Cơn lũ đi qua

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1230 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Mùa mưa đã chính thức “khai mạc”, vẻ như sớm hơn mọi năm. Kịch tính ngay từ màn đầu. Mới bước vào tháng mười (âm lịch) có mấy ngày mà mưa thẳng thét. Mưa chắc hạt từ sáng đến chiều.

 

Xâm xẩm ngưng một chút nhưng đêm đang ngủ lại giật mình vì tiếng mưa tơi tả tứ bề. Sáng dậy, vẫn còn mưa. Lũ bò bị nhốt rần chưn, thay nhau õm ò… nghe não ruột. Mẹ thở dài van vái: ông Trời ơi, ông muốn mưa bao nhiêu cũng được, nhưng đừng lũ lụt dùm con… Chạy đằng nào khỏi, hổng lụt to thì lụt nhỏ chứ đất này năm nào chẳng lụt – ba tôi chen vào tỉnh bơ, kiểu nói của người đã dày dạn với lũ lụt. Điều đó chắc hẳn mẹ – người miền Trung chính hãng đã quá rõ, nhưng giờ nghe ba phán xanh rờn vậy, lại não nề hơn.

Hồi đó, con nít con nôi, tôi cứ thấy mưa là thèm lụt. Lụt chơi nước đã quá mà. Chẳng cần đi đâu xa, ngồi trong hè cũng vọc nước thỏa thuê. Thú nữa là trò làm bè bơi ngoài đường, rồi lấy cái đó của ba ra chụp cá, chụp mệt đứt hơi cũng chẳng có con nào nhưng vẫn vui. Vì sự ham vui to bự mà thấy mưa càng nặng hạt tôi lại càng thích chí, yên tâm sẽ có lụt.

Đời này kiếp này, chắc sẽ không còn có lần thứ hai tôi xin trời làm lụt nữa. Mười ba tuổi, chứng kiến một cơn lũ thế kỷ, tôi bảo đảm mình sẽ kinh hãi tới chừng xuống mồ.

Năm đó, y như “mơ ước”, mưa tầm tã tới xế thì nước ngập sân, lem lém bước lên nấc cấp thứ nhất. Chao ôi là mừng, bay liền ra sân lội nước, lội đến bết chân mới chịu vào nhà ngồi thở. Chơi chưa đã mà ngó bộ trời êm êm, chỉ e ổng đổi ý ngưng mưa, nước trong sân rủ nhau rút hết thì tiếc chết, vậy là bụng cứ cầu khẩn cho mưa nữa.

Cầu vậy nhưng ổng chỉ êm có một chút, khi bầu trời đen thui vần vũ, mưa từ to đến rất to thì tôi đã thấy hối hận khôn cùng về cái ước muốn khùng điên của mình. Chẳng biết vì thương nên chìu ý hay vì ghét nên trừng phạt mà ông trời đổ mưa như thể có bao nhiêu nước tích trữ cho mùa đông, ông bực bõ trút hết xuống quê tôi. Mưa dữ dội, nước chảy ron rót trên mái nhà, rớt bạch bạch xuống đất. Mặt sân, mặt đường nước văng trắng xóa.

Tiếng mưa lấn lướt, không còn nghe được thứ âm thanh gì khác của xung quanh. Những ngôi nhà bị cô lập bởi những trận mưa. Kinh hoàng. Mưa mịt mùng, tầm nhìn bị giới hạn ngang ngõ. Tới bữa chỉ cơm nóng và chén nước mắm dầm ớt ngâm chua. Mẹ than muốn chợ búa cũng phải chờ mưa tạnh. Ba bảo: mưa kiểu vầy, có cơm ăn đã phước. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là trận cuồng phong thịnh nộ của chàng Sơn Tinh. Mưa điên cuồng mù mịt. Mưa ròng rã một đêm nữa. Tưởng chỉ khuyến mãi thêm buổi sáng, ai dè được thể, ổng mưa tiếp tới chiều. Khủng khiếp là mưa. Đến tối, khi cả nhà chuẩn bị đóng cửa đi ngủ thì nước đã gần tới hè.

– Mưa kiểu vầy chắc nước vô nhà quá ông! – mẹ nói bằng giọng siêu rầu rĩ.

