Cốt tủy của Phật giáo

Chúng sinh sống trong cảnh trầm luân bị các khổ ràng buộc, phiền não bủa vây tất cả đều do sự tham ái, chập thủ mà ra. Trong sự bức thiết đó, giáo lý Tứ Thánh Đế như một phương thuốc hay để chữa lành.

Phật Pháp vô biên nhưng tất cả đều có chung mục đích giúp chúng sinh nhận ra được bản chất khổ đau của cuộc đời, phương pháp để đoạn tận khổ, giải thoát sầu bi, an trú trong hạnh phúc.

Suốt cuộc đời hoằng Pháp của đức Phật, Ngài tùy căn cơ dị biệt của từng chúng sinh mà chỉ dạy những pháp môn tương thích nhưng không ngoài sự chỉ bày nguyên nhân của khổ và con đường đưa đế khổ diệt. Đó cũng chính là nội dung cốt lõi của Tứ Thánh Đế – bài pháp đầu tiên mà Ngài chuyển vận bánh xe pháp sau khi chứng đạt quả vị Vô thượng Bồ-đề.

Học thuyết này được xem là nền tảng của mọi giáo lí trong đạo Phật. Dưới cái nhìn của Đạo Phật qua lăng kính Tứ Thánh Đế sẽ làm sáng tỏ nguyên nhân của khổ và con đường đưa đến khổ diệt. Từ đó, nếu ai vận dụng hành trì thì nhất định sẽ chuyển hóa những sầu, bi, khổ, ưu, não trong đời sống thực tại, đạt được sự an lạc, thành tựu chính trí, chứng ngộ Niết-bàn.

Nam Mô A Di Đà Phật 

Định nghĩa Tứ Thánh Đế

Tứ thánh đế (四聖諦) là tiếng Trung Quốc phiên âm từ chữ Cattāri Ariya Saccāni của Phạn ngữ, nó còn được gọi là Tứ Diệu Đế (四妙諦) hay nói tắt là Tứ đế. Tứ là bốn; Diệu là đẹp, mầu nhiệm; Đế có nghĩa là chân lý. Theo Hòa thượng Thiện Hoa trong Phật học phổ thông thì Tứ Diệu đế được định nghĩa là bốn chân lý chắc chắn, quý báu nhất mà không có một giáo lý nào của ngoại đạo có thể so sánh được. Một khái niệm khác được tìm thấy trong quyển Lịch sử triết học Ấn Độ của Hòa thượng Thích Mãn Giác, ở đây Ngài nhận định học thuyết trên là sự thật hiển nhiên mà ai cũng thấy biết được. Nó căn cứ vào ngay trong đời sống thực tại của con người chứ không phải là một triết thuyết lý luận huyễn hoặc. Gọi là Tứ Thánh đế bởi vì đây chính là bốn chân lý chắc thật được bậc Thánh chứng biết và “Không một Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên hay một ai ở đời có thể chặn đứng, chuyển vận ngược lại, tức là sự khai thị, tuyên thuyết, thi thiết, kiến lập, mở rộng, phân biệt, hiển lộ bốn Thánh đế”.[1]

Nội dung tứ thánh đế

Khổ thánh đế (苦聖諦, Pali: Dukkha Ariyasacca)

 Đây là giáo lý trình bày về bản chất khổ đau của kiếp nhân sinh. Đức Phật ví dụ chúng sinh sống trong ba cõi đầy bất an, bức bách như ở trong lò lửa. Khổ (Dukkha) là một phạm trù vô cùng quan trọng trong đạo Phật. Nó cần được nhận thức và nắm bắt bởi mọi người con Phật, vì Dukkha là khởi điểm cho việc thực hành giáo lý đoạn diệt khổ đau. Nói cách khác chỉ khi con người đủ tỉnh giác và dõng mãnh đối diện với cái khổ thì mới có thể đương đầu và chiến thắng được nó và hệ lụy mà khổ mang đến. Những sự khổ ấy gồm “Sinh là khổ, già là khổ, (bệnh là khổ),chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại năm thủ uẩn là khổ”[2]. Các khổ được còn được biểu hiện qua ba phạm trù:

Khổ khổ (Dukkha- dukkha): Mọi thứ khổ đau thông thường thuộc khổ thọ và cái khổ này chồng chất cái khổ khác cho nên gọi là khổ khổ.

