Có thiên đường và địa ngục không?

Vị hiệp sĩ đến hỏi Thiền sư Bạch Ẩn về thiên đường và địa ngục. Hỏi: “Có thiên đường, có địa ngục không?”. Ngài Bạch Ẩn đáp: “Anh làm nghề gì?”. Đáp: “Là hiệp sĩ”.

 

Ngài Bạch Ẩn nói: “Trông dáng của anh không khác gì tên ăn mày mà làm hiệp sĩ cái gì?”. Anh liền đỏ mặt đưa tay vào chuôi kiếm định rút. Ngài nói thêm: “Anh mà cũng có kiếm à! Kiếm của anh trông cùn quá!” Khi đó, hiệp sĩ nhịn hết nổi bèn rút kiếm, ngài Bạch Ẩn cười bảo: “Cửa địa ngục đang mở ra đó!.” Anh tỉnh ngộ biết là mình quấy liền tra kiếm vào vỏ và cúi đầu tạ lỗi. Ngài bảo: “Cửa thiên đường đang mở ra cho anh”.

Chúng ta thấy Thiền sư khéo léo trả lời câu hỏi về thiên đường, địa ngục một cách thực tế. Thiên đường, địa ngục không ở đâu xa mà chính ngay việc làm của mỗi người, từ cái nhân này sẽ đưa đến thiên đường hay địa ngục. Nếu anh tạo cái nhân địa ngục thì sẽ có chỗ đau khổ cho anh đến, còn anh tạo nhân tốt lành thì sẽ có chỗ tốt lành cho anh. Bởi vậy, nếu chúng ta không tạo cái nhân địa ngục thì không có quả địa ngục đến với mình, mỗi người cần nên cẩn thận ngay mỗi hành động hiện tại, vì đó là nhân đưa đến cái quả thiên đường hay địa ngục sau này.

Thường con người chúng ta không sợ nhân mà khi quả đến thì than. Nếu biết rõ như vậy rồi cố gắng tránh tạo nhân, còn lỡ tạo nhân rồi thì quả sẽ đến.

Thường con người chúng ta không sợ nhân mà khi quả đến thì than. Nếu biết rõ như vậy rồi cố gắng tránh tạo nhân, còn lỡ tạo nhân rồi thì quả sẽ đến.

Hiểu rồi thì khi có một đóm lửa sân nổi lên trong tâm, chúng ta liền biết đây chính là cái nhân để đưa đến cõi đấu tranh A-tu-la, khỏi cần phải tìm cõi A-tu-la ở đâu hết. Và ngay khi lòng tham lam keo kiệt phát khởi liền biết đây là hiện tướng của ngạ quỷ. Nên càng phải cẩn thận ngay từ cái nhân và sống hợp đạo lý, sống sáng suốt thì ngày sau khỏi phải ăn năn hối hận.

Thiền sư Quảng Trí nói: “Trước mắt một niệm mà hiện tướng sân thì chính là hình ảnh của con rắn dữ, còn trước mắt mà hiện tướng tham thì chính là giống loài ngạ quỷ, cái nhân của niệm khởi không có hình tướng thì rất nhỏ, nhưng quả báo thì lại rất lớn. Sự nhỏ nhiệm của một niệm được giữ gìn trong ruộng thức trải qua ngàn muôn kiếp cũng không mất”.

Phải hết sức cẩn thận từ một niệm khởi, khi đã gieo thành hạt giống trong tàng thức của mình rồi thì trải qua thời gian dù dài nhưng khi đủ duyên thì nó nẩy mầm, nên phải cẩn thận là như vậy. Vì thế, bậc trí tuệ luôn dè dặt không dám xem thường, nên có câu “Bồ-tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”.