Ba tôi vẫn bình tĩnh:

– Bà khéo lo. Tui ở đây năm mươi năm, chưa thấy có cơn lụt nào nước lên tới nền nhà. Nhà mình mà ngập chắc vùng này trôi sông trôi biển hết.

*

Không biết đó là mấy giờ, chỉ biết chị em đang ôm ngủ thì bị mẹ lay giật ngược. Dậy mau, dậy mau, lo chạy lụt nèCái gì? Mà chạy đi đâu? Con em còn hỏi bằng giọng mớ ngủ thì tôi đã tỉnh queo khi nghe tiếng ba, ái chà, nước chui vô thềm rồi. Tôi đưa mắt đảo quanh quất thấy nhà cửa trống huơ, ba mẹ đã lo thu dọn đồ đạc trật tự đâu ra đó. Lúa trong bịch cũng được chuyển thành từng cục, chất hết trên bàn trên giường. Gà, vịt nhốt chung một giỏ, con heo nhốt trong rọ, kê trên bàn. Tóm lại, bàn ghế giường chõng thường ngày giờ trở thành chỗ kê đồ hết.

– Đi thôi, nước lên nhanh quá!

– Mẹ ơi, còn quần áo, sách vở nữa?

– Bỏ hết, bỏ hết, giữ được cái mạng đã hay.

Tôi nghe câu đó mà run rét. Mẹ dặn cứ đi từ từ coi chừng sụp hố. Tôi và con Út, hai đứa đu vào cánh tay phải, tay trái mẹ còn phải đỡ thúng đồ trên đầu.

– Mẹ đội cái gì vậy?

– Nồi cơm, ít gạo với chai mắm.

Tôi bỗng nhớ ra vụ con Mởn mới đẻ em, liền hỏi:

– Còn mẹ con con Mởn, mình tính sao hả mẹ?

– Ông ba ở nhà trông chừng rồi.

– Giờ mình đi đâu?

– Cứ đi lên trường rồi tính.

Đó là ngôi trường cấp 2, cách nhà tôi khoảng ba cây số. Nó nguyên là cái kho ngày xưa của xã, nằm trên khu gò cao, sau sửa sang làm trường. Tiếng trường nhưng là phân trường của thôn nên chỉ nhỏ nhoi bốn phòng học. Mẹ con lên tới chỗ thì đã chật cứng, lớp người lớn, lớp trẻ con cùng vịt gà bò chó chen nhau nháo nhào. Tóm lại hết chỗ chen.

Mẹ nói, thôi mình ra xóm đồng. Xóm đồng ngày xưa có nhà bà ngoại. Ngoại mất, để nhà lại cho cậu Thừa nhưng vợ chồng cậu ấy hay đóng cửa đi làm ăn xa. Xóm ở giữa cánh đồng, phía bên kia mương lớn, mưa tới đâu nước thoát tới đó nên xưa giờ không có lũ. Nhưng muốn ra ngoại phải băng qua một đoạn có ba đám ruộng quanh năm ngập nước. Bữa nay lũ nên nước lên dữ, ngập trắng lăng, mẹ bảo đứng đợi lát, từ từ có ghe rồi theo qua.

*

Ba mẹ con đứng lấn quấn trong nước, mưa vẫn duy trì dữ dội. Chiếc áo mưa tận dụng từ cái miếng nhựa lọt trong bao phân u-rê giặt sạch không đỡ nổi những hạt mưa to. Ướt từ đầu đến cổ. Nước chảy xuống sống lưng, len từ cổ xuống ngực, lạnh buốt, mưa gõ vào da, đau như kim châm. Vừa lúc bác Sáu bơi ghe từ nhà ra. Trên ghe chất bao lúa, nồi niêu xoong chảo. Mẹ kêu cho mẹ con quá giang ra mương với. Bác ghé lại liền. Từ từ. Mẹ và bác đỡ em leo lên. Tôi sảnh sẹ tự trèo. Lầy cầy, níu kéo, mất thăng bằng, ghe chòng chành, lật úp.

Con Út được bác Sáu nhanh chóng bỏ lên cổ, đưa nhanh qua mương. Mẹ đứng trụ dưới nước, cầm hai tay tôi bỏ lên cổ bảo đu lên. Tôi hỏng chân, ráng rướn, nước vẫn ngập mặt, bị uống vào mấy ngụm, sặc. Mẹ bảo bình tĩnh, ráng đạp chân nổi lên. Bác Sáu bỏ con Út lên bờ lại lật đật phi xuống đưa tôi vô.

