bộ căn phòng, thành phố, quốc gia, quả địa cầu, thái dương hệ, vũ trụ… và vô tận. Khi đạt đến giai đoạn vô tận này, tâm dọn sạch hoàn toàn các chướng ngại. Khi hình thức thiền định này được sử dụng để thực hành những lời nguyện của chúng ta, thì trạng thái tâm trở thành vô biên. Kỹ thuật này có thể được gọi là “không rào cản bản thân”.

Rào cản bản thân là gì? Hãy xem xét trường hợp về việc phát tâm cúng dường. Nếu bạn nói, tôi sẽ phát tâm cúng dường Hòa thượng A, mà không phải những Hòa thượng khác, đây là rào cản bản thân. Tất cả những tư tưởng như vậy đều làm giới hạn tâm thức. Chỉ tin vào Phật giáo Trung Hoa, không tin Phật giáo các nước khác; tuyên bố chỉ có Đại thừa và không muốn học hỏi các trường phái Phật giáo khác; và chỉ ca ngợi Phật giáo còn không chấp nhận những giá trị của các tôn giáo khác; tất cả những điều này là sự rào cản bản thân, bị bó buộc trong một phạm vi giới hạn. Những người như vậy sẽ không thể hiểu cốt tủy những đại nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền. Vì vậy, khi bạn tu tập theo những hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền, bạn phải cẩn thận đừng rào cản bản thân mình. Bạn nên học trải rộng tâm mình để đạt đến trạng thái vô biên viên mãn.

3- Tinh chuyên

Bồ-tát Phổ Hiền đã trình bày điều này rất rõ và đã nhấn mạnh vào mỗi lời nguyện, rằng tâm niệm phát nguyện phải tinh chuyên. Ví dụ, khi thức dậy vào buổi sáng, các bạn thực hành quán từ bi và phát nguyện thực hành theo những pháp môn của một vị Bồ-tát, nhưng rồi vào lúc ăn sáng, các bạn nhận ra rằng những việc làm của một vị Bồ-tát để thực hiện được là điều rất khó khăn và các bạn quyết định hoãn nó lại cho một vài năm sau. Vì nghĩ như vậy nên các bạn đã rút lui, chấm dứt tu tập, như vậy là thiếu tinh chuyên. Lại nữa, tuần này các bạn đến chùa để nghe giảng kinh, nhưng tuần sau các bạn lại nghỉ do vì bận chơi tứ sắc với những người bạn. Những suy nghĩ và những tâm niệm ích lợi có thể nào kế tục được nếu các bạn hành xử theo cách như vậy? Vì vậy, để kiên trì tinh chuyên và không mệt mỏi là điều không phải dễ, trừ khi bạn cần chuyên tu tập, đặt những thú vui cá nhân xuống thứ yếu, và đặt lòng mong muốn giúp đỡ người khác lên trên hết.

Kinh nghiệm của tôi về việc nỗ lực thực hành mười hạnh nguyện này là như sau: Đầu tiên tôi thực tập niệm mười lời nguyện cho đến khi nào tôi thuộc lòng chúng. Sau đó tôi quán sát cách thức để thực hiện mười thệ nguyện với thân, khẩu, ý. Dần dần tôi đi đến nhận ra rằng khi chúng ta hướng đời sống của chúng ta, từ làm việc, ăn, uống, đi, đứng, nằm, ngồi đến mười thệ nguyện này, thì dần dần chúng ta sẽ trở nên tự nhiên trong việc tu tập mà không có gì gượng ép.

Như vậy tôi đang giảng giải tổng quát về cốt tủy của mười đại nguyện. Mỗi lời nguyện có thể được giải thích thêm ở chiều sâu của nó. Tôi muốn tập trung buổi nói chuyện vào ba lời nguyện, đó là: 1) Cúng dường rộng rãi 2) Tùy thuận theo những mong muốn của chúng sanh, và 3) Hồi hướng hết thảy công đức cho tất cả chúng sanh. Tôi hy vọng rằng những giảng giải và nhận xét của tôi về những lời nguyện này sẽ giúp các bạn hiểu hơn về ý nghĩa và tác dụng của chúng.

