Cội nguồn của nghiệp chướng là gì?

Có rất nhiều đồng tu thường nói: “Chúng tôi nghiệp chướng rất nặng, hằng ngày cầu tiêu nghiệp chướng”. Nghiệp chướng có thể tiêu được hay không? Khá khó khăn! Cội nguồn của nghiệp chướng là gì?

Quý vị tìm ra nó, sau đó sẽ tiêu trừ từ chỗ ấy, dẹp trừ nghiệp chướng từ căn bản, đừng tiêu trừ từ cành nhánh, khổ lắm! Khó khăn lắm! Chẳng thể tiêu hết được!

Cội nguồn của nghiệp chướng là tự tư tự lợi; kẻ tự tư tự lợi thì nghiệp chướng nào cũng có. Có thể sửa trừ cái tâm tự tư tự lợi của chính mình, khởi tâm động niệm luôn nhằm lợi ích hết thảy chúng sanh thì nghiệp chướng của quý vị sẽ bị dẹp trừ tận gốc, chẳng còn nghiệp chướng nữa.

Vì sao nói “không còn nghiệp chướng?” Không có ngã! Không có ngã thì làm sao có nghiệp chướng? Còn có gì để chướng ngại nữa đây? Đó gọi là “dẹp trừ tận gốc”. Nếu chuyện gì trước hết cũng nghĩ có lợi ích cho mình hay không thì nghiệp chướng của quý vị làm cách nào cũng chẳng tiêu được!

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mỗi ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu cũng uổng công! Hằng ngày lạy Lương Hoàng Sám, dập đầu đến nứt trán, nghiệp chướng vẫn chẳng tiêu! Nếu có thể mở rộng cái tâm, khởi tâm động niệm luôn nghĩ làm lợi ích hết thảy chúng sanh, căn bản là chẳng nghĩ đến chính mình thì quý vị cũng chẳng cần niệm Phật, cũng chẳng cần lễ Phật mà nghiệp chướng hoàn toàn không có! Đấy là lời thật, phải sửa lỗi, đổi mới.

Căn nguyên của lầm lỗi là do tự tư, tức là chuyện gì cũng nghĩ tới mình, đó là gốc bệnh! Do vậy, Phật pháp từ đầu đến cuối là phá Ngã Chấp. Vì sao trong quá trình tu học lại dạy quý vị phát nguyện hồi hướng?

Hồi hướng là đem hết thảy công đức và phước đức do quý vị đã tu, đã học ban cho người khác, chính mình không cần đến, đều vì người khác mà tu, chẳng phải vì chính mình mà tu. Nói cách khác, phải quên đi chính mình, đây là phương pháp phá ngã chấp tuyệt diệu trong Đại Thừa, mở rộng cái Ngã, mở rộng hòng biến đổi nó, khiến cho cái Ngã nhỏ nhoi chẳng còn nữa. Ngã là gì? Tận hư không khắp pháp giới là Ngã, nghĩ cho hết thảy chúng sanh chính là nghĩ cho mình, nghĩ cho mình thì phải nghĩ cho hết thảy chúng sanh, đấy là tiêu nghiệp chướng.

 

HT. Tịnh Không