Ba mẹ con đã lên bờ, bác bơi xuống nước kéo cái ghe vào. Một làn gió từ ruộng nước thổi lên, hình như đang gieo vào đôi mắt nheo nheo nỗi tiếc nuối.

Mẹ không nói xin lỗi mà áy náy:

– Khổ quá. Bao lúa đó, để qua lụt tui tính nghen anh Sáu?

– Cô lo đưa hai đứa tìm chỗ trú đi. Tím mặt tím mày hết rồi kia. Mạng mình quan trọng chứ bao lúa nghĩa lý gì? Xóm trước nước ngập bay nóc. Tan hoang trong nước hết rồi. Cả người lẫn của… Sau câu đó, tôi thấy mẹ nén tiếng thở dài. Con em sợ, nó nhón lên, ghì tay mẹ xuống ngực cho an tâm, phần tôi, quả tim bỗng dưng run rẩy. Ai mà nghĩ lụt tới mức ngập hết nóc nhà.

Mẹ dắt hai chị em băng nhanh trong mưa ra nhà ngoại. Đóng cửa rồi. Mẹ con đứng lớ ngớ, còn chưa biết đi đâu thì có tiếng gọi:

– Tươi ơi, đem hai đứa nhỏ vào đây!

– Dạ

Ba mẹ con vào nhà. Người đàn bà vừa gọi mẹ là láng giềng của bà ngoại, chị em tôi quen gọi ngoại Chín. Trước có nghe xích mích với bà ngoại đôi lần. Sau này cậu Thừa cũng nhớ chuyện cũ, vụ có lần ngoại ấy to họng, lên mặt dạy đời bà ngoại mà nổi xung cắt cầu. Mẹ tôi cửa giữa, mỗi lần ra chơi, thấy hai nhà căng thẳng, gặng hỏi lý do, cả ngoại và cậu đều bảo, hạng người đó không qua lại sẽ tốt hơn. Nghe vậy, mẹ tin oán đã nặng thù đã sâu nên cũng thuận theo, gặp nhau nửa muốn chào nửa không, cứ lựng khựng bối rối.

Vậy mà giờ ngoại Chín lại vui vẻ kêu mẹ con tôi vô tránh lũ ngon lành. Nói bằng giọng trìu mến cùng với thái độ nhiệt tình nữa chứ. Thấy ngoại có thiện chí vậy, mẹ ngoan ngoãn đưa chị em tôi vào. Rồi mẹ nôn nóng cua ra. Ngoại Chín nói to: bây vô nhà đợi nước rút chớ đi đâu nữa?

– Con về trông mấy con bò với ba sắp nhỏ. Nhà có nhiêu vốn liếng đó…

Hai chị em đứng nhìn mẹ lội trong dòng nước đục. Chưa bao giờ tôi thấy nước lại trở nên đáng ghét như vậy.

Sáng hôm sau, mưa bắt đầu nhẹ nhưng nước vẫn rút chậm. Chiều hôm đó, khi mưa dứt hẳn, nước ngoài đường chỉ còn lội tới gối, nhưng mẹ chỉ ra thăm chừng rồi để chị em ngủ nhờ một tối nữa, chờ nước rút hẳn.

*

Sáng hôm sau, mặt trời đã chịu ló dạng, có điều nắng yếu xìu, chập lóe, chập tắt.

Chị em về tới nhà, thấy ba vẫn ướt đầm (mồ hôi), loay hoay chống đỡ mấy cái róng chuồng bò bị mưa gió quật xịch xạc. Vẫn còn nguyên đàn bò bốn con, chú bê đứng chễm chệ trong hè, khô ráo. Không cần hỏi, mẹ cũng kể chuyện ba mẹ và con bê đã lên mái nhà khi nước ngập qua trần nhà. Mấy con bò lớn bơi trong nước. Con Mởn cưng lắm, nghe tiếng con kêu õm ò, nó nổi đầu trên nước, mắt đưa về phía con, lo lắng…

Hai chị em nghe mẹ nói thì cùng nhìn nhau mà nhoẻn cười hạnh phúc. Hai đứa vô coi sách vở mẹ xếp trong chiếc gương nhôm để trên trần còn được mấy quyển thì đem phơi đi, mai còn tới trường…