Chuyện về Tổ sư độ Ni trưởng Nghiêm Liên

Khi còn sống, Ni trưởng Nghiêm Liên có kể câu chuyện Tổ độ cho xuất gia tu hành, với một nhân duyên thật kỳ diệu.

 

Ni trưởng nhớ mấy mươi năm về trước, Ni trưởng còn là một cô thiếu phụ, vợ của anh Nguyễn Tấn Phát. Họ có với nhau môt đứa con trai. Đôi vợ chồng son sống rất hạnh phúc ở làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Họ có nhà cửa sự sản rất ổn định, mặc dù mới lập gia đình. Phía nhà chồng đã giàu, nhưng phía nhà cô dâu cũng không kém, thuộc vào hạng giàu nhất vùng.

Mỗi bên cha mẹ đều chia phần tài sản cho con của mình. Riêng gia đình bên chồng, có cha chồng là ông Nguyễn Tồn Hiếu rất đỗi mừng vui khi ông có được một đứa cháu nội trai đích tôn. Ông không bắt con dâu phải làm dâu, mà cho đôi trẻ có nhà riêng để ở. Ông còn có người con trai út tên Nguyễn Thành Đạt đã đi tu, nay đã  độ nhiều đệ tử Tăng Ni xuất gia tu học, thường gọi là Sư trưởng Minh Đăng Quang, lập ra phái Khất Sĩ. Cô dâu đó cũng đã nghe kể về vị ấy, nhưng chưa một lần được gặp mặt. Cô tin rằng rồi một ngày nào đó cô cũng sẽ được gặp.

Gia đình Tổ sư

Gia đình Tổ sư

Rồi điều mong chờ cũng đã đến. Một buổi sáng hôm đó, cô thấy Ngài về thăm gia đình cô. Cô nhận ra ngay, vì cô có xem ảnh của Ngài trước đây, do nơi nhà chồng giới thiệu, một thành viên anh em cật ruột trong gia đình. Cô thật bất ngờ, một sự xuất hiện không có báo trước, thật cảm nhận lạ lùng ngoài sức tưởng tượng, suy nghĩ trước đây của cô. Thỉnh Ngài vào nhà an tọa xong, cô tự nhiên tự nghĩ trong lòng đây là thầy của mình, cũng không ai dạy bảo, cô quỳ sụp xuống lễ Ngài ba lạy, rồi  cô bạch xin cho con được xuất gia đi tu. Thật ra, những việc làm này trước đây cô chưa từng biết và nghĩ tới. Lúc mới vừa gặp cô, Ngài có nói bài kệ, tiếng phát ra nhỏ nhỏ vừa nghe: “Hỡi chúng sanh thấu chăng lòng Bồ-tát, từ trời xa lần dõi bước tìm về…..”. Theo lời thỉnh cầu Ngài dạy: Cô muốn xuất gia đi tu, phải hỏi xin có sự đồng ý của huynh Năm Phát không  mới được. Cô xin thỉnh cúng dường Ngài thọ trai tại nhà hôm nay. Cô mang tâm trạng vô cùng hoan hỷ và xin lui ra lo việc nấu cơm chay cúng dường, kẻo trễ ngọ, cũng như báo tin cho chồng đang làm ở phía sau biết là có Ngài về thăm.

Anh chồng mừng vui khi gặp lại người em của mình, giờ đã trở thành nhà sư rồi. Trong khoảng thời gian thăm viếng đó, Ngài nêu lên nguyện vọng cô vợ của ông anh muốn xuất gia. Ngài giảng dạy sự quý báu của xuất gia. Cuối cùng Ngài nhấn mạnh, nếu ai ngăn trở người xuất gia thì người ấy bị tội rất nặng nề. Tâm trạng anh chồng bây giờ thật đau khổ rối bời, không biết có quyết định nên cho vợ đi tu hay không. Trong thời điểm hết sức kịch tính đó thì cô vợ dọn lên mâm cơm chay thỉnh Ngài độ ngọ. Ngài đọc Kinh chú nguyện xong rồi bắt đầu thọ thực. Lúc đó, hai vợ chồng cũng ngồi lặng yên gần đó nhìn xem coi nhà sư ăn uống như thế nào, vì xưa nay chưa từng thấy. Cô có nấu một món nấm rơm kho khô rất ngon bày ra dĩa cùng những món khác. Đặc biệt cô không khỏi ngạc nhiên khi thấy Ngài sớt  thức ăn mỗi thứ một ít vào bát rồi trộn đều với cơm, rồi chậm rãi múc ăn từng muỗng. Theo cô nghĩ nếu để riêng sẽ ăn ngon hơn, nhưng theo Ngài ăn như vậy để không chấp mùi vị.

Độ cơm vừa xong, có sự chứng minh của Ngài, cô xin chồng đồng ý cho cô được xuất gia tu hành. Anh chồng mặt buồn bã nói: Em đi tu tôi cũng không cấm, mà cho thì… tôi cũng không cho. Giây phút khó khăn nhất đó người chồng còn chút vương vấn nhưng cô đã vượt thoát ra khỏi sợi dây tình ái trói buộc dõng mãnh, cắt ái ly gia. Sau đó, Cô được Ngài độ cho xuất gia với pháp danh là Nghiêm Liên.

Ni trưởng Nghiêm Liên còn kể thêm về một vài điều xảy ra sau khi đã xuất gia.