1- Cúng dường rộng rãi

Trong khi phát tâm cúng dường, bên cạnh việc quán chiếu việc cúng dường vô số đối tượng, giữ trạng thái tâm luôn rộng mở, có một điều rất quan trọng khác là cúng dường Pháp. Như kinh nói, “Trong tất cả pháp cúng dường, cúng dường Pháp (Dharma) là cao nhất”. Tại sao? “Bởi vì tất cả chư Như Lai đều tôn kính Pháp.” Khi ta tặng cho người nào đó một món quà, hay khi chúng ta phụng dưỡng cha mẹ chúng ta, chúng ta luôn cố gắng tặng những thứ mà họ thích nhất. Chúng ta áp dụng nguyên tắc như vậy khi chúng ta cúng dường chư Phật và chư Bồ-tát. Bởi vì chư Phật và chư Bồ-tát mong muốn nhất là giải thoát chúng sanh ra khỏi khổ đau, và bởi vì giáo pháp đưa chúng sanh ra khỏi khổ đau và đạt được hạnh phúc, nên cúng dường Pháp được chư Phật và chư Bồ-tát kính trọng bậc nhất, và do đó đáng tán thán bậc nhất.

Vậy thì cúng dường Pháp là gì? Kinh liệt kê ra bảy loại:

Thứ nhất là tu tập như đã được dạy. Đây có nghĩa là tu tập thân, khẩu, ý theo những lời dạy của Đức Phật. Nếu bạn có thể làm được điều này, thì bạn đang cúng dường Pháp, một pháp cúng dường chân thật đến tất cả chư Phật và chư Bồ-tát.

Ba pháp cúng dường tiếp theo là: làm lợi ích chúng sanh, quan tâm chúng sanh, và chịu khổ đau thay cho chúng sanh. Ba điều này gắn liền với lời dạy của Đức Phật là không được từ bỏ chúng sanh. Nếu bạn có thể hoàn thành những điều này, chắc chắn bạn sẽ được chư Phật tán thán và gia hộ. Vì vậy, đây cũng là cúng dường Pháp, với vô lượng công đức. Về điều này các bạn nên ghi nhớ rằng, làm lợi ích, bao dung và quan tâm những chúng sanh khác thì có thể thực hiện được, nhưng để chịu đựng những khổ đau cho tất cả những chúng sanh khác thì thật sự khó. Chúng ta có khuynh hướng suy nghĩ, “nếu điều đó là sự báo ứng của nghiệp lực ông ta, thì ông ta phải chịu đựng khổ đau đó”. Một người nào đó chịu khổ đau thay cho ông ta thì thật là điều phi lý. Điều này tất nhiên đúng khi chúng ta đang sống đời sống của người thế tục. Nhưng tuy nhiên, nói rằng hoàn toàn không có người nào dám hy sinh chịu đựng khổ đau thay cho người khác thì không đúng. Nhiều người có mặt nơi đây đang là những bậc cha mẹ. Cho phép tôi hỏi các bạn, khi con của bạn đau khổ do bệnh tật, bạn có bao giờ khởi tâm rằng bạn sẽ vui vẻ chịu đựng khổ đau cho chúng nếu bạn có thể? Đức Phật xem chúng sanh như con của mình. Nếu chúng ta có thể mở rộng lòng để chịu đựng khổ đau cho những đứa con của chúng ta và cả chúng sanh, chúng ta sẽ hòa hợp với tâm Đức Phật. Công đức của pháp cúng dường này mênh mông như đại dương, bao la như không gian. Điều này không thể nghĩ bàn được.

Tiếp theo, ba loại cúng dường sau cùng: tinh tấn phát triển các thiện căn, không từ bỏ những việc làm của chư Bồ-tát, và không xa rời tâm Bồ-đề. Điều này liên quan đến những lời chỉ dẫn của Đức Phật khi bước theo con đường Bồ-tát. Nếu bạn có thể thực hiện những pháp cúng dường này, bạn cũng sẽ được tán thán và được chư Phật ủng hộ, bởi vì đây cũng là cúng dường Pháp. Trong kinh nói rằng, nếu bạn cúng dường hương, đèn và thực phẩm với số lượng lớn như đại dương, như ngọn núi cho chư Phật nhiều như số vi trần trong mười phương của ba kỳ thời gian, thì công đức đạt được ít hơn công đức hỗ trợ cho người cúng dường Pháp. Tôi hy vọng tất cả các bạn lãnh hội ý nghĩa của lời giảng này. Mang trong tâm ý nghĩ rằng làm lợi ích cho chúng sanh là điều đáng được tán thán hơn là đốt một nắm nhang trong chùa.