Thường con người chúng ta không sợ nhân mà khi quả đến thì than. Nếu biết rõ như vậy rồi cố gắng tránh tạo nhân, còn lỡ tạo nhân rồi thì quả sẽ đến. Khi đó phải biết đây là trách nhiệm của mình chứ không phải ai đem đến, phải can đảm nhận chịu rồi tạo nhân tốt khác để chuyển hóa.

Trên đã nói lại những bài học nhân quả để mỗi người nghiệm kỹ và khéo học, khéo ứng dụng vào cuộc sống. Phải biết quan sát chung quanh để học rồi suy ngẫm những bài học sống, rồi sống sao cho đúng nhân quả. Chúng ta sẽ thấy chung quanh đều là những bài học nhân quả thiết thực học hoài không hết, nào phải chỉ học để trả bài thôi. Tóm lại, nhân quả là một bài học lớn cho tất cả chúng sanh, và tất cả chúng sanh đều sống trong nhân quả.

Con người sống trên thế gian này cần phải học kỹ, hiểu rồi tin sâu nhân quả để sống không có lầm lẫn giữa khổ và vui. Khi đã hiểu rõ nhân quả rồi thì mình sẽ nhận thấy trách nhiệm khổ vui đó là thuộc về mình chứ không ai đem đến, và chính mình là chủ nhân mọi vui buồn của đời mình.

Khi đã biết trách nhiệm thuộc về mình thì chúng ta không còn trách ai, không trách người, hoặc trách trời trách Phật, vì như vậy là tạo thêm cái nhân quả mới nữa. Ngược lại biết rõ nhân quả lành dữ đều do mình tạo, khéo chuyển hóa, giống như là có nợ trả xong nợ rồi thì khỏe. Đây cũng là chân lý bình đẳng của tất cả thế gian, lẽ thật này dù cho ở đâu, cõi nào, nước nào, người có đạo hay không đạo đều cũng nằm trong nhân quả và hết thảy người thế gian đều bình đẳng trên nhân quả, nhờ hiểu rõ như vậy nên chúng ta biết cách để sống. Trong kinh Pháp Cú có câu:

Tự mình làm điều ác

Tự mình sanh nhiễm ô

Tự mình không làm ác

Tự mình thanh tịnh mình.

Tịnh hay không thanh tịnh

Đều do tự chính mình

Ai thanh tịnh cho ai?

Nghĩa là mình làm ác là tự mình sanh nhiễm ô, tự làm xấu cho mình. Còn tự mình không làm ác thì chính mình làm thanh tịnh mình, đó là trách nhiệm nơi mình. Như vậy thanh tịnh hay không thanh tịnh đều là chính mình, đâu ai thanh tịnh cho ai được.

Chúng ta không thể cầu thầy làm cho mình thanh tịnh mà chính mình phải tự thanh tịnh lấy mình. Thầy Tổ chỉ dạy, nhắc nhở cách thức đường lối để chúng ta thực hành mà không thể làm cho chúng ta thanh tịnh được. Cũng vậy, không ai có thể làm cho mình nhiễm ô mà chính mình làm cho mình nhiễm ô.

Mỗi người hiểu rõ rồi thì phải khéo học kỹ bài học nhân quả của cuộc đời để có một cuộc sống sáng suốt, hợp đạo lý. Đây là bài học đầu năm, mong quí Phật tử nhớ kỹ suốt năm. Nhưng đâu phải chỉ nhớ kỹ trong năm nay mà là nhớ suốt đời, là bài học thiết thực trong cuộc sống hằng ngày, nó sẽ giúp chúng ta sống xứng đáng là người Phật tử học Phật, tin sâu nhân quả.

Khi chúng ta có đủ chánh kiến là có gieo trồng hạt giống sâu đối với Phật pháp, thì con đường đi của chúng ta bảo đảm sẽ đi lên và không ai gạt được mình nữa. Như vậy, trên đường học Phật của chúng ta bảo đảm luôn tiến bộ.

Mong tất cả khéo học kỹ và sống đúng với nhân quả.

Hoà thượng Thích Thông Phương