Con người và sự nghiệp giáo dục của Đức Phật

Phật pháp là những giáo lý cao cả mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã để lại cho chúng ta đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị và những bài học vô cùng sâu sắc cho nhân thế.

Phương pháp giáo dục của Đức Phật là phương pháp giáo dục đặc thù, là nền tảng cho tất cả các phương pháp giáo dục khác ở thế gian và là phương pháp giáo dục xuyên thời đại. Đúng như lời tác giả nói: Mục tiêu, phương pháp và nội dung giáo dục của Đức Phật, ở bất kỳ phương diện nào cũng đều có những kiến giải mang tính sáng tạo độc đáo. Tuy khoảng cách về thời gian từ thời của Đức Phật đến thời đại này đã hơn 2.500 năm, hơn nữa trong những năm tháng dài dằng dặc ấy, con người và sự vật đã có những biến động vô cùng lớn lao, nhưng cho đến lúc này đọc lại những gì Ngài đã chỉ ra trong kinh, chúng ta vẫn nhận ra rằng những điều Ngài đã dạy sao thật mới mẻ, hoàn mỹ và có giá trị thực tế, có thể đem lại sự hân hoan cho tâm hồn và khai sáng cho cuộc sống con người.

Con người và sự nghiệp giáo dục của Đức Phật. Ảnh: Vĩnh Nghiêm Books
Con người và sự nghiệp giáo dục của Đức Phật. Ảnh: Vĩnh Nghiêm Books

Tác giả cuốn sách “Con người và sự nghiệp giáo dục của Đức Phật” – cư sĩ Trần Bách Đạt – do Nxb Dân Trí ấn hành được biết đến là một người ham học hỏi và có những suy nghĩ thâm sâu, ngoài việc chuyên tâm nghiên cứu những tác phẩm về các trào lưu tư tưởng giáo dục đương đại ra, còn dành nhiều công sức để đọc kinh điển của Phật giáo, đồng thời tự thân thực hành, cần mẫn kiểm chứng và đã phát hiện ra trong kinh điển Phật giáo hàm chứa những tư tưởng cực kỳ phong phú và rất có giá trị, sau đó đã chắt lọc những phần có liên quan đặc sắc giáo dục, tóm tắt chỉnh lý thêm rồi phân tích những đặc điểm khác nhau về Con Người của Đức Phật. Đây thực sự là một cuốn sách tham khảo cần thiết cho những ai có chí hướng nghiên cứu về giáo dục và Phật học.

Thông qua hai chủ đề nổi bật với những trích dẫn từ kinh điển ra tác giả đã chứng minh Đức Phật là một nhà giáo dục vĩ đại, một nhà nghệ thuật chân chính hiểu được cuộc sống, đồng thời cũng là một kỹ sư tâm hồn. Hai chủ đề của cuốn sách bao gồm:

● Chủ đề thứ nhất: Nghiên cứu, thảo luận những đặc sắc về con người của Đức Phật, chứng minh Ngài có đầy đủ các điều kiện để trở thành một người thầy giỏi. Đồng thời tác giả cũng trích dẫn những kết quả nghiên cứu Tâm lý học, Giáo dục học hiện đại và những kinh nghiệm của bản thân để chứng minh khẳng định những vấn đề này.

 Chủ đề thứ hai: Chứng minh ít nhất 12 điểm đặc sắc trong phương pháp giáo dục của Đức Phật.

Một trong những điểm đặc sắc trong phương pháp giáo dục của Đức Phật được chỉ ra đó là nội hàm vô cùng phong phú, từ sinh lý học, địa lý học, vạn vật học, thiên văn học, lịch sử học, triết học, dinh dưỡng học, vệ sinh học, đạo dưỡng sinh, y học, tương lai học, kinh tế giáo dục học, tâm lý học, logic học, chính trị học, … Chẳng hạn, Đức Phật biết rõ thành phần cấu tạo của từng bắp thịt, mỗi giọt máu, từng đốt xương, từng mẩu tủy sống trong cơ thể con người, thậm chí Ngài còn biết được một cách rõ ràng mỗi người có đến 99 vạn lỗ chân lông, ngay cả quá trình phát triển của một thai nhi từ khi trứng bắt đầu thụ tinh cho đến khi được sinh ra. Một quốc gia có bao nhiêu dãy núi và dòng sông? Trong núi có những bộ lạc nào và hồ nước nào? Có những loài cây cối, cỏ hoa và động vật nào trong rừng? Dưới hồ nước có những gì? Núi cao và rộng bao nhiêu? Sự phân bố của những dãy núi và dòng sông như thế nào?… Tất cả những điều này đều được Đức Phật nói vô cùng tỉ mỉ.

Không chỉ là một bậc Đại trí có thể nói ra những điều mang tính thuyết phục cao mà Đức Phật còn là một người tự mình nêu gương. Không chỉ là một người đưa đường dẫn lối mà Đức Phật còn là một người giúp đỡ. Không chỉ là một vị lãnh tụ để cho đệ tử học tập và làm theo mà Đức Phật còn là một người thúc đẩy sự phát triển về nhân cách của họ. Không chỉ là một người truyền đạt văn hóa mà Đức Phật còn là một  người cố vấn, một người bạn tốt nhất của tất cả mọi người.

Đức Phật là người nghiêm túc chịu trách nhiệm, thân thiết và có tấm lòng lương thiện. Không những hiểu sâu sắc về tâm hồn con người mà Đức Phật còn nhiệt tình với công việc phúc lợi công cộng. Không những nắm vững các nguyên lý giáo dục mà Đức Phật còn vận dụng một cách có hiệu quả kỹ năng giảng dạy. Không những chú trọng giáo trình và phương pháp giảng dạy phù hợp với năng khiếu của người học, Đức Phật còn nhấn mạnh đến việc đánh giá giáo dục. Không những truyền thụ những lẽ phải vào trong tâm trí của đệ tử mà Đức Phật còn khơi gợi những tiềm năng và thế mạnh của họ.

Ảnh: Vĩnh Nghiêm Books
Ảnh: Vĩnh Nghiêm Books

Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và nghiên cứu của quý vị độc giả về sự nghiệp giáo dục của Đức Phật, nhà sách Phật Giáo Vĩnh Nghiêm trực thuộc Trung tâm biên phiên dịch tư liệu Phật giáo Quốc tế, trực thuộc Ban Phật giáo Quốc tế – Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trân trọng giới thiệu cuốn sách “Con người và sự nghiệp giáo dục của Đức Phật” do cư sĩ Trần Bách Đạt viết và được dịch giả Hiểu sinh chuyển ngữ sang tiếng Việt.

Mong rằng cuốn sách này sẽ là nguồn nước “pháp” để cho quý vị độc giả, đặc biệt là thầy cô và những ai đang làm trong ngành giáo dục, được vẫy vùng trong biển lớn tri thức và sẽ là nguồn tưới mát, ươm mầm và nuôi dưỡng Giới – Định – Tuệ trong mỗi chúng ta.

Chỉ hy vọng cuốn sách này là một món quà nhỏ chân tình của một “cái tôi bình thường” gửi tặng đến quý độc giả” – cư sĩ Trần Bách Đạt.

Minh Minh