Có nên phân biệt khi bố thí và cúng dường?
Hỏi:
Chúng tôi là những Phật tử trẻ thường đi lễ chùa và động viên nhau tạo phước, gieo duyên với Tam bảo bằng cách hỷ cúng chút ít tịnh tài vào thùng công đức của chùa. Vừa qua, khi đến chùa, tôi gặp một người hành khất liền bố thí và nghĩ rằng làm phước thì việc nào cũng tốt, phước đức cúng chùa hay bố thí cũng như nhau.
Tuy nhiên, bạn tôi nói rằng “từ bi phải có trí tuệ”, phải biết cái nào phước lớn, biết người nào nên và không nên cho, để tránh người khác lợi dụng lòng tốt của mình. Chúng tôi đã trao đổi rất nhiều nhưng chưa thống nhất với nhau về quan điểm trên. Vậy có nên phân biệt khi bố thí và cúng dường không?
Ý nghĩa của bố thí và cúng dường
Đáp:
Biết mở rộng tấm lòng, sẵn sàng sẻ chia một phần những gì mình đang có hay biết bố thí và cúng dường là một đức tính tốt. Đời sống vốn thừa thải nhiều thứ nhưng thiếu thốn và hiếm hoi những sự sẻ chia. Các bạn tuy còn trẻ tuổi nhưng đã có nhận thức và hành động thiết thực về bố thí và cúng dường, việc ấy thật đáng trân trọng.
Khi một người thực hành bố thí và cúng dường, điều đầu tiên là sự phát tâm, hoàn toàn tự giác và tự nguyện, ý thức rõ ràng về giá trị và lợi ích tốt đẹp của việc mình đang làm.
Tuy nói thế nhưng không có nghĩa bố thí cho người nghèo khổ là không quan trọng. Đôi khi, bố thí cho người nghèo, hoạn nạn để giúp họ vượt qua khổ nạn trước mắt lại là việc khẩn thiết, cần kíp và quan trọng hơn cúng chùa. Dân gian Việt Nam có câu: “Dù xây chín bậc phù đồ/ Không bằng làm phúc cứu cho một người” là vì vậy.
Do đó, tinh thần bố thí “từ bi phải có trí tuệ” chính là vận dụng trí tuệ trong bố thí để việc bố thí của mình có lợi ích thiết thực nhất, đem đến hiệu quả nhất cho tha nhân chứ không phải đem đến cho mình phước báo nhiều nhất. Nếu bố thí mà chỉ nghĩ đến mình, cầu mong cho mình được thật nhiều phước báo, từ đó khởi tâm phân biệt so đo, chọn lựa đối tượng bố thí thì chưa xứng hợp với tinh thần bố thí của Phật giáo.
Chúng tôi đồng ý với quan niệm bố thí nhưng không để người khác lợi dụng lòng tốt của mình. Hiện có không ít người lười biếng lao động, họ làm đủ mọi cách để động lòng thương cảm và sống ung dung nhờ lợi dụng lòng tốt của người khác. Với những đối tượng này, hẵn nhiên chúng ta phải cảnh giác. Sự phân biệt, sàng lọc đối tượng bố thí ở đây là cần thiết vì không tiếp tay cho kẻ xấu, và xa hơn là vì mục tiêu của người thí xả chỉ mong người nhận được lợi ích thiết thực nhất.
Điều quan trọng là phát huy tuệ giác cao độ để thực hành bố thí. Khi bố thí với số lượng tài sản lớn, tất yếu cần có kế hoạch và chương trình hành động cụ thể, khoa học nhằm đem lại lợi ích lâu dài cho nhiều người. Nhưng khi bố thí nhỏ nhặt như giúp một ai đó qua cơn đói khát chẳng hạn thì cần vô tư. Bởi đem cái “lý trí” phân biệt ra áp dụng vào trường hợp này sẽ dễ đi đến lạnh lùng, vô cảm, nếu không muốn nói là có thể làm thui chột tâm từ bi.
Như đã nói ở trên, chúng ta không đánh đồng giữa phước báo bố thí cho người nghèo khổ và cúng dường Tam bảo nhưng vấn đề là chúng ta xác định việc nào cần làm ngay, trong từng hoàn cảnh cụ thể. Bố thí hay cúng dường hoặc song hành cả hai việc đều tốt, tất cả đều mang tính tùy duyên. Do đó, nếu các bạn đi chùa, gặp những người hành khất rồi tùy duyên bố thí, điều ấy rất tốt, nhưng nếu đã có chủ ý trước lên chùa để cúng dường thì nên cúng dường.
Vấn đề bố thí và cúng dường trên phương diện phân biệt đều có những mặt tích cực và giới hạn riêng. Trong Phật giáo còn có một phương thức bố thí và cúng dường vô phân biệt (Bố thí ba la mật). Đây mới là đỉnh cao của sự thí xả. Ngay đây, mọi ranh giới phân biệt bị xóa nhòa chỉ còn lưu lộ tâm đại từ bi tuôn trào gội nhuần, lợi lạc cho khắp tất cả người bố thí, người nhận và hết thảy chúng sanh
Do đó, chúng ta cần bố thí theo tinh thần từ bi (ban vui, cứu khổ), nghĩ đến lợi ích của tha nhân hơn là vì mình. Phát huy từ bi nhưng không để kẻ xấu lợi dụng. Vận dụng trí tuệ để tìm ra đối tượng bố thí và cúng dường xứng đáng nhưng phải linh động và hết sức tinh tế để tránh rơi vào cứng nhắc, chấp thủ.