Chuyện robot dạy ngồi thiền
Sáng, robot nhắc: ‘Hãy bước đi như đôi chân mình đang hôn lên mẹ Trái đất’. Tối, nó lại nhắc: ‘Nếu bận quá thì cũng phải ngồi thiền 10 phút để lấy lại năng lượng cho trái tim’…
Mọi việc bắt đầu từ sự tò mò cố hữu, khi một người bạn làm ăn rủ tôi sang Singapore tham dự khóa đào tạo chánh niệm trong công việc. Họ nói rằng khóa học này tương đương chương trình Search inside yourself (Tìm kiếm bên trong bản thân mình) lừng danh, được xem là nền tảng sức mạnh của Tập đoàn Google.
Phòng thí nghiệm khoa học chánh niệm
Gõ tìm “robot thiền”, ông Google giới thiệu làm quen với The mindful Tech Lab (Phòng thí nghiệm khoa học chánh niệm). Đó là một công ty ở Santa Monica, bang California (Mỹ), ra đời với mong muốn ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất, đặc biệt là những món liên quan đến cuộc cách mạng 4.0 như dữ liệu lớn hay trí thông minh nhân tạo, nhằm giúp con người có thể sống một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Vợ chồng chủ lab, Eric và Sarah, bắt đầu hành trình vào năm 2016, tới giờ có hơn 1 triệu người trên toàn thế giới mỗi ngày tương tác với đội robot dạy thiền của họ, với con robot truyền cảm hứng, con robot thiền, robot chăm sóc sức khỏe và robot hướng dẫn về dinh dưỡng.
Chỉ cần đồng ý “chơi” với con robot này thông qua việc ấn nút “like” trang Facebook của nó, nghĩa là mỗi ngày trôi qua đều có nó bên cạnh, theo dõi sát sao các trạng thái tâm lý của mình trên Facebook và nhắc chừng thông qua những ứng dụng của trí thông minh nhân tạo mà nó được học thông qua thuật toán máy học.
Hơn hai tháng “học thiền” với con robot này thực sự là một trải nghiệm thú vị. Thú vị đến mức tôi đột nhiên nảy ra ý tưởng tìm hiểu về khái niệm “Phật 4.0”. Không ngờ cũng đã có hẳn một tổ chức to đùng dành trọn tâm huyết nghiên cứu về việc này.
Bởi họ tin rằng “não” thì không ai chia sẻ cho ai được, nhưng “tâm hồn” và “trí tuệ” lại dễ dàng trao cho nhau để làm cuộc sống của mỗi người giàu có hơn, ý nghĩa hơn và trọn vẹn hơn.
Trang Facebook mang tên “Buddhismo 4.0 Buddhism 4.0” chọn khẩu hiệu “Hãy nhìn bằng trái tim, đừng nhìn bằng mắt”. Những người khởi xướng từ Tây Ban Nha này đang mỗi ngày chứng minh rằng công nghệ cũng chỉ là một nguồn năng lượng và không có năng lượng nào lớn hơn tình yêu thương của con người.
Thú vị hơn, trang Facebook này không dùng một ứng dụng chatbot (ứng dụng robot chat tự động dựa vào trí thông minh nhân tạo) nào cả.
Và “nâng cấp” bản thân
Không phải tò mò, nhưng táy máy tay chân ấn vào con chatbot thiền để hỏi: “Mày có ngồi thiền không?”, nó trả lời ngay: “Tôi đang cố gắng học mỗi ngày. Giờ tôi có thể giúp bạn ngồi thiền, ru bạn ngủ một giấc thật buông thư hay tặng bạn một câu trích dẫn của những người thông thái nhất?”. Phì cười, đúng là thứ người máy vô tri, chưa đủ thông minh.
Càng đọc, càng gặp các chuyên gia khác nhau về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà ai cũng lo sợ trên báo chí, sợ cảnh robot cướp mất việc làm của dân mình, sợ mình cũng sẽ biến thành người máy, chợt nghĩ mình cũng nên tìm cách nâng cấp bản thân, như kiểu phần mềm được “upgrade” lên một phiên bản mới.
Đi khắp nơi, thấy khóa học đặc biệt có ông giám đốc APEC tham dự, liền đăng ký. Giảng viên quan trọng nhất là bà Roslyn Kunin, người nắm giữ huy hiệu kim cương của nữ hoàng Canada, huy hiệu cao nhất mà một người Canada có thể nhận được, vì những nỗ lực miệt mài của bà để giúp phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ ở vùng sâu vùng xa.
Đã ngoài 70 tuổi, bà vẫn nói vanh vách các khái niệm mới nhất về kinh tế, về công nghệ và về con người, để kết luận rằng không có gì quan trọng bằng hiểu biết bản thân mình và hiểu biết các kết nối giữa mình với những người xung quanh.
Bà cười hiền queo khi tôi nói mình sợ bị robot ăn hiếp: “Có siêng tập yoga không? Có biết ngồi thiền không? Có biết chạy marathon không? Nếu có, sáng mai dậy sớm ra biển cùng tranh tài với tôi. Đó mới là cuộc sống, là đang sống!”.
Ôm Roslyn một cái thật chặt và về hỏi con robot thiền: Có gì hay hôm nay? Nó quăng cho một câu trích dẫn, từ Seneca – tác giả sinh ra trước Công nguyên: “Hãy bắt đầu sống đi. Và hãy đếm mỗi ngày đang sống là một cuộc đời!”.
Trần Nguyên