Chuyện chiếc chuông chùa

…Những ánh mắt ngơ ngác nhìn nhau, lặng lẽ, im lìm…Chánh điện chùa hôm nay bỗng dưng quá rộng, thành ra thiêu thiếu một cái gì. Mọi người truyền tai nhau kể đi kể lại về câu chuyện cái chuông…

Một ngày nọ, chiếc chuông chùa bỗng nhiên bị kẻ trộm lấy mất. Ngôi chùa nhỏ xôn xao tiếc nuối… Chuông có từ hồi chùa mới cất lần đầu tiên cách đây hơn trăm năm. Cái chuông quen thuộc trong mỗi thời kinh… Hôm nay, nơi để chuông chỉ còn lại chân đế… Phật tử đi qua đi lại nhìn vào vị trí cái chuông đã mất, lắc đầu, tặc lưỡi. “Tội lắm đó, dám lấy cả chuông chùa”, “Gan quá!”, “Hết sức nói!”, “Tiếc quá!”… Những ánh mắt ngơ ngác nhìn nhau, lặng lẽ, im lìm… Chánh điện chùa hôm nay bỗng dưng quá rộng, thành ra thiêu thiếu một cái gì. Mọi người truyền tai nhau kể đi kể lại về câu chuyện cái chuông: “Chắc nó đã theo dõi chùa mình từ lâu rồi mới biết giờ nào chùa vắng người trông coi chánh điện. Nó lấy từ sau giờ thọ trai, bỏ vô bọc xách đi. Lấy luôn cả cái micro ở trong chuông để quý Thầy tụng kinh. Thiệt tội lỗi quá…”. Bên ngoài, Thầy trụ trì vẫn bình thản đi dạo vòng quanh chùa, một ngày như mọi ngày. Phật tử đến hỏi: “Ăn trộm lấy mất chuông rồi phải không thầy?”. Thầy chỉ mỉm cười nhẹ nhàng… Câu chuyện trần gian không khuấy động nổi mặt hồ tâm của sứ giả Như Lai.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Hôm sau, có một cuộc điện thoại nhỏ gọi từ Cần Thơ về: “Chùa có bị mất gì không, thưa thầy”. Thầy vẫn bình thản: “Ừ, hôm qua mới mất chiếc chuông trong chánh điện”. “Nó mang qua đây bán ve chai nè thầy ơi! Con đã thỉnh lại rồi. Ngày mai, xin phép thầy cho con mang chuông qua chùa cúng dường”… Cuộc điện thoại nhỏ nhanh chóng được mọi người biết đến. Phật tử lại háo hức kể cho nhau hay: “Kiếm được rồi, người ta bảo mai sẽ mang qua chùa mình”, “Ở tận Cần Thơ lận, mà ở huyện xa nữa”, “Linh quá! Vi diệu quá!”, “Hộ pháp mang về cho đó!”. