“Con về nương tựa Phật, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời”

Ai trên cuộc đời này cũng cần một chốn nương tựa, trú ẩn. Đó có thể là một người bạn tri kỷ lâu năm, có thể là vợ, chồng, cha mẹ hay gia đình… bất cứ thứ gì chúng ta bám víu lấy, dựa dẫm vào khi gặp khó khăn, mệt mỏi và đau khổ trên đường đời.

 

Điểm tựa của bạn trên cuộc đời này là gì?  Nếu bạn còn đang hoang mang không biết đâu là chốn về để nương tựa, mà ở đó ta lấy lại được năng lượng tích cực cho mình, định hướng được bản thân và hiểu được chính mình thì sau đây là những điểm tựa mà bạn cần phải có để đi giữa cuộc đời này.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Có thể bạn đã biết hoặc từng nghe qua câu: “Con về nương tựa Phật, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời”. Đây chính là điểm tựa đầu tiên tôi muốn đề cập đến. Phật là ai? Ngài không phải thần linh, cũng không phải thượng đế, nhưng hơn cả thần linh và thượng đế Phật là một con người bằng xương bằng thịt, đã từng có mọi thứ như tài, sắc, danh lợi. Ngài cũng đã từng đau khổ như bao người để rồi một ngày ngài nhận ra được bản chất của thế giới, của con người, của mọi sự có mặt trên đời là khổ. Ngài đã từ bỏ mọi thứ để tìm kiếm cái gọi là chân lý, sự thật, sau bao năm tháng không ngừng học hỏi, trải nghiệm và thực chứng, chiến thắng ngoại ma và nội ma để đạt được giác ngộ. Điều quan trọng nhất mà Phật dạy cho chúng ta là tinh thần tự giác, ngài cũng nói thêm ngài chỉ là người chỉ đường, còn đi hay không là do chúng ta. Con đường ngài đã tìm ra chính là con đường đưa đến chân hạnh phúc như trong kinh pháp cú có bài kệ:

“Đường này đến thế gian

Đường kia đến niết bàn

Tỳ kheo đệ tử phật

Phải ý thức rõ ràng.”

Khi ta chọn Phật làm điểm tựa tức chúng ta nhận đức Phật làm chỗ quy hướng, nương tựa để tu tập dẫn lối cho cuộc đời của mình ra khỏi tối tăm phiền não của cuộc đời.

Khi đã có được điểm tựa thứ nhất tức ta chọn Phật là chốn quy hướng, là mục tiêu cho bản thân rồi thì kế đó ta phải biết được phương pháp làm thế nào để thành tựu được như Phật. Điểm tựa thứ hai chính là: “Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết”. Pháp tức là chân lý sự thật mà ai thấu suốt được và ứng dụng vào đời sống sẽ đạt được chân an lạc ngay trong hiện tại, để hiểu được chân lý đó ta phải nhận Tam Tạng Thánh điển của đức Phật làm kim chỉ nam soi đường, nương tựa vào những phương pháp này để đến được bến bờ an vui. Điều quan trọng nhất mà đa số chúng ta hay dễ nhầm lẫn chính là kiến thức và thực nghiệm. Không thể phủ nhận hiểu biết nhiều rất có lợi, nhưng nếu không tự mình thực chứng trải nghiệm những cái biết ấy thì chẳng khác nào trăng trong nước tuy có nhưng không thực. Vậy nên một người trí phải tự mình thấu đạt được Pháp và chứng nghiệm được nó.

“Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức”. Mỗi một cá thể tồn tại đều có vô vàn tương quan tương duyên với mọi thứ xung quanh, không có bất cứ ai sống trên cuộc đời mà không có một vòng tròn nhỏ của họ. Trong vòng tròn nhỏ đó có thể chỉ người thân trong gia đình, rộng hơn một chút thì có những người bạn hay đồng nghiệp…. Nhưng cho dù như thế nào ta cũng chính là một phần tử của tập thể. Tăng đoàn cũng vậy, là một đoàn thể trong đó ta nhận được sự dìu dắt và nâng đỡ trên con đường đi đến mục tiêu giải thoát khổ đau. Cho nên mới nói Tăng thân là một điểm tựa cho ta khi gặp phải vấp ngã hay hoang mang trên cuộc đời.

Như đã trình bày Phật, Pháp, Tăng chính là ba điểm tựa rất cần thiết cho mỗi người đi trên cuộc đời này. Nhưng điều tối trọng yếu nhất vẫn là bản thân mỗi người, chỉ khi chúng ta biết mục đích của ta giữa cuộc đời này là gì, điều gì là cần thiết nhất, quan trọng nhất đối với chúng ta lúc đó chúng ta tự biết phải làm như thế nào. Để đi giữa cuộc đời một cách an toàn nhất bắt buộc chúng ta phải trang bị cho bản thân những kiến thức, hành trang và những điểm tựa để bất cứ lúc nào chúng ta đều giữ vững bước tiến về phía trước mà không phải lo lắng mất phương hướng. Mỗi sự lựa chọn đều đưa đến những kết quả không giống nhau, ngay lúc này hãy tìm cho bản thân một sự lựa chọn sáng suốt….

Phong tử