2- Tùy thuận theo lòng mong muốn của chúng sanh

Trong kinh Hoa nghiêm điều này được đề cập một cách rõ ràng rằng, nguyên tắc căn bản cho việc tùy thuận theo lòng mong muốn của chúng sanh là làm lợi ích cho tất cả chúng sanh một cách bình đẳng. Vì vậy, chúng ta nên quan tâm đến mọi chúng sanh và đối xử với họ như chúng ta đối xử với cha mẹ chúng ta, hay thậm chí như chúng ta thể hiện với Đức Phật, không có sự phân biệt dù nhỏ nhất.

Tuy nhiên, ở đây chúng ta cần lưu ý một điều quan trọng rằng, tùy thuận theo lòng mong muốn của chúng sanh không có nghĩa là chúng ta làm mọi thứ mà chúng sanh mong muốn. Vấn đề là chúng ta có thể đem lại lợi ích hay không. Bốn nguyên tắc được đề cập cụ thể trong kinh: “Là một lương y đối với những người chịu khổ đau vì bệnh tật; chỉ đúng đường cho người lạc đường; mang ánh sáng đến cho người ở trong bóng tối; và giúp người nghèo khám phá ra kho báu bị cất giấu”. Bạn cần chú ý là bốn nguyên tắc này không chỉ giới hạn nơi đồ dùng vật chất mà bao gồm cả vấn đề tinh thần.

Là một lương y cho người đang chịu đựng khổ đau bệnh tật, có nghĩa rằng chúng ta không chỉ chữa trị những bệnh tật của thân thể mà còn cả những tật bệnh của tâm. Phật giáo xem tham, sân, si là những bệnh tật nghiêm trọng nhất của con người. Người nào chữa trị cho một người khỏi tham, sân, si thì thật sự đang tùy thuận theo lòng mong muốn của chúng sanh. Ngược lại, nếu một người đề nghị bạn đi cướp ngân hàng với anh ta, và bạn tùy thuận theo lòng mong muốn của anh ta, thì bạn không những không chữa trị cho anh ta về chứng bệnh tham, sân, và si mà bạn thật sự đang làm trầm trọng thêm chúng. Bạn không làm cho anh ta lợi ích chút nào cả. Do vậy, không phải bạn đang thực hành một cách đúng đắn đại nguyện của bạn để hằng thuận theo lòng mong muốn của chúng sanh.

Phật pháp là con đường chân chính. Hiểu sâu Phật pháp là để đạt được niềm vui của Pháp và sự an bình nơi tâm. Đây là ánh sáng, kho báu bị che giấu. Người không có cơ may để nghe giáo pháp có thể giống như một người ở tại một giao lộ, không biết hướng nào để đi; một người ở trong bóng tối; hay một người nghèo không có tài sản. Do đó, thay vì hằng thuận theo những ham thích của anh ta, bạn nên đưa anh ta đến tiếp cận với giáo pháp, dù bằng cách hướng dẫn anh ta đến một người có trí tuệ chẳng hạn như một vị tu sĩ, bằng cách giúp anh ta lắng nghe giáo pháp, hay bằng cách giới thiệu cho anh ta những ấn bản Phật học, như vậy bạn đang hằng thuận theo lòng mong muốn của chúng sanh, và công đức của bạn sẽ vô lượng vô biên.

Đề tài tôi muốn mang đến cho buổi nói chuyện hôm nay là “Mười hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền”, mà nó cấu thành một chương của kinh Hoa nghiêm với tên gọi là “Nhập bất khả tư nghì cảnh giới Phổ Hiền Bồ-tát hạnh nguyện.”

Đề tài tôi muốn mang đến cho buổi nói chuyện hôm nay là “Mười hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền”, mà nó cấu thành một chương của kinh Hoa nghiêm với tên gọi là “Nhập bất khả tư nghì cảnh giới Phổ Hiền Bồ-tát hạnh nguyện.”

