Chuyện kể về thần chú

Chuyện kể răng thuở xưa có một bà lão nghèo sống đơn độc trên một đỉnh núi ở Tây Tạng suốt ngày, ngồi dùng cơm ra, bà lão luôn lẩm nhẩm câu thần chú Lục tự đại minh của Bồ Tát Quán Thế Âm.

 

Qua nhiều năm như vậy, một hôm bà lão đọc thần chú khiến hạt đậu nhảy qua, nhảy lại hai cái rổ tre của mình. Từ đó, bà có một trò chơi như vậy. Bà sống với niềm vui đó suốt cuộc đời còn lại và không một chút vướng bận thế tục.

Ngày nọ, một hành giả Mật thừa tình cờ leo lên đỉnh núi, thấy hào quang phát sáng ở trong hang động nhỏ. Ông lần mò vào xem và thấy một cụ già đang lẩm nhẩm gì đó. Và mỗi lần như vậy hào quang lại phát ra từ trong động lờ mờ kia, nơi cụ già đang cư ngụ. Vị hành giả thầm hiểu cụ già đó đã đạt Nhất tâm tam-muội do pháp môn trì niệm thần chú.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

 

Chuyện kể rằng, thuở xưa có một người được gọi là “mũi trái rạ”, vì hồi nhỏ anh ta bị bệnh trái rạ để lại những vết sẹo đỏ hồng trên mũi. Suốt ngày anh ta chỉ lo việc chăn bò ngoài đồng cỏ, còn những người trong gia đình thì chăm chỉ học tập kinh điển với một vị Lạt-ma. Họ cho rằng anh dốt nát nên mỗi lần anh muốn dò hỏi họ học những gì ở vị Lạt-ma, hay vị Lạt-ma làm gì, nói gì…, liền bị gạt qua một bên. Họ cho rằng đó là “Mật giáo”, không phải ai cũng có thể biết được!

Có lần anh ta gạn hỏi: “Các người học được mấy điều?” Họ trả lời: “Chỉ có 3 điều thôi! Thậm chí chỉ có 3 chữ mà bao quát toàn bộ tri kiến Phật.”

Gia đình không ai để ý đến anh ta, ngoài việc bảo anh ta dẫn bò xuống làng bán hoặc mua thực phẩm. Anh tha thiết được học như họ, nhưng hầu như không ai cho anh được toại ý.

Vài năm sau đó, anh âm thầm trốn khỏi nhà, tìm cầu học đạo để mong được như những người khác. Vượt qua nhiều gian nan, anh cũng gặp được giáo pháp. Đó là nơi một vị Lạt-ma đang thuyết giảng cho những tu sĩ khác ở một trại lều cạnh chân núi. Anh mon men vào nghe. Quả thật là Phật pháp cao sâu, anh chẳng hiểu một tí gì sau hai giờ liền chăm chú lắng nghe. Vị Lạt-ma giảng những gì mà phức tạp, khó hiểu, càng nghe càng rối bời. Còn 3 chữ chứa đựng toàn bộ tri kiến Phật mà gia đình anh nói, chẳng nghe gì cả!

Anh buồn rầu tâm sự với vị Lạt-ma nọ. Thông cảm với anh, vị Lạt-ma liền hứa sẽ mời vị thầy chứng đắc của mình dạy bảo tinh túy giáo pháp cho anh.

