Chuyện tiền kiếp của Tôn giả La-hỗ-la (La Hầu La)
Tôn giả La-hỗ-la chính là La-hầu-la, con của thái tử Tất-đạt-đa. Ngài là vị La-hán thứ mười một trong mười sáu vị La-hán. Ngài cùng một ngàn một trăm đệ tử trú tại Tất-lợi-dương-cù châu.
Trong “Thập đại đệ tử Phật”, ngài được xưng tán là vị Mật hạnh đệ nhất.
Về cuộc đời Ngài, chúng tôi đã giới thiệu rất nhiều trong quyển “Thập đại đệ tử Phật” của Từ ân Phật giáo nhi đồng tùng thư, ở đây chỉ nói thêm vài mẫu chuyện thú vị khác. Ba chữ “La-hầu-la” hán dịch là Phú Chướng. Vì sao Đức Phật đặt cho ngài tên này? Câu chuyện được tương truyền như sau.
Khi chưa ra đời, ngài ở trong bụng vương phi Da-du-đà-la suốt sáu năm. Thông thường, trẻ con ở trong bụng mẹ lâu nhất cũng chỉ có mười tháng, thế mà ngài lại ở đến sáu năm, thật kỳ lạ! Nguyên nhân là vì sao? Chuyện kể rằng vì tiền kiếp của ngài lúc còn là một đứa trẻ ngây thơ chưa biết gì, có lần nghịch ngợm lấy đá và bùn lấp một cái hang chuột khiến lũ chuột trong hang khốn đốn sáu ngày không ăn uống gì cả. Do đó, đời này ngài mắc quả báo ở trong bụng mẹ sáu năm.
Khi ngài lên chín tuổi, đức Phật sai Tôn giả Mục-kiền-liên, vị đại đệ tử thần thông đệ nhất, về vương cung dẫn ngài đến sống bên mình; rồi bảo Tôn giả Xá-lợi-phất thế độ cho ngài xuất gia. Vì vậy, trong sử Phật giáo, ngài là vị tiểu Sa-di đầu tiên.
Thời làm Sa-di, vì nghĩ mình là thái tử một nước nên ban đầu ngài chưa thoát khỏi tập quán xấu của thời quí tộc, đã bướng bỉnh lại còn hay gây sự phá rối, không chịu dụng tâm tinh tấn tu hành đàng hoàng.
Một hôm, đức Phật không chịu được bèn gọi ngài đến và kể cho ngài nghe câu chuyện:
– Thuở quá khứ, có một vị vua nuôi một con voi dũng mãnh thiện chiến. Mỗi lần giao chiến với kẻ địch không lần nào nó không đánh thắng.
Vua rất thương mến voi nên mặc cho toàn thân nó giáp sắt rất dày, tai, chân cũng bịt sắt, nhưng riêng vòi thì không. Vòi của nó là phần mềm nhất toàn thân, nếu không cẩn thận để bị trúng tên hay bị chém thì sẽ tử vong. Vì thế, để bảo vệ mạng sống mỗi lần tác chiến voi đều đặc biệt chú ý đến vòi.
– Này La-hầu-la, con cũng nên bắt chước như con voi bảo vệ cái vòi vậy, phải hết sức thận trọng trong lời nói, việc làm. Con thấy đó, đời trước con nhỏ dại nghịch ngợm lấp hang chuột mà bị mắc quả báo ở trong bụng mẹ sáu năm không thấy ánh sáng. Nếu như bây giờ con cũng như vậy, suốt ngày chỉ biết ăn chơi lêu lỏng quậy phá làm nhiều việc xấu, không chịu nỗ lực tinh tấn tu tập, con không sợ hậu quả sẽ là một chuỗi ngày dài bất hạnh sao?!
La-hầu-la nghe lời Phật dạy tỉnh ngộ. Từ đó, ngài hạ thủ công phu dụng công tu tập không dám biếng nhác nữa. Phát tâm dụng công tu tập, La-hầu-la thể hiện trọn vẹn những mỹ đức khiêm cung nhẫn nhục, không thích tranh cãi hơn thua nên phòng của ngài thường bị người khác chiếm ở; lắm lúc ngài phải vào nhà xí ngủ qua đêm. Một hôm, vì truyền đạo ngài bị tín đồ ngoại đạo đánh vỡ đầu. Thế nhưng, ngài vẫn không một lời than oán, lặng lẽ đến bờ suối rửa sạch máu dơ rồi dùng khăn băng vết thương lại.