3- Hồi hướng hết thảy công đức cho tất cả chúng sanh

Phẩm Mười đại nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền trong kinh Hoa nghiêm có thể được xem là sự hoàn thiện của giáo lý Phật giáo về lý tưởng Bồ-tát. Hồi hướng hết thảy công đức có nghĩa là hồi hướng tất cả công đức đạt được thông qua việc tu tập chín lời nguyện trước (Từ kính lễ chư Phật cho đến hằng thuận theo lòng mong muốn của chúng sanh) đến tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới. Hồi hướng công đức bằng cách nào? Tôi chỉ cho bạn những lời kinh: “Tôi phát nguyện tạo cho chúng sanh có được sự an bình và hạnh phúc miên tục, thoát khỏi tất cả bệnh tật, không phạm phải việc lỗi lầm, và nhanh chóng thành công bằng những nỗ lực chân chính. Tôi phát nguyện khép lại những cánh cửa dẫn lối vào những ác thú, và chỉ cho họ con đường chân chánh đi đến thiên giới, loài người và Niết-bàn”. Nếu bạn muốn học hỏi cách thức để hồi hướng công đức, thì bạn nên khắc ghi những lời này trong tâm. Như vậy, khi bạn làm một việc thiện hay đạt được những công đức, và bạn muốn hồi hướng công đức cho một người hay vì một mục đích nào đó, thì bạn phải nhớ lại đoạn kinh về sự hồi hướng phổ quát được trích dẫn ở trên. Chân trời tâm thức càng rộng lớn hơn khi phát tâm hồi hướng, công đức của bạn càng lớn hơn.

Đoạn trích dẫn trên là nói về thệ nguyện giải thoát chúng sanh ra khỏi khổ đau và mang đến cho họ niềm vui. Đoạn tiếp theo ở trong kinh đề cập đến phương diện bố thí Pháp liên quan đến việc chịu đựng khổ đau cho chúng sanh. Đoạn kinh nói rõ: “Tôi nguyện chịu đựng khổ đau cho bất cứ những chúng sanh nào đang chịu khổ đau từ những báo ứng khắc nghiệt bởi ác nghiệp mà họ đã tích tập trước đây, để họ có thể được giải thoát”. Việc hồi hướng như vậy là đặc tính của một vị Bồ-tát, giống như Bồ-tát Địa Tạng đã nói, “Nếu tôi không vào trong địa ngục thì ai sẽ vào?” Thế nhưng, những lời nguyện biểu lộ đầy lòng từ bi và ý chí mãnh liệt như vậy của một vị Bồ-tát thì khó lòng thực hiện được bởi những người bình thường như chúng ta. Chúng ta chỉ có thể cố gắng tu tập những hạnh nguyện một cách tiệm tiến. Nếu bạn có thể luôn mang những người bạn đồng sự khác trong tâm, nghĩ về họ, mong họ được hạnh phúc, giúp họ giải thoát khổ đau và đạt được hạnh phúc, thì theo thời gian, chân trời tâm thức của bạn sẽ trải rộng một cách tự nhiên. Bạn sẽ xem tất cả những người già như là cha mẹ của bạn, tất cả những người trẻ như là con em của bạn, và ý nghĩ sẽ sinh khởi trong trong tâm trí bạn, “Ôi! Anh ta đã làm một vài việc xấu. Điều đó sẽ mang đến sự báo ứng xấu. Hãy để sự báo ứng đó về phần tôi, để anh ta được tự do bước đi trên con đường chân chánh dẫn đến cảnh giới Nhân Thiên và đi đến Niết-bàn.” Đối với một người phát nguyện hồi hướng rộng khắp công đức Thập đại nguyện, điều như vậy cần ở thái độ của người ấy.

Cõi đời như một sa mạc. Chúng sanh chịu đựng những cơn khát nung nấu. Chúng ta không được phép từ bỏ làm điều thiện dù nhỏ nhất, hay chúng ta không nên làm những việc xấu dù dường như chúng không có tác dụng gì. Chúng ta cần phải luôn mang trong tâm huấn thị của Đức Phật để không từ bỏ chúng sanh.

Cầu chúc các bạn phát Bồ-đề tâm!

Cầu chúc niềm pháp hỷ vô biên đến với mọi người!

 S.T. Shen – Đăng Nguyên dịch