Sáng hôm sau, khi mặt trời ửng hồng ở chân trời phía đông, anh chăn bò ham học giáo pháp đã đứng trước vị sư Mật giáo được tôn vinh là thành tựu giả. Ngài yên lặng lắng nghe anh yêu cầu trao truyền 3 chữ tinh yếu ấy. Ngài biết rõ, nếu tâm thức chín mùi, căn cơ lanh lợi thì dù chỉ một từ, một tiếng cũng có thể giúp người đệ tử đắc pháp và nhập tri kiến giải thoát. Nhưng nhìn anh chăn bò có “mũi trái rạ” này, Ngài không thể nói gì hơn bởi sự đần độn lộ ra vẻ ngoài của anh ta. Ngài mỉm cười nói lãng sang chuyện khác. Anh chăn bò tưởng vị sư ích kỷ, giấu giếm tuyệt học, liền lên giọng thô lỗ, văng tục không ngớt. Thị giả của sư trưởng không chịu nỗi, lấy chuỗi hạt đeo trên cổ đập vào đầu anh ta và gằn giọng: “Này mũi trái rạ, đâu có gì! Benza Hung Phat!”

Nghe thế, tự dưng anh chăn bò vỗ tay cái đét vào đùi mình rồi hét lên: “Dạ, cảm ơn Lạt-ma, con xin ghi nhớ mật chú của Ngài dạy, đó là tinh túy giáo pháp. Benza Hung Phat! Đúng rồi! Benza Hung Phat! Con nhớ rồi! Benza Hung Phat!” Con cảm ơn nhiều!”

Thế là anh chăn bò khấp khởi trong lòng lên đường về nhà, anh đã tìm được cái mà người khác không thể ngờ. Người nhà thấy anh hoan hỷ lộ ra mặt khác với sự đăm chiêu, khắc khổ ngày thường. Họ hỏi anh tại sao, anh ưỡn ngực trả lời: “Mọi người chắc không tin ta đâu! Ta đã học được tinh túy của giáo pháp chỉ thu gọn trong 3 chữ.”

Trầm ngâm một lát, anh nói tiếp: “Ba chữ này bí mật ta phải giữ kín, mỗi ngày đều phải trì niệm.” Những ngày sau, anh trở lại với công việc chăn bò như cũ, chỉ khác trước kia là anh có một chỗ ngồi thiền định trên tấm rạ sau khi xong việc. Anh ngồi kiết già, tập trung cao độ trì niệm câu thần chú. Trong lúc chăn bò, mỗi lần cảm thấy tâm mình buông lung, anh lại nhẩm đọc “Benza Hung Phat”. Không bao giờ anh tìm hiểu 3 chữ ấy mang ý nghĩa gì. Đối với anh “mũi trái rạ” này, chỉ đơn giản là 3 chữ đó bao trùm toàn thể vạn vật.

Với tâm chí thành tu tập, dần dần chàng “mũi trái rạ” của chúng ta trở thành một hành giả Mật tông có trình độ thâm sâu, mặc dù anh không tự biết chứng nghiệm của mình đến đâu.

Nhiều năm trôi qua, có một hôm có người tìm đến “Mũi trái rạ” để nhờ anh chữa trị bệnh tà mà bà vợ của một phú hộ bị mắc phải. Anh ta từ chối, nhưng họ nằng nặc cố mời “mũi trái rạ” đi xuống làng, vì mọi người tin rằng anh có câu mật chú thiêng liêng.

Vạn bất đắc dĩ, anh đành theo họ vì lòng bi mẫn thôi thúc, mặc dù anh không dám tin vào khả năng của mình. Đến nơi, anh vào thăm người bệnh đang vật vã. Anh bắt chước thầy mình, lấy chuỗi hạt trên cổ ra, đập vào đầu người bệnh và gọi lớn: “Mũi trái rạ, đâu có gì. Benza Hung Phat!” Lạ thay, người bệnh bỗng nhiên hết bị tà ám, trở lại bình thường, ngơ ngác nhìn mọi người như vừa mới tỉnh cơn mê. Gia chủ cảm ơn rối rít và cúng dường anh ta nhiều phẩm vật.

Từ đó, “Mũi trái rạ” không còn là người chăn bò tầm thường nữa, ông ta được nhiều người trọng nể. Giờ đây, ông chỉ ngồi thiền với câu mật chú của mình, gác hết mọi việc đời qua một bên. Người nhà không dám để ông chăn bò nữa mà dọn cho ông một túp lều có tiện nghi đầy đủ, dâng cơm đến hằng ngày. “Mũi trái rạ” chỉ còn duy nhất một việc làm: chữa trị bệnh tà và một số bệnh khác cho dân làng.

