Con cái là cộng nghiệp nên tùy duyên đón nhận

Khi đã xác định con cái là duyên, là cộng nghiệp, các bậc cha mẹ Phật tử luôn tùy thuận. Con gái hay trai đều quý hóa, tùy duyên. Vấn đề quan trọng sau khi sinh con là chăm lo nuôi nấng, giáo dục, chỉ bày tu dưỡng để kiến tạo cộng nghiệp tích cực thiện lành.

Hỏi:

Tôi hiện đang ưu tư về vấn đề quan niệm phải có con trai nối dõi của người Á Đông. Vì điều này mà nhiều phụ nữ phải khổ, hy sinh sức khỏe, tính mạng (phá thai khi mang thai con gái) của bản thân để cố gắng sinh con trai cho chồng và gia đình chồng (đặc biệt khi chồng là con một hoặc con trưởng), nếu không chồng sẽ tìm con ở bên ngoài, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Theo quan điểm của đạo Phật, chúng ta cần nhìn nhận về vấn đề này như thế nào để cảnh tỉnh những người đàn ông còn u mê và giải thoát cho những người phụ nữ đáng thương?

Có phải “đời cha ăn mặn đời con khát nước” là nói theo phương diện cộng nghiệp?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đáp:

Quan niệm về vấn đề sinh con trai, con gái trong xã hội ta hiện nay tuy đã có nhiều cởi mở, thông thoáng, đa chiều nhưng vẫn còn không ít người (gia đình) thích sinh được con trai. Từ xa xưa, người Việt bị ảnh hưởng nặng nề tín niệm sinh con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, làm trụ cột gia đình, nuôi dưỡng cha mẹ. Người xưa do sống trong xã hội nông nghiệp, chịu ảnh hưởng tư tưởng phong kiến “trọng nam, khinh nữ” đã đề cao vai trò của nam giới, khinh thường phụ nữ (Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô).

Xã hội hiện đại ngày nay đã đa dạng hóa ngành nghề, tôn vinh tri thức, trong đó có những công việc đặc thù mà phụ nữ thành công hơn hẳn nam giới. Mặt khác, bình đẳng giới được xã hội đề cao, phụ nữ cũng tự bảo vệ được mình (không lệ thuộc vào nam giới như xưa), họ độc lập, tự chủ, bình đẳng với nam giới trong mọi phương diện cuộc sống. Trong xu thế hiện đại, nhiều người đã xem vấn đề cố sinh bằng được con trai là hủ tục.

Tuy nhiên, vấn đề sinh con trai lại tùy thuộc vào nhận thức của mỗi cá nhân và gia đình. Người nào chuyển hóa được những quan niệm cố hữu đã ăn sâu từ nhiều đời thì tâm thức được khai phóng, tư tưởng được thoải mái, đời sống được nhẹ nhàng. Còn những ai không vượt thoát những định kiến cũ rồi gánh chịu nhiều hệ lụy vẫn là quyền của họ.

Theo quan niệm của đạo Phật, con cái chính là duyên, là cộng nghiệp của gia đình. Nếu con cái là cộng nghiệp tích cực thì trai gái gì cũng tốt đẹp. Ngược lại nếu con cái là cộng nghiệp tiêu cực thì dù có cả hai con trai (xã hội khuyến khích mỗi gia đình nên có hai con) cũng tanh bành, tai họa. Chỉ cần quan sát xung quanh khu phố hay xóm làng sẽ thấy rõ điều ấy.

Người Phật tử thường tư duy, con gái mà hiếu thảo và thành công thì vẫn có thể thờ cúng tổ tiên, làm trụ cột gia đình, nuôi dưỡng cha mẹ. Con trai mà lười biếng, hư hỏng, say xỉn, nghiện ngập thì dẫu có đến mười đứa cũng là số không; thậm chí còn là gánh nặng cho cha mẹ và xã hội. Riêng vấn đề con trai mới thực sự là người nối dõi tông đường, duy trì tộc họ – theo quan điểm Phật giáo, đây thực sự là tà kiến, quan niệm sai lạc (do xã hội phong kiến Trung Hoa xưa áp đặt).

Người Phật tử luôn quán niệm về nguồn mạch huyết thống tổ tiên với đầy đủ ông bà, cha mẹ nội ngoại hai bên. Nếu không có đầy đủ nội ngoại thì sẽ không có chúng ta. Mang họ gì (họ cha hay họ mẹ) là quy ước của mỗi bộ tộc, từng xã hội. Mỗi người hiện hữu trên đời là đang nối dõi tông đường. Dù trai hay gái, nếu họ thành công và hữu ích cho xã hội thì đang làm rạng danh tiên tổ.

Khi đã xác định con cái là duyên, là cộng nghiệp, các bậc cha mẹ Phật tử luôn tùy thuận. Con gái hay trai đều quý hóa, tùy duyên. Vấn đề quan trọng sau khi sinh con là chăm lo nuôi nấng, giáo dục, chỉ bày tu dưỡng để kiến tạo cộng nghiệp tích cực thiện lành. Nếu chuyển hóa được những cộng nghiệp xấu và xây dựng được cộng nghiệp thiện lành thì gia đình ấy chắc chắn được hạnh phúc, an vui, dù sinh con trai hay con gái.