Con đã học được điều hay từ thân giáo của Thầy
Chư tôn đức Tăng Ni và Ni chúng chụp hình trước chùa Phước Hòa (Q.3, TP.HCM) – Ảnh: Ngọc Đại
Thầy thường dạy con rằng: “Mình là người xuất gia rồi, trong bất cứ việc làm hay suy nghĩ phải khác…”.
Giữa chốn xôn xao, tấp nập của dòng đời, ngôi chùa Phước Hòa (đường Nguyễn Đình Chiểu, P.2, Q.3, TP.HCM) vẫn hiện lên một sự thanh thoát đến diệu kỳ, mang tình đạo vị của những trái tim đầy yêu thương. Đặc biệt là sư bà trụ trì nơi đây, Người như một bóng cây đại thụ, che chở cho những tâm hồn thơ dại để chúng con có thể nép mình dưới vòng tay từ bi…
1. Thấm thoát tám năm trôi qua, một chú tiểu mới ngày nào đang còn chập chững bước đi, mà giờ đây con cũng đã khôn lớn trong sự nuôi dưỡng dạy dỗ, thương yêu của Thầy và Tăng thân. Nơi đây, đã trở thành quê hương thứ hai trong cuộc đời con, cho con lớn lên mỗi ngày trong chiều sâu nhận thức của sự chuyển hóa nội tâm.
Mặc dù thầy không phải là bổn sư thế độ cho con, cũng không phải là người đầu tiên đưa con đến với đạo, nhưng Người đã dạy con tất cả từ những việc nhỏ nhất, trong cách đi đứng nằm ngồi, cách nuôi dưỡng lòng từ bi và sống đúng với một người xuất gia thực thụ. Với con, Người như một người mẹ và người Thầy mà con luôn tôn kính.
Thầy thường dạy con rằng: “Mình là người xuất gia rồi, trong bất cứ việc làm hay suy nghĩ phải khác với người thế tục, xứng đáng là một bậc mô phạm cho thệ sau này”. Lời dạy tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng thấm thía vô cùng, đánh thức con phải luôn sống trong chánh niệm. Người vô cùng giản dị, nhưng ẩn chứa đằng sau đó là cả một tấm lòng bao dung và độ lượng, không chỉ riêng bản thân con mà tất cả mọi người nơi đây, ai ai cũng cảm nhận được lòng khoan dung, đức độ của Người.
2. Con vẫn còn nhớ, lần đầu tiên con đến đây, biết bao tâm trạng lo lắng, vì con không thể hòa nhập vào cuộc sống ồn ào, ngột ngạt nơi chốn thành thị này. Con thèm được về lại nơi chốn êm đềm, thanh bình xứ Huế. Nhưng rồi, cái cảm giác đó cũng dần qua đi, vì bên cạnh con luôn có Thầy, âm thầm lặng lẽ trợ duyên, giúp con có thêm nghị lực để vượt qua những chướng ngại, khổ đau.
Con thầm nghĩ, sáu năm con nhập chúng tu học, khoảng thời gian cũng không dài mà cũng không quá ngắn, nhưng cũng đủ cho con cảm nhận được tình thương của Thầy. Người không hề có chút thiên vị, hay phân biệt nào cả, tấm lòng bao dung luôn trải rộng đến tất cả mọi người, làm cho chúng con có cảm giác thật ấm áp, là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất cho chúng con mỗi khi chúng con chơi vơi, hụt hẫng, hay thiếu vắng niềm tin. Không những thế, cả những loài cây, hay loài vật dường như cũng cảm nhận được tình thương không ngằn mé của Người.
Có lần, vô tình con nhìn thấy Người chăm sóc cho những chậu hoa lan đang trổ bông trong vườn, nào là tưới nước, nhổ cỏ… rồi lấy khăn lau từng cành hoa, ngọn lá, Người vừa làm, vừa tâm sự với nó, như là một người bạn tri kỷ… Sau này con mới hiểu ra tình thương của một người đức độ thì khoảng cách ấy, nó không bị giới hạn bởi một không gian hay thời gian nào, dù là vô tình hay hữu tình…
Qua đó, con học được những bài học thầm lặng từ thân giáo của Người. Con thầm tự nhủ với bản thân mình, phải tu tập thật tốt để trở thành một người có ích cho đạo pháp, không phụ lòng mong mỏi của Thầy.
3. Chỉ còn vỏn vẹn mấy tháng nữa thôi, sau khi hoàn thành việc học con phải trở về với mảnh đất miền Trung cát trắng, về với thầy tổ của con. Nhưng có lẽ, dù đến phương trời trời nào đi chăng nữa, con vẫn sẽ không bao giờ quên hình ảnh của một Sư bà có hình dáng nhỏ nhắn, nụ cười hiền hòa, và trái tim đầy lòng từ bi, nhân ái.
Con sẽ trân trọng từng giây, từng phút thiêng liêng nhất khi vẫn còn ở bên Thầy, được nghe những lời khuyên bảo, giáo huấn, về những phương pháp tu tập, cách chuyển hóa tâm thức, để làm hành trang cho con trên bước đường tìm về bến giác.
Con nguyện thắp nén hương lòng, nguyện cầu hồng ân Tam bảo gia hộ cho Thầy pháp thể khinh an, mọi Phật sự đều được viên thành và sẽ mãi mãi là một người Thầy khả kính trong tâm hồn bé nhỏ của chúng con.
Thích nữ Như Hiếu/Báo Giác Ngộ