Hoại khổ (Viparanama-dukkha): Sự thay đổi đột ngột của cảm thọ vui làm chúng ta khổ, một cảm thọ lạc không được kéo dài.

Hành khổ (Saṅkhāra-dukkha): Các pháp do duyên sinh, vô thường không thật mà cái gì vô thường thì nó là khổ, cái gì khổ là sinh diệt pháp.

Tuy nhiên, chấp năm thủ uẩn là thật có mới là khổ khiến chúng sinh trầm luân sinh tử. Con người luôn muốn thân tứ đại trẻ khỏe không bị già, bệnh, chết; khát khao những khoái lạc luôn thường hằng, dục vọng năm uẩn này phải theo ý của mình,… nhưng than ôi tất cả đều không như ý, mình không làm chủ được ngũ uẩn cho nên khổ đau sinh khởi. Cái gọi là ta, là của ta, là tự ngã của ta thực chất chỉ là một cơ thể do năm thủ uẩn tạo thành: “Năm thủ uẩn là một thuật ngữ chỉ cho con người hay cá thể vốn là một hiện tượng duyên sinh, do sự kết hợp của các yếu tố vật lý và tâm lý mà có mặt”[3].

Cho nên ta thấy đức Phật nhìn nhận về khổ một cách thực tế chứ không chỉ dạy chung chung, mơ hồ. Ở đây ta có thể kết luận khổ là thực chất của cuộc đời. Khi phân tích nó thì không vì thế mà ảm đạm ưu buồn, bi quan mà càng đi sâu vào nó thì càng hiểu về bản chất của cuộc sống, từ đó không dao động với những thứ khổ này. Ta làm chủ những thứ ấy, bởi lẽ có những điều hạnh phúc còn cao quý hơn niềm vui do vật chất đem lại đó chính là hạnh phúc do đời sống độc cư, phạm hạnh, xả bỏ, thiền định mang lại cho hành giả một đời sống đầy lạc quan, thanh tịnh.

Tập thánh đế (集聖諦, Pali: Dukkhasamudaya Ariyasacca)

Tập là chứa nhóm, tích tụ. Tập đế là chân lý chắc thật trình bày về nguyên nhân, cội gốc làm sinh khởi khổ đau, đẫn đến tái sinh, trầm luân trong sinh tử. Đó là “Sự tham ái đưa đén tái sinh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia như dục ái, hữu ái, vô hữu ái. Như vậy gọi là Khổ tập thánh đế”[4].

Trong các kinh điển thì khát ái (taṇhā) là cội nguồn chính cho mọi nỗi khổ niềm đau sinh khởi. Tanha có ba loại: Dục ái (kāmataṇhā), Hữu ái (bhavataṇhā) và Phi hữu ái (vibhāvataṇhā). Dục ái tức là sự tham ái về nhục dục, khoái cảm các giác quan, lấy dục làm gốc. Hữu ái nghĩa là khát ái về sự hiện hữu liên hệ đến tư tưởng thường còn, hiện diện. Cuối cùng là Phi hữu ái là sự ái luyến cái không sắc chất liên hệ với ý niệm đoạn kiến, cho rằng chết là hết. Chính những tham dục, ái nhiễm không nhận chân được bản chất các pháp vốn vô thường và vô ngã cho nên con người cứ mãi chạy theo ngũ dục rồi chấp thủ lấy nó và cho rằng: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”[5]. Như vậy, chúng ta cứ sống như một thây ma vô thức bị ái dục cám dỗ dắt dẫn đi mãi trong biển khổ. Đây cũng là lý do mà đức Phật dạy taṇhā là nguyên nhân của khổ đau cần phải đoạn diệt:

“Do ái sinh sầu ưu

 Do ái sinh sợ hãi

 Ai thoát khỏi tham ái

 Không sầu, đâu sợ hãi”[6]

Diệt thánh đế (滅聖諦, Pali: dukkhanirodha ariyasacca)

