Cõng mẹ lên chùa

Mẹ là người theo đạo Phật. Mẹ ăn chay trường. Thật ra trước đây, mẹ chỉ ăn chay vào mồng một, rằm (âm lịch) mỗi tháng và những ngày lễ về đạo. Nhưng sau những biến cố ập đến gia đình, đức tin mẹ mạnh hơn. Mẹ thường xuyên đi chùa, ăn chay trường.

 

Những lần như thế, mẹ thường dẫn Tí theo. Mẹ muốn Tí cũng có một đức tin, niềm tin vào tôn giáo để sau này lớn lên, khi vấp ngã trên đường đời, có chỗ dựa vững chắc mà hy vọng, mạnh mẽ đứng lên đi tiếp. Vả lại, ở nhà mọi người đều ra đồng, mẹ sợ Tí long nhong ham chơi rồi đuối nước nên buộc phải dẫn theo. Dòng sông đục ngầu phù sa trước nhà quá lớn, cứ gầm ghì đến nỗi như muốn nuốt chửng tất cả. Tàu bè qua lại đánh ập sóng mạnh, càng làm con sóng hung tợn hơn. Đã bao nhiêu người đuối nước vì con sông đó, trong đó có anh trai của Tí. Vì thế mẹ sợ… Phải mất một thời gian dài mẹ mới vượt qua cú sốc đó. Chính nhờ có gia đình, có niềm tin kính đức Phật mà nỗi đau dần chìm vào quên lãng.
Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Ngôi chùa mẹ thường đến lễ Phật nằm trên ngọn đồi khá cao. Mỗi lần bước lên là một lần mệt. Ai đi không quen thì thở hì hục. Nhưng riêng mẹ thì bình thản mà đi. Càng lên cao mẹ càng thấy khỏe. Đôi chân săn chắc của người phụ nữ nông thôn cần lao giúp mẹ vượt qua tất cả. Tí lại không được như vậy. Hai bàn chân non nớt như búp sen hồng dễ bị tổn thương khi vấp phải đá, giẫm phải gai. Mỗi lần đi đến nửa chừng, Tí lại đòi về vì mệt:

– Con mỏi chân quá mẹ ơi! Phồng rộp chân hết rồi! Mình quay về đi mẹ!

Mẹ từ tốn bảo:

– Phải biết kiên nhẫn chứ con trai! Đi viếng chùa thì phải đi đến cùng với niềm hân hoan, phấn khởi. Xem gương mặt chù ụ của con kìa, sẽ không tốt đâu. Đây này, để mẹ cõng Tí nhé!

Đoạn mẹ khom người xuống và cõng Tí lên chùa. Dù gánh nặng chất trên lưng, lại tay xách hoa quả cúng Phật, mồ hôi nhễ nhại nhưng mẹ vẫn ung dung mà cười. Vào đến chùa, Tí lại không biết khấn Phật là như thế nào:

– Con phải vái thế nào hả mẹ?

– Này con trai, cầm lấy nhang, quỳ xuống trước Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát mà cầu cho con và gia đình mạnh khỏe, riêng con học giỏi, chăm ngoan.

– Phải đọc ra thành tiếng hả mẹ? To tiếng mọi người xung quanh nghe thấy, con ngại… Kỳ lắm!

– Không cần phải thế. Con chỉ việc lầm rầm trong miệng mà khấn. Ước nguyện là ở tâm mình, Phật Bà sẽ nghe thấy tất cả.

Cứ thế mỗi lần lên chùa, mẹ đều cõng Tí. Và như một thói quen, Tí thích điều đó và chẳng muốn đi bộ chút nào. Dần dần, cậu bé sinh lười, chỉ muốn được mẹ lo lắng, che chở. Tí muốn được chiều chuộng nên không chịu trưởng thành trong suy nghĩ. Mẹ ngày một già thêm tuổi, còn Tí thì vẫn cứ ham chơi, làm phiền lòng mẹ và cả nhà.

Rồi một ngày, tấm lưng mẹ cong quặp như bà còng đi chợ. Lưng Tí thì thẳng đứng, cao thêm. Mẹ vẫn giữ thói quen đi chùa. Một buổi sáng tinh mơ, khi những giọt sương long lanh còn đọng lại trên những khóm trúc, mẹ thức dậy sớm gọi Tí chở mẹ đi chùa. Tí ngáy ngủ, nhăn nhó nhưng vẫn gắng gượng dậy đi rửa mặt. Bữa nay, Tí cần số tiền để đi sinh nhật bạn gái. Vì thế “mình ráng chiều mẹ một tí để lát về xin tiền”, Tí thầm nghĩ vậy.

Hai mẹ con bon bon đến dưới chân đồi, gửi xe, mua nhang rồi bước lên bậc thang. Hôm qua mưa to, nên sáng nay đường khá trơn trượt. Dù các bậc thang đều tráng xi măng nhưng không đủ sức giữ những đôi chân mỏng manh, yếu đuối. Tí thản nhiên đi trước một nước không chờ đợi mẹ ở phía sau. Tí nghĩ đi nhanh chân rồi về sớm còn ra chợ mua quà. Sự nôn nóng càng làm đôi chân của cậu bước nhanh hơn, mạnh hơn như là cách hối thúc mẹ cố gắng theo cho bằng mình. Thậm chí, Tí không màng ngoái lại xem mẹ mình đã bước tới đâu. Nhưng rồi những tiếng la thất thanh ở phía bên dưới khiến Tí phải ngước lại nhìn. Như có lực thôi miên vô hình, Tí lao xuống đám đông. Mẹ Tí nằm bất tỉnh trên bậc thang. Cũng may, mẹ nằm gọn trong gốc cây mận, nếu không…

Mẹ nằm viện mê man không biết gì. Những ngày đó, Tí túc trực bên mẹ 24/24. Trông Tí hốc hác, gầy đi thấy rõ. Ba bảo về nghỉ ngơi, nhưng Tí không chịu. Tí muốn ở bên mẹ trong những ngày này để chuộc lại lỗi lầm của mình trong quá khứ. Tí sợ, nếu không gần mẹ ngay lúc này, Tí sẽ không còn cơ hội… Giờ Tí mới biết yêu thương mẹ và gia đình là như thế nào. 25 tuổi đầu, to xác như voi mà chẳng giúp ích được gì cho ba mẹ, cứ ăn bám mãi. Tí nhớ đến câu nói của bà mà nghèn nghẹn nước mắt: “Con cứ lông bông mãi rồi đến lúc ông bà mất, cha mẹ qua đời thì lấy ai nuôi con. Hãy làm gì đó, chí ít giúp được cho bản thân con là bà vui lắm rồi”. “Sau khi mẹ khỏi bệnh, mình phải đi tìm việc làm để nuôi lấy thân. Tấm bằng cử nhân cất lâu rồi, phải lấy ra dùng mới được”, Tí nguyện với lương tâm như vậy! Rồi cứ mỗi tối, Tí ra trước lan can bệnh viện, mắt nhắm nghiền về nơi xa ngái, hướng về ngôi chùa mẹ thường đến, tâm cầu khấn Phật bà phù hộ cho mẹ mau chóng khỏi bệnh mà sống đời với gia đình, với Tí.

Như có phép mầu, sau hơn một tháng điều trị, mẹ Tí lành bệnh. Nhận ra con trai chăm sóc mình không nghỉ ngơi, mẹ cảm động đến rơi nước mắt. Và hơn hết, mẹ khóc vì thấy con đã nên người trong cách suy nghĩ.

Sau tai nạn này, đức tin mẹ càng mạnh hơn gấp bội. Dù chân đã yếu đi nhiều so với trước đây nhưng mẹ vẫn muốn đi chùa. Đi để cám ơn chư Phật và Bồ Tát. Đi để hít thở không khí trong lành ở chốn thanh tịnh, tôn nghiêm. Từ hôm ấy cứ mỗi sáng cuối tuần, người ta lại thấy Tí cõng mẹ lên chùa thấp nhang khấn Phật. Nhìn thấy cảnh ấy, ai cũng cảm mến vô cùng!

Đặng Trung Thành