Có mấy pháp ba-la-mật?
Ba-la-mật (Tiếng pālī: Pāramī) có nghĩa là gì? Và có mấy pháp?
Trả lời:
– Ba-la-mật (Pāramī) nghĩa là đến bờ kia. Ba-la-mật là nhân đến bờ kia hoặc là pháp báu hay là pháp của các bậc cao nhân, là con đường đi của đấng: Chánh đẳng Chánh giác (Sammāsambuddha), Độc giác (Paccekabuddha), Thinh văn giác (Savakabuddha). Những người tu Phật, nếu muốn thành một trong 3 bậc giác ấy, cần phải một lòng tinh tấn tu hành theo pháp thập độ cho được viên mãn, bằng chẳng vậy thì không thể đắc đạo quả Niết-bàn được.
Thập độ là pháp giải thoát, ngăn ngừa ái dục, ngã mạn, tà kiến không cho nhiễm vào tâm, do lòng từ thiện. Nếu bố thí, trì giới mà còn vọng cầu danh lợi hoặc ngã mạn tự cao, khinh bỉ kẻ khác thì chẳng đáng gọi là người tu thập độ, vì không lòng từ bi đối với chúng sanh.
Hơn nữa, bậc tu pháp thập độ nếu bị chê trách hoặc được ngợi khen thì các ngài vẫn tự nhiên bất động, ví như tảng đá liền lạc, dù bị mưa to gió lớn cũng không lay chuyển. Như thế mới đáng gọi là người tu thập độ. Các bậc trí tuệ không hay tưởng đến những việc của mình đã làm, nghĩa là không lòng ăn-năn, than tiếc hoặc bất bình đến người nhạo báng mình.
– Ba-la-mật (Pāramī) có 10 pháp:
1) dānaṃ: thí, là đem của cải hoặc Phật pháp mà cho chúng sanh;
2) sīlaṃ: giới, là không phạm điều luật của Đức Phật đã răn cấm hoặc gìn giữ thân và khẩu được trong sạch;
3) nekkhammaṃ: xuất gia, là sự đi tìm đạo đức cao thượng hoặc dứt bỏ vợ con, của cải mà đi tu hành;
4) paññā: trí tuệ, là thông suốt tất cả các pháp;
5) viriyaṃ: tinh tấn, là một lòng cố gắng tu hành tấn tới;
6) khantī: nhẫn nhục, là gắng chịu những điều sỉ nhục;
7) saccaṃ: chân thật, là không gian tà, giả dối;
8) ādhitthānaṃ: quyết định, là quyết định không thay đổi chí hướng;
9) mettā: bác ái, hiền lành, nhân từ, mong cho tất cả mọi loài được vui;
10) upekkhā: xả, là không vui, không buồn, thờ ơ không để ý, có tâm bình đẳng.
Chúc quý vị luôn an vui!
Bhikkhu Dhammaviriyo