Diệt là chấm dứt, dập tắt. Diệt đế là sự đoạn diệt các phiền não, chấm dứt những nguyên nhân đưa đến khổ đau. Khổ đau được chặt đứt thì an vui, hạnh phúc hiện hữu. Diệt đế cũng có nghĩa là Niết Bàn. Tôn giả Sāriputta định nghĩa Thánh đế này như sau: “Này chư hiền, thế nào là Khổ diệt thánh đế? Sự diệt tận không còn luyến tiếc tham ái ấy, sự xả ly, sự khí xả, sự giải thoát, sự vô nhiễm (tham ái ấy). Như vậy gọi là Khổ diệt thánh đế”.[7]

Sau khi nhận diện được bản chất cuộc đời đầy khổ đau và truy tìm nguyên nhân sinh khởi của nó. Bước tiếp theo đức Phật dạy đó chính là đoạn diệt tận gốc cội nguồn sinh tử đó để có được một đời sống phạm hạnh giải thoát. Đây chính là nội dung của chân lý chắc thật thứ ba tức khổ diệt thánh đế. Nói khác hơn đây chính là cảnh giới Niết-bàn (nibbana) của bậc thánh khi “ly tham, đoạn diệt, không có dư tàn  khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước”[8]. Do vậy, chỉ khi nào tự thân tu tập, chặt đứt mọi phiền não, ái luyến, ngã chấp thì khi ấy mới có thể nếm được vị ngọt của thực tại tối hậu. Nói một cách khách theo lời đức Phật dạy thì việc chúng ta cần làm là: “đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si”[9]. Thật chất Niết-bàn không có nghĩa là một cõi giới mơ hồ, xa xăm mà nói luôn hiện hữu ngay trog thế giới thực tại của con người đang sống. Nhưng chính những áng mây vô minh, ngã chấp đã làm che mờ đi  tuệ nhật hằng hữu sáng soi. Từ đó mà xa rời chân như quên đi bản lai diện mục của chính mình. Thế cho nên đừng tìm kiếm cảnh giới Cực Lạc ở đâu xa mà hãy quay về nơi sắc thân năm uẩn này. Khổ cũng từ đây mà phát sinh mà và lạc cũng từ đó mà hiện hữu, chính con người là chủ nhân quyết định đời sống của chính mình.

Đạo đế (道諦, Pali: dukkha-nirodhagaminī paṭipadā ariyasacca)

Đạo là con đường, là phương pháp. Đạo đế là đạo lộ đưa chúng sinh từ địa vị phàm phu đến chứng đắc quả vị Thánh hiền. Nói cách khác đây là phương pháp hành trì để diệt trừ khổ đau, thành tựu chính trí, chứng ngộ Niết bàn. Tên gọi đầy đủ của chân lý thứ tư này là Khổ diệt đạo thánh đế (Pali: dukkha-nirodhagaminī paṭipadā ariyasacca): “Đó là Thánh đạo tám ngành, tức là Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mạng, Chính tinh tấn, Chính niệm, Chính định”[10]

Đạo đế – chân lý cao cả thứ tư – con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau. Diệu đế này còn được gọi là con đường Trung Đạo. Sở dĩ gọi như vậy vì đây là đạo lộ mà đức Phật dạy tránh xa hai cực đoan: “Một là đắm say trong các dục, hạ liệt, phàm phu, không xứng bậc thánh, không liên hệ đên mục đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc thánh, không liên hệ đến mục đích.”[11]. Chính vì giáo lý này là trọng tâm cốt lõi của Phật giáo cho nên trong suốt cuộc đời giáo hóa của đức Phật, Ngài đều giảng dạy cho đệ tử của mình phương pháp hành trì Bát Thánh Đạo nhưng bằng nhiều hình thức và tùy căn cơ dị biệt của thính chúng. Con đường thánh tám ngành này gồm: chính tri kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm, chính định.

Chính tri kiến (sammādiṭṭhi) tức là “tri kiến về Khổ, tri kiến về Khổ tập, tri kiến về Khổ diệt, tri kiến về Khổ diệt đạo”[12]. Nói cách khác đó là cái nhìn chân chính đúng như thật về bản chất các pháp (duyên sinh, vô thường, vô ngã)  và chỉ có liễu tri bốn thánh đế mới sống được với thực tại tối hậu này.

