Cốt lõi của sự tu tập (Phần 1)
Để tránh chịu các quả báo khổ đau, trước tiên, chúng ta nên quy y Tam bảo để học hỏi, có chánh kiến và nỗ lực từ bỏ các ác nghiệp bằng cách giữ gìn ngũ giới và thực hành thập thiện nghiệp.
Trong 45 năm hoảng pháp độ sinh, Đức Phật Gotama đã thuyết rất nhiều bài kinh, được kết tập lại thành Tam tạng Thánh điển (Kinh, Luật và Luận). Tuy nhiên, chúng ta có thể nắm gọn được cốt lõi Phật pháp được Ngài tóm lược lại thành bài kệ số 183 trong kinh Pháp cú (Dhammapāda):
“Sabbapāpassa akaraṇam,
Kusalassa upasampadă,
Sacittapariyodapanam,
Etam buddhāna sasanam”.
“Không làm mọi điều ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Tâm ý giữ trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy”.
Trong bài kệ, Ngài dạy chúng ta ba điều chính yếu cần phải tu tập, đó là: bỏ ác, làm thiện và tu tâm dưỡng tánh. Cho nên, muốn có được an lạc thế gian lẫn hạnh phúc giải thoát, chúng ta không những cố gắng tránh tạo các ác nghiệp hại mình, hại người, mà còn nên nỗ lực vun bồi các thiện pháp lợi mình, lạc người và hơn hết là giữ gìn nội tâm cho được thanh tịnh. Đây cũng chính là tiến trình tu tập Giới – Định – Tuệ nhằm đoạn trừ tuần tự ba loại phiền não từ thân, khẩu, ý trong mỗi chúng ta. Giới hạnh trong sạch giúp ngăn chặn các phiền não tác động biểu hiện qua lời nói và hành động, làm nền tảng để tu tập định tâm. Định tâm tĩnh lặng giúp kiểm soát các phiền não tư tưởng trong ý thức, tạo điều kiện tốt cho tuệ giác phát triển. Tuệ giác sáng suốt giúp đoạn trừ tận gốc mọi phiền não ngủ ngầm, tiềm ẩn trong vô thức, chuyển hóa hành giả từ phàm phu khổ đau trở thành bậc Thánh hạnh phúc. Như vậy, bỏ ác, làm thiện và tu tâm dưỡng tánh hay tu tập theo đạo lộ Giới – Định – Tuệ là phương pháp chủ yếu, hữu hiệu, triệt để, giúp chúng ta thọ hưởng hạnh phúc thật sự ở hiện tại và vị lai.
Không làm những điều ác (bỏ ác)
Để tránh chịu các quả báo khổ đau, trước tiên, chúng ta nên quy y Tam bảo để học hỏi, có chánh kiến và nỗ lực từ bỏ các ác nghiệp bằng cách giữ gìn ngũ giới và thực hành thập thiện nghiệp.
– Quy y Tam bảo (Phật – Pháp – Tăng)
Khi quy y Tam bảo và tu tập đúng theo lời Đức Phật dạy, chúng ta sẽ có bốn lợi ích sau:
– An lạc hiện tại, tránh khỏi tái sinh trong bốn cõi ác giới.
– Giảm được sự khổ thân, khổ tâm.
– Tránh xa được sự kinh sợ, hiểm nguy.
– Thoát khỏi tử sinh luân hồi trong tam giới.
– Giữ gìn ngũ giới
Ngũ giới chính là thường giới mà tất cả mọi người đều phải tuân thủ thực hành để không phải chịu khổ cảnh ở hiện tại và vị lai :
– Cố ý tránh xa sự sát sinh.
– Cổ ý tránh xa sự trộm cướp.
– Cố ý tránh xa sự tà dâm.
– Cố ý tránh xa sự tà ngữ (nói lời gian dối, chia rẽ, thô ác và vô ích).
– Cố ý tránh xa sự nghiện ngập (sử dụng chất gây say, nghiện, sống buông lung…).
– Từ bỏ thập ác nghiệp
Không những giữ gìn ngũ giới để kiểm thúc lời nói và hành động, các thiền sinh đang hướng đến Pháp cao thượng, giải thoát rốt ráo còn cần phải tránh làm thập ác nghiệp để thanh tịnh cả thân, khẩu, ý, làm nền tảng quan trọng cho việc hành thiền định và thiền tuệ hiệu quả:
– Về thân có ba điều: Cố ý tránh xa sự sát sinh, trộm cướp và tà dâm.
– Về khẩu có bốn điều: Cố ý tránh xa sự nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục và nói lời vô ích.
– Về ý có ba điều: Cố ý tránh xa tâm tham lam, tâm thù hận và tâm tà kiến.
(còn tiếp).
Tỳ Khưu Phước Hưng