Có lần, có một tín chủ cúng cho ngài một tịnh thất làm nơi tu tập tọa thiền, giảng kinh thuyết pháp. Nhưng chẳng bao lâu tín chủ đó đòi lại rồi đem cúng cho người khác, ngài vẫn bình thản dọn ra khỏi phòng không chút giận hờn. Như thế đủ chứng minh hạnh nhẫn nhục của ngài thật sự là nhẫn nhục Ba-la-mật.
Năm hai mươi tuổi, ngài chứng quả A-la-hán. Tuy đã chứng quả nhưng sống trong chúng, ngài không thích phô trương mà chỉ lặng lẽ tu tập, lặng lẽ hoằng pháp nên được đức Phật Ðặc biệt chọn vào hàng mười sáu vị La-hán lưu lại nhân gian.
Mấy trăm năm sau, vua Thiết-thưởng-ca nước Câu-thi-na-la không tin Phật pháp đến độ đập phá chùa chiền, thiêu kinh hủy tượng, số người xuất gia ngày càng giảm thiểu.Hôm nọ, có một vị Hòa thượng già chống gậy ôm bát vào thành đến từng nhà khất thực. Nhưng cả thành chẳng ai để ý tới, khó khăn lắm ngài mới gặp được một gia đình tin Phật. Họ cung kính cúng cho ngài một bát cháo nóng. Sau khi hớp xong miếng cháo, ngài thở dài. Vị thí chủ thấy vậy liền hỏi:- Thưa ngài! cháo không ngon sao? – Ồ không, thời Phật pháp suy vi mà có một bát cháo để ăn là tốt lắm rồi. – Không phải thế, vậy sao ngài thở dài? – À, tôi chợt nhớ lại thuở xưa, lúc đức Thế Tôn còn tại thế, tôi thường ôm bát theo Ngài đến đây. Thời ấy, nhà nào cũng tin Phật, mọi người tranh nhau cúng dường, nhưng bây giờ thì khác hẳn, người tin Phật ngày càng ít, thật là chúng sanh phước mỏng nghiệp dày!. Vị Hòa thượng già không ngăn được nước mắt.
Người thí chủ thấy lạ hỏi: – Thưa hòa thượng! Ngài nói chính mắt ngài thấy đức Phật và từng ôm bát theo Ngài sao?
– Ðúng vậy!
– Xin hỏi ngài là ai?
– Này thí chủ, người có từng nghe nói La-hầu-la con của thái tử Tất-đạt-đa không?
– Dạ có nghe.
– Tôi chính là La-hầu-la. Suốt mấy trăm năm nay, tôi luôn dốc sức hoằng dương Phật pháp. – Nói xong, Hòa thượng biến mất.
Chuyện này được ngài Huyền Trang ghi lại trong tác phẩm nổi tiếng “Ðại Ðường Tây Vực ký”. Ðiều đó chứng tỏ việc ngài La-hầu-la lưu lại nhân gian là không chút ngụy biện.
Đại Đường Tây Vực ký, thường được gọi tắt là Tây Vực ký, là một tập ký kể về hành trình 19 năm của nhà sư Huyền Trang xuất phát Trường An (Trung Quốc) du hành qua khu vực Tây Vực trong lịch sử Trung Quốc. Nhà sư đã đi qua Con đường tơ lụa của Tân Cương ngày nay ở phía tây bắc Trung Quốc, cũng như các khu vực lân cận ở Trung Á và Nam Trung Quốc. Ngoài các địa điểm này của Trung Quốc, Huyền Trang cũng đi vòng quanh Ấn Độ, đến tận phía nam như Kancheepuram.
Chuyến du hành của Huyền Trang không chỉ giữ một vị trí quan trọng trong các nghiên cứu xuyên văn hóa của Trung Quốc và Ấn Độ, mà cả các nghiên cứu xuyên văn hóa trên toàn cầu. Tập ký vừa cung cấp những ghi chép trên đường hành hương tôn giáo của Huyền Trang, vừa ghi nhận các mô tả về các địa phương mà ông đi qua trong giai đoạn lịch sử thời Đường.
Tập ký được biên soạn vào năm 646, mô tả các chuyến đi được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 626 đến năm 645.
Biện Cơ, một đệ tử của Pháp sư Huyền Trang, đã dành hơn một năm để ghi chép và hiệu chỉnh tập sách từ những lời kể của thầy mình.
Pháp sư Huyền Trang