Có một ngày kia Tổ dạy: Cô phải giữ vững tinh thần, hôm nay có có huynh Năm Phát tìm đến làm phiền cô đó. Đúng là sau đó ông ấy có tìm đến ngỏ ý muốn năn nỉ xin Ni trưởng hãy trở về với mái ấm gia đình với chồng với con. Ni trưởng vẫn vững lòng tiến bước trên con đường giải thoát, không một chút giao động. Chỉ có tội cho đứa con nhỏ, nhưng nó đã được gửi cho ông nội nuôi rồi.

Một thời gian Ni trưởng xuất gia không lâu, cụ Nguyễn Tồn Hiếu gặp lại Tổ nói: Ông Sư đi tu đã được rồi, sao không để con dâu của tôi lại, tiện cho việc chăm sóc đứa cháu nội. Tổ trả lời: Ông lão có biết không, cô ấy đã có tới ba kiếp làm đệ tử xuất gia của tôi rồi. Thế nên, không có người nào có thể ngăn cản sự xuất gia cô ấy trong kiếp này được. Còn đứa cháu nội đó nó sẽ theo Ông lão để hầu cận, Ông lão đừng có lo.

Lần đầu về thăm huynh Năm Phát, Tổ thấy đứa cháu trai, Tổ nói cho tôi xin đứa con này đi và đặt cho nó Pháp danh Huệ Tâm. Lúc Ni trưởng xuất gia thì chú bé còn quá nhỏ không biết có còn nhớ được mẹ không, nhất là người mẹ đã đổi sang hình tướng tu hành. Lúc đó, Ni trưởng cùng Giáo hội hành đạo về Vĩnh Long, Ông nội dẫn đứa cháu nội lên thăm mẹ. Ông nội đến Tịnh xá  chỉ vào một hàng dài chư ni đang ngồi nói: Có mẹ con ở trong đó đó. Chú bé Huệ Tâm nhanh nhảu chạy ngay lại sau lưng Ni trưởng ôm sau lưng. Ni trưởng nghĩ thật là mẫu tử tình thâm, khiến cho đứa bé nhận ra mẹ của nó một cách dễ dàng. Ni trưởng xoa đầu và nói với nó: Sư cô tu để dành phước cho con nhe !

Trải qua những tình tiết hết sức đau lòng để thử thách chí tu hành của Ni trưởng, Người đã vượt qua tất cả những chướng ngại để trọn vẹn con đường tu, với tinh thần không không giải thoát. Được như thế, Ni trưởng luôn tri ân Bậc Thầy Đức Tổ Sư là một vị có đầy đủ bi, trí, dũng với nguyện lực lớn lao chính Ni trưởng là người hữu duyên thừa hưởng được ân đức đó. Vì Tổ đã phát bốn mươi chín lời nguyện, chính Ni trưởng là người cảm nhận rõ một trong năm lời nguyện đầu:

1.  Nguyện độ tất cả Cửu Huyền Thất Tổ từ xưa.

2.  Nguyện độ tất cả kẻ quen biết từ xưa.

3.  Nguyện độ tất cả kẻ hung ác từ xưa.

4.  Nguyện độ tất cả kẻ hiền đức từ xưa.

5.  Nguyện độ tất cả kẻ tu hành từ xưa.

Riêng Ni trưởng ấn định rõ là kẻ tu hành từ xưa, đã ba kiếp trước có tu làm đệ tử của Tổ rồi. Kiếp nầy là kiếp thứ tư, chắc chắn là sẽ tròn vẹn. Nếu thật sự không có căn tu sâu dày như thế thì Ni trưởng dầu được Tổ tìm về để độ, Ni trưởng cũng không đủ nghị lực vượt qua vòng ái luyến của chồng, của con mà xuất gia được. Ví như huynh Năm Phát, Tổ sau này có khuyên nên xuất gia tu hành theo Tổ nhưng huynh ấy chỉ ở mức cư sĩ tại gia mà thôi. Đó cũng là mức tế độ của Tổ đối với tất cả Cửu Huyền Thất Tổ từ xưa. Nói chung cũng là duyên lành, duyên đó sẽ còn mãi phát triển, vì chúng sanh đã may mắn kết duyên với Bồ-tát, càng may mắn hơn với chúng sanh đó có ý chí muốn hướng thượng.

Ni trưởng sau này được thỉnh về trụ trì một ngôi chùa của họ tộc, ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Ở nơi đây Ni trưởng tu hành ẩn dật cho đến khi viên tịch. Nhục thân của Ni trưởng được nhập tháp tôn thờ ở quê hương, nằm cạnh Tổ đình Minh Đăng Quang, nơi phần đất của cha mẹ Ni trưởng.

Tổ đình hôm nay thật trang nghiêm rộng lớn, tri ân và báo ân với công ơn lớn lao của Tổ đã dày công khai mở nền đạo. Hòa cùng Tháp của Ni trưởng cạnh bên như một điểm son, hằng ghi, chứng minh công ơn tế độ của Tổ đối với Ni chúng, cũng như tất cả môn đồ pháp quyến, những vị đã tu hành theo Tổ, viên mãn một kiếp tu; sống cũng trong đạo mà chết cũng trong đạo. Tổ độ Ni trưởng Nghiêm Liên quả thật là một điều kỳ diệu. Điều này đã làm sáng ngời thêm trang sử công hạnh độ sanh của Đức Tổ Sư.

Nguồn: Đạo Phật Khất Sĩ

Giác Trí