Rồi một ngày kia, vị Lạt-ma trước đây đã từng truyền thần chú cho “Mũi trái rạ” cũng bị bệnh. Nghe danh một hành giả có cái mũi trái rạ nào đó, có câu mật chú kỳ diệu trị được nhiều bệnh khác nhau, đồ chúng liền đón rước anh chăn bò năm xưa về chữa trị bệnh sưng cổ họng cho vị Lạt-ma của mình.

“Mũi trái rạ” nghe tin thầy cũ bị bệnh liền tức tốc tìm đến, vén lều bước vào. Đến bên giường, ông chuẩn bị rút chuỗi hạt thì vị Lạt-ma hỏi thị giả, tên khùng này là ai mà sắp đập chuỗi hạt vào đầu mình. Lúc đó, người chăn bò năm xưa quỳ xuống nói: “Thầy không nhận ra con sao? Con đến đây để thực hành phép chữa bệnh mà Thầy đã dạy cho con với lòng bi mẫn vô hạn. Nhờ đó mà con đã giúp được nhiều người”.

Tìm lại trong ký ức, vị Lạt-ma dần dần nhớ ra là ông từng thốt lời giận dữ, đập chuỗi hạt trúng đầu tên khùng này và đọc một câu thần chú đuổi quỷ: Benza Hung Phat.” Vị đạo sư cười lớn vì không ngờ hành vi năm xưa đó có hiệu quả vô biên. Thị giả Ngài cũng cười theo và cả người chăn bò cũng cười. Họ cùng nhau cười vang và nhờ vậy đờm độc trong cổ vị Lạt-ma bị tống ra ngoài. Ngài tự nhiên lành bệnh.

Một câu chuyện có thật khác đã xảy ra vào thời Đức Phật còn tại thế, được ghi chép trong kinh Thủ Lăng Nghiêm.

Một ngày nọ, vị đệ tử thị giả của Phật là A-nan đi khất thực trên một con đường làng quê nọ. Lúc ấy, có một thôn nữ tên là Madanga (Ma-đăng-già) thuộc hàng tiện dân, thoạt nhìn thấy phong mạo của thầy Anan liền mê mẫn tâm thần. Từ đó, nàng bỏ ăn, mất ngủ rồi sinh ra bệnh tương tư.

Sau khi tìm hiểu được nguyên nhân, bà mẹ cầu viện pháp sư của Bà-la-môn xin câu Phạm thiên chú có tác dụng mê hoặc đàn ông. Lần sau, khi thầy Anan đi qua đường làng này, thôn nữ Madanga nhẩm đọc Phạm thiên chú khiến Anan quên hết mọi sự, từ từ đi theo nàng vào phòng ngủ.

Bấy giờ, Đức Phật đang ngụ tại Kỳ Viên tinh xá, biết được sự cố liền bảo Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi trì niệm thần chú Thủ Lăng Nghiêm mới bảo toàn được giới thể của thầy Anan.

Sau đó, nhân nguyên cớ này mà có pháp hội Lăng Nghiêm để Phật tuyên thuyết đảnh chú Thủ Lăng Nghiêm dùng để đối trị ái dục nam nữ, giúp tăng ni vượt qua cửa ải sắc dục, vững bước tiến tu trên đường giải thoát.

Ba trường hợp có thật vừa kể trên chứng minh sống động về công năng của mật chú. Thần chú mặc dù khác nhau nhưng bất cứ ai nỗ lực và chí thành thực hành miên mật cũng đều sẽ được thành tựu không thể nghĩ bàn.

Trích từ “Một đời người một câu thần Chú” (mật ngữ của chư Phật) 

Nguyên Thành