Cõi Ta Bà là gì và ở đâu?
Trong Phật Giáo, cõi Ta Bà là một ý niệm, một góc nhìn về thế giới mà trong đó chính thế giới chúng ta đang sống cũng là một phần của cõi Ta Bà.
Cõi Ta Bà là gì?
Ta Bà ( âm dịch: Sa Ha hay Sách Ha) nghĩa là nhẫn. Cõi Ta Bà (sahā-lokadhātu) nghĩa là thế giới chịu đựng, nhẫn giới. Đây là thế giới mà chúng sinh phải chịu đựng các phiền não, khổ sở. Theo sách sử ghi lại, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là bậc giáo chủ cõi Ta Bà.
Trong Phật Giáo, cõi Ta Bà là một ý niệm, một góc nhìn về thế giới mà trong đó chính thế giới chúng ta đang sống cũng là một phần của cõi Ta Bà. Ta Bà là một chu kỳ của sự hiện hữu trong đó bao gồm Sự sinh, sự sống, cái chết rồi lại được tái sinh. Đây là một chu kỳ lặp đi lặp lại dưới sự chi phối của Nghiệp. Tùy theo nghiệp báo mà từng kiếp sống tích được mà mỗi chu kỳ này sẽ phát triển theo một định hướng khác nhau.
Cũng theo quan điểm của Đạo Phật, Cõi Ta Bà chỉ là cõi tạm, như một quán trọ. Con người ta sống trên đời này chỉ là một vị khách trọ không hơn. Tất cả trên cuộc đời này chỉ là tạm bợ, vô thường. Nó giống như một sân khấu mà mỗi con người là một diễn viên trên sân khấu đó. Khi vở diễn kết thúc, màn sân khấu hạ xuống, con người thay lại trang phục và về lại cuộc sống bình thường, mọi thứ diễn ra trên sân khấu là không còn tồn tại hay liên quan đến cuộc sống của họ nữa.
Cõi Ta Bà còn gọi là Ta Bà Thế giới hay Đại Thiên Thế Giới, và cõi mà hiện chúng ta đang sinh sống đây thuộc về Ta Bà Thế Giới. Ta Bà nguyên là tiếng Phạn, dịch nghĩa là “kham nhẫn”. Như vậy, Cõi Ta Bà là cõi giới mà nơi ấy chúng sanh có khả năng nhẫn nhịn và chịu đựng mọi sự thống khổ. Sự thống khổ ấy ở đâu ra? Sự thống khổ ấy nằm trong Bát Khổ và lưu chuyển trong lục đạo luân hồi. Bởi đa phần chúng sanh không nhận thức được Bát khổ của kiếp nhân sinh nên nhiều vị chẳng biết tại sao mình khổ. Hễ nghe bảo đời là bể khổ thì ngơ ngơ bảo: Ai chứ tôi nào thấy mình có khổ gì đâu?!
Lục Đạo Luân Hồi bao gồm Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới, gọi tắt là Tam giới. Tam giới gồm có sáu nẻo chúng sanh, gọi là Lục Đạo Luân Hồi, gồm: Trời, Người, A tu la, Súc sanh, Ngạ quỷ và Địa ngục. Chúng sanh nơi cõi Ta bà tùy nghiệp thiện ác mà vô lượng kiếp đến nay luẩn quẩn lên xuống trong sáu nẻo luân hồi sanh tử: Sanh ra rồi chết đi, chết đi rồi lại sanh ra, lang thang bất tận trong sáu đường!
Ngũ trược ở cõi Ta Bà
Theo tiếng Hán, “Trược” nghĩa là ô uế, dơ bẩn. Ngũ trược là năm thứ dơ dáy ở cõi Ta Bà, đó là: Kiếp trược, Kiến trược, Chúng sanh trược, Mạng trược, Phiền não trược.
Kiếp trược
Theo cái nhìn của đạo Phật, cõi của chúng ta đang ở gọi là cõi đời nhiễm ô nên mới gọi là kiếp trược. Đây là cõi mà rất dễ khiến cho chúng sanh bị ô nhiễm, dễ bị ảnh hưởng hay tác động bởi những cái xấu xung quanh. Hơn nữa, tồn tại trong đời sống này còn là rất nhiều điều xấu xa khác như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, chính vì vậy đây gọi là Kiến trược ( kiếp dơ bẩn).
Kiến trược
Kiến trược được lồng trong Kiếp trược, nghĩa là thấy những điều ô nhiễm. Kiến ở đây là thấy, nhưng không phải thấy bằng tri kiến của chư Phật mà đa số là thấy bằng cái thấy và hiểu của phàm phu chúng sinh sau đó tạo nên so đo phiền não, đó chính là Kiến trược.
Chúng sanh trược
Chúng sinh phàm phu trên đời tồn tại rất nhiều điều dơ bẩn. Từ thân không sạch, cho đến tâm không sạch. Người phàm phu tục tử có nhiều tính xấu, ghen ghét, sân si, đố kị, không hiếu kính, cũng chẳng giữ đạo…, từ đó gọi thành chúng sanh trược.
Mạng trược
Trước đây, thời xa xưa thọ mạng của con người rất dài, nhưng vì nhiễm những cái xấu, tính tình ngày càng ác độc, sân si nên thọ mạng bị giảm dần đi. Hơn nữa, trong suốt cuộc đời, suốt sinh mạng cũng tạo ra nhiều điều xấu, nên mới gọi là Mạng trược ( thọ mạng dơ bẩn)
Phiền não trược
Phiền não ở trên đời được tạo ra do tâm không tịnh, nhiễm những thói xấu sân si, tham lam, ái dục, thậm chí đến cả tâm mưu hại người khác. Chính vì vậy, những phiền não ở trên đời này của chúng sinh dơ bẩn, gọi là Phiền não trược.