Có phải “rắn độc” lúc nhúc quanh ta?

Một túi tiền lớn vô chủ nằm bên vệ đường mà thầy trò Thế Tôn bảo nhau rằng đó là rắn độc, kể cũng lạ. Theo lẽ thường, của rơi thì có thể “nhặt” chứ đâu phải tội trộm cướp gì nhưng người nông dân kia đâu biết rằng bên trong nó ẩn tàng một hiểm họa khôn lường, ác độc hơn cả rắn độc.

Một nông dân đang cày trên thửa ruộng gần thành Xá Vệ. Thấy Thế Tôn và Tôn giả A Nan làm thị giả đi ngang, anh đảnh lễ và tiếp tục cày. Thế Tôn chợt gặp một túi tiền bị đánh rơi liền quán sát và thấy rõ mọi chuyện, Ngài chỉ cho A Nan, bảo:

– Hãy xem, A Nan, một con rắn độc! A Nan thưa:

– Bạch Thế Tôn, con đã thấy, một con rắn độc chết người! Anh nông dân nghe được, khi Phật và A Nan bỏ đi, liền đến chỗ rắn để bắt. Đến nơi thấy túi tiền, anh chợt hiểu chắc Thế Tôn ám chỉ túi tiền là rắn độc.

Anh ta đặt túi qua một bên, phủ đất lên và tiếp tục cày. Không lâu sau, nhà bị mất tiền đuổi theo dấu bọn trộm, đến cánh đồng nơi chôn túi tiền và thấy dấu chân anh nông dân. Ðào đất, nhặt túi tiền lên xong, họ mắng nhiếc anh:

– Anh đã trộm nhà người và giờ đây anh làm bộ cày bừa, phải không? Sau khi nện anh ta một trận đích đáng rồi, họ bắt anh dẫn lên nhà vua. Nghe qua sự tình, vua ra lệnh xử tử. Quân lính trói thúc anh kéo ra pháp trường, dọc đường còn đánh đập. Anh nông dân chỉ một bề lặp đi lặp lại:

– Hãy xem, A Nan, một con rắn độc! Bạch Thế Tôn, con đã thấy, một con rắn độc chết người! Quân lính ngạc nhiên, hỏi anh ý nghĩa ra sao? Anh bảo sẽ giải thích nếu gặp được vua. Và anh được như ý. Trước mặt vua, anh kể lại mọi sự và xác nhận mình không phải kẻ trộm. Vua ngẫm nghĩ anh ta đã nêu danh Thế Tôn, bậc cao tột trong thế gian làm chứng, thì thật không đúng nếu kết tội, và vua quyết định dẫn người nông dân đến gặp Phật để làm sáng tỏ vụ này.

Sau khi bạch Phật, được Phật xác nhận câu chuyện xảy ra, vua hiểu hết tự sự, bèn kết luận:

– Bạch Thế Tôn, nếu anh nông dân này không nói tên một bậc như Ngài để làm chứng, chắc không khỏi chết. Anh đã tự cứu mạng do lặp lại lời của Phật.

– Ðại vương, Ta đã nói như thế đến khi đó. Một người trí sẽ không hành động để phải hối hận.

Theo Truyện tích Pháp Cú.

“Trời đất bao la nhưng lòng tham của con người còn mênh mông hơn thế!”

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bài học đạo lý: 

Một túi tiền lớn vô chủ nằm bên vệ đường mà thầy trò Thế Tôn bảo nhau rằng đó là rắn độc, kể cũng lạ. Theo lẽ thường, của rơi thì có thể “nhặt” chứ đâu phải tội trộm cướp gì nhưng người nông dân kia đâu biết rằng bên trong nó ẩn tàng một hiểm họa khôn lường, ác độc hơn cả rắn độc. Tiền bạc bất chính, không phải do công sức mình làm ra, chắc chắn là không lành.

Khởi tâm tham lam chiếm đoạt tiền của bất chính ấy ắt sẽ gánh lấy tai họa. Nếu tai ương không ập đến trong hiện tại thì cũng xảy ra ở tương lai. Người nông dân kia chỉ vừa mới giấu xong túi tiền thì ngay lập tức đã bị đánh đập, giải về triều và bị mang đi xử tử.

Cũng may phước cho anh ta, trong khi bị lôi ra pháp trường, nhờ lặp lại lời Thế Tôn mà được minh oan, thoát chết. Có thể đó là thời điểm mà người nông dân nhận thức sâu sắc nhất về lời dạy “rắn độc” của Đức Phật. Chúng ta cũng thường rơi vào trường hợp tương tự.

Dù đã được học tập, được khuyên răn biết bao điều kinh nghiệm quý báu của tiền nhân nhưng ta chỉ biết qua mà thôi, chẳng mấy khi để lòng. Rồi đến lúc lâm vào hoạn nạn, có ăn năn hối hận cũng đã muộn màng. Vì không phải ai cũng có đủ phước duyên vượt qua chướng nạn để kinh nghiệm và làm lại cuộc đời.

Câu chuyện này còn có một khía cạnh khác thật thú vị, chỉ cần xưng danh hiệu Thế Tôn mà được thoát khỏi gông cùm, oan ức được giải tỏa, thoát chết trong gang tấc. Người nông dân nhờ niệm Phật (Thế Tôn), niệm Pháp (lặp lại lời Thế Tôn) và niệm Tăng (Tôn giả A Nan) nên được thoát nạn. Vì vậy, người Phật tử luôn tâm niệm về Tam bảo thì chắc chắn sẽ được soi sáng, phò trì, gia hộ để sống thánh thiện, hạnh phúc và an vui.

QT