Con người tự tại giải thoát luôn hiện hữu nơi miền tĩnh lặng
Ở vị trí của tâm trí chính là vị trí ta đang sống trong nó mỗi ngày. Vị trí của tâm trí là vị trí của bản ngã, của đối đãi nhị nguyên, của được mất hơn thua…khi ở vị trí của bản ngã ta thường hay bị cuốn vào những vấn đề do tâm trí tạo ra. Và những vấn đề này thì luôn bất tận vì tâm trí vận hành suy nghĩ miên man bất tận.
Do vậy ta không thể nào có được sự tự tại giải thoát khi ta vẫn còn ở vị trí của tâm trí, vị trí của bản ngã. Và cũng ở vị trí này ta cũng sẽ không bao giờ giải quyết được những vấn đề mà ta mong muốn cả vì vấn đề này vừa chấm dứt thì vấn đề khác được sanh ra để bảo đảm rằng bản ngã đang tồn tại.
Người ưa tĩnh lặng, thường tìm về hướng tĩnh lặng
Bản ngã của chúng ta là ảo tượng, là không có thật nên nó luôn thèm khát sự công nhận.
Bản ngã càng lớn thì nó càng tạo ra nhiều vấn đề, bản ngã càng nhỏ thì vấn đề càng ít lại. Nhưng nếu chuyển hoá bản ngã của ta, vượt thoát lên trên bản ngã ta không thể đứng ngay vị trí của bản ngã để chuyển hoá được. Mà ta phải đứng ngay vị trí giác, vị trí của tâm biết.
Ngay vị trí giác, nơi miền tĩnh lặng ta sẽ nhận diện được sự vận hành của bản ngã, của tâm trí. Ta sẽ thấy chúng đến đi nhưng ta lại không đồng nhất với chúng mà chỉ đơn thuần là người quan sát. Ta là người đang quan sát mọi thứ đang diễn ra trong tâm trí nhưng đồng thời cũng quan sát thấy chính ta tức là cũng đang quan sát luôn cả người đang quan sát, giác luôn tâm đang giác.
Khi ta có thể sống được ngay vị trí giác một cách thuần thục thì ta sẽ nhận ra xưa nay ta đã đồng nhất mình với những lao xao trong tâm trí, với những gì tâm trí vẻ ra. Và do đó ta đã đánh mất đi cơ hội sống với con người tự tại, giải thoát ngay nơi chính mình, con người tự tại giải thoát luôn hiện hữu nơi miền tĩnh lặng nơi vượt ra khỏi không gian và thời gian, nơi vượt ra khỏi mọi nhị nguyên đối đãi.
Và ta đã nhận ra ta thực sự là ai, ta không còn lang thang đi tìm cái tôi bản ngã ngay nơi tâm trí nữa.