Chính Tư Duy (Sammā-saṅkappa) là “tư duy về ly dục, tư duy về vô sân, tư duy về bất hại”[13]. Có nghĩa là trầm tư về những tư tưởng từ bỏ, giải thoát chấp thủ, ái ngã hướng thượng, hướng thiện.

Chính Ngữ (sammā-vācā) là lời nói chân thật hợp với đạo lý, ái ngữ có lợi ích cho mình và cho toàn thể chúng sinh: “Tự chế không nói láo, tự chế không nói hai lưỡi, tự chế không ác khẩu, tự chế không nói lời phù phiếm”[14].

Chính Nghiệp (sammā-kammanta) là lời nói, hành động, suy nghĩ từ thân, từ khẩu, từ ý chân chính. Trong kinh Phân Biệt Về Sự Thật tôn giả Sariputta định nghĩa chi phần này như sau: “tự chế không sát sinh, tự chế không trộm cắp, tự chế không tà dâm”[15] .

Chính Mạng (sammā-ājīva) là sống một đời sống ngay thật không gian tham, vị kỷ, vị lợi mà sống  một cách chân chính bằng nghề nghiệp thiện lành. Nói cánh khác đó là “từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng Chính Mạng”[16]

Chính Tinh Tấn (Sammāvāyāma) là đối với các ác, bất thiện pháp chưa sinh thì không cho nó sinh khởi. Các ác, bất thiện pháp đã sinh thì nỗ lực đoạn trừ. Song song đó với các thiện pháp chưa sinh thì tinh tấn làm cho nó phát khởi và các thiện pháp đã sinh thì nỗ lực quyết tâm, trì chí, khiến cho tăng trưởng, phát triển, viên mãn.

Chính Niệm (Sammāsati) là sự chú tâm ghi nhớ, suy niệm về thân, thọ, tâm, pháp để diệt trừ tâm vọng niệm. Có hai ý nghĩa cơ bản khi nói về Chính niệm: Một là chính ức niệm tức là nhớ nghĩ những lỗi lầm mình gây tạo và thành tâm sám hối; nhớ đế bốn ơn trọng để nổ lực tu tập mà đáp đền thâm ân. Thứ hai là chính quán niệm tức dùng tâm quán chiếu về bản chất cuộc đời, các pháp là khổ, vô thường, vô ngã từ đó mở rộng lòng từ hóa độ chúng sinh.

Chính Định (sammā-samādhi) là trạng thái an tịnh, không dao động, tập trung thuần nhất không tán loạn chế ngự những dục vọng, loại trừ phiền não năm triền cái, chứng đắc năm thiền chi. Đây cũng chính là nhân tố làm tăng trưởng trí tuệ vô lậu.

Như vậy, Đạo Đế là con đường duy nhất đưa đến Niết Bàn, đoạn diệt khổ đau và hiển nhiên kết quả ấy chỉ đến với những ai nổ lực hành trì tu tập. Tuy chia làm tám ngành riêng biệt nhưng “Thánh Đạo tám chi không phải là tổ hợp của những con đường khác nhau, mà nó là con đường nhất trí. Con đường của Trực Ngô đưa thánh giả đến nơi viên mãn”[17].

Tứ Thánh Đế là tinh hoa cốt lõi của giáo lý Phật giáo

Tứ Thánh Đế được xem là linh hồn của Phật giáo, là nền tảng quan trọng nhất trong mọi hệ thống giáo lý mà đức Phật đã dạy trong suốt cuộc đời hoằng pháp của Ngài. Đây chính là đạo lộ của bậc thánh – con đường an tịnh đưa đến sự giải thoát giác ngộ. Hơn thế nữa trong học thuyết này dung chứa tất cả thiện pháp và điều đó được tôn giả Sāriputta trình bày như sau: “Ví như tất cả dấu chân của mọi loài động vật đều thâu nhiếp trong dấu chân voi, vì dấu chân này được xem là lớn nhất trong tất cả dấu chân về phương diện to lớn. Cũng vậy Chư Hiền giả, tất cả các thiện pháp đều tập trung trong bốn thánh đế”[18].

Tất cả các phương pháp tu tập mà đức Phật chỉ dạy đều được xây dựng trên nền tản căn bản là tam vô lậu học (giới học, định học và tuệ học). Cho nên khi nói Tứ đế là tinh hoa cốt lõi của Đạo Phật vì trong giáo lý này có đầy đủ Giới, Định và Tuệ: Chi phần Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mạng thuộc về Giới. Chính tinh tấn, Chính niệm, Chính định thuộc về Định. Cuối cùng là hai chi phần Chính kiến và Chính tư duy thuộc Tuệ.

Tinh thần thiết thực của Tứ Thánh Đế

Pháp mà đức Thế Tôn khai thị, tuyên thuyết không phải là một triết thuyết lý luận mà là một phương cách của sự thể nghiệm thực chứng. Vì vậy, nó rất thực tế chứ không huyễn hoặc mơ hồ: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí chứng hiểu”[19].

Bốn Thánh Đế là phương pháp thù thắng để mọi người áp dụng trong việc tu tập nhằm giải quyết mọi nỗi khổ niềm đau. Sống theo tinh thần Tứ Đế chính là lối sống minh triết, thanh cao mang lại kết quả thắng diệu, lợi lạc cho mình, cho người, cho cả hai ngay trong hiện tại, bây giờ và ở đây. Bởi lẽ, khởi đầu của học thuyết này là Khổ Đế đã chỉ cho chúng sinh có cái nhìn chân thật về bản chất của cuộc đời khổ nhiều vui ít. Sau đó truy tìm nguồn gốc sinh khởi của khổ rồi dùng chiếc búa sắc bén mang tên Bát Chính Đạo để đoạn trừ. Khổ diệt thì cảnh giới Niết Bàn an vui sẽ hiển lộ. Chính con người là gốc của khổ đau và của sự giải thoát cho chính mình. Điều này được đức Phật dạy trong kinh Tăng Chi như sau: “Trong chính cái thân có ý thức dài một tầm này, Ta tuyên bố thế giới, sự sinh khởi của thế giới, sự chấm dứt của thế giới và con đường đưa đến sự chấm dứt của thế giới”[20]. Vì thế cho nên phải tự thân tu tập chứ không phải học rồi chỉ hiểu rõ nội dung của Tứ Thánh Đế.

Lấy ví dụ điển hình như một bệnh nhân khi được bác sĩ chuẩn đoán và phát toa thuốc cho mình nhưng người ấy  không mua và uống thuốc mà chỉ tụng đọc toa thuốc ấy thì thử hỏi bao giờ mới khỏi bệnh? Đây chính là giá trị thực tiễn của học thuyết Tứ Thánh Đế được Thế Tôn tuyên thuyết và ngài Sāriputta khai thị giảng giải rộng ra.

Ứng dụng thực tiễn

Hằng ngày con người phải đối diện với biết bao điều khổ sở nhưng có mấy ai chịu dừng lại truy tìm nguyên nhân và đoạn diệt tận gốc rễ của nó. Họ than vãn cuộc đời bất công, chê trách số phận của mình quá hẩm hiu,.v.v. Đó là tâm lí chung của những người chưa học hiểu Tứ đế. Vì sao vậy? Vì người đã tường tri về sự khổ, nguyên nhân của khổ, khổ diệt và con đường đưa đến khổ đoạn trừ thì sẽ giải quyết vấn đề bằng một tuệ giác chính niệm.

Ví dụ khi bị đau răng (khổ đế) chúng ta không thể ngồi đấy kêu la mà phải tìm hiểu nguyên do của nó (tập đế), sau đó uống thuốc (đạo đế) thì chắc chắn cơn đau sẽ chấm dứt (diệt đế). Chúng sinh khi chưa hoàn toàn giác ngộ thì ở nơi tự thân vẫn còn rất nhiều nghiệp nhân xấu mà tham, sân, si chính là gốc rễ của mọi phiền não. Cho nên, trong từng sát na phải luôn chính niệm, mỗi ngày đi qua luôn tinh tấn thiền định, tư duy về Diệu đế để nhìn rõ bản chất cuộc đời bằng cặp mắt chính kiến.  Vì vậy, khi một bất thiện pháp sinh khởi hành giả cần tỉnh thức biết rằng đây là nguyên nhân dẫn đến khổ nên cần phải đoạn trừ. Cụ thể nhất là thực hành nếp sống phòng hộ các căn để tâm thức thường xuyên nhận diện và chế ngự kịp thời khi nó tiếp xúc với trần cảnh tránh bị cuốn hút rồi sinh tham ái, ngã chấp. Từ đó thấu rõ những gì mình ái luyến đều là những thứ do các duyên kết hợp lại mà thành, chịu sự vô thường biến diệt, ẩn tàng mầm mống khổ đau cho nên cần từ bỏ chúng.

Trong xã hội hiện với những vấn đề bức thiết, luôn đòi hỏi sự giải quyết một cách thỏa đáng thì giáo lý Tứ thánh đế là một phương pháp hữu hiệu, thiết thực và ưu việt nhất trong sự hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân hay để giải quyết các phiền não, khổ ưu trong đời sống gia đình, xã hội. Vì thế, giáo lý này cần phải được liễu tri và ứng dụng ngay tại đây, bây giờ trong đời sống nhân sinh.

Chúng sinh sống trong cảnh trầm luân bị các khổ ràng buộc, phiền não bủa vây tất cả đều do sự tham ái, chập thủ mà ra. Trong sự bức thiết đó, giáo lý Tứ Thánh Đế như một phương thuốc hay để chữa lành căn bệnh trầm kha của chúng sinh, là con đường sáng đưa con người trở về quê xưa chốn cũ. Đức Phật ra đời vì chúng sinh mà hóa độ, phật pháp có mặt do sự hiện hữu của khổ đau. Vì vậy, học thuyết trên được xem là một đạo lý mang giá trị nhân bản cao quý không những làm thăng hoa giá trị đạo đức mà còn khiên cho mảnh đất tâm linh nở hoa giác ngộ.

Thế cho nên, dù trải qua dòng thời gian vô thường biến đổi dù đã cách Phật hơn hai mươi lăm thế kỷ nhưng giá trị của Tứ Thánh Đế vẫn luôn bất diệt, thiết thực hiện tại đến để mà thấy chứ không phải đến để mà tin. Như vậy, nơi nào còn có mặt của khổ đau thì nới đó không thể không có bốn chân lý chắc thực này. Bởi vì, nó là chiếc thuyền vững chắc đưa người vượt biển sinh tử, là ngọn đuốc xua tàn màn đêm tối tăm. Có thể nói nếu không thực nghiệm, tường tri về giáo lý này thì sẽ không bao giờ thông hiểu phật pháp. Do đó, việc tối ưu quan trọng ngay bây giờ đó chính là bắt đầu thực tập một cách tinh chuyên Tứ Thánh Đế để có được một đời sống tự tại an vui, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chính trí, chứng ngộ Niết Bàn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Hòa thượng Thích Minh Châu, 2004, Đức Phật Nhà Đại Giáo Dục, Nxb Tôn Giáo.

2. Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch), 2014, Kinh Pháp Cú, Nxb Hồng Đức.

3. Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch), 2017, Kinh Trung Bộ, Nxb Tôn Giáo.

4. Thích Mãn Giác, 2007, Lịch Sử Triết Học Ấn Độ, Nxb Văn Hóa Sài Gòn.

5. Thích Nữ Trí Hải (dịch), 2000, Đức Phật Đã Dạy Những Gì, Nxb Tôn Giáo Hà Nội.

6 . Hòa thượng Thích Thiện Hoa, 2016, Phật Học Phổ Thông, Nxb Tôn Giáo.

7. Phạm Kim Khánh (dịch), 2019, Đức Phật Và Phật Pháp, Nxb Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh.

8. Thích Thiện Siêu, 2000, Vô Ngã Là Niết Bàn, Nxb Tôn Giáo.

9. Tuệ Sỹ (dịch), 2007, Tinh Hoa Triết Học Phật Giáo, Nxb Phương Đông.

10. Quảng Tánh (biên soạn), 2011, Lời Phật Dạy Trong Kinh Tạng Nikaya, Nxb Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh.

11. Thích Chơn Thiện, 2018, Khái Luận Phật Học, Nxb Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh.

12. Thượng tọa Thích Viên Trí chủ biên, 2016, Phật Học Căn Bản, Nxb Phương Đông.

13. Viên Trí, 2018, Phật Giáo Qua Lăng Kính Xã Hội, Nxb Hồng Đức.

Thích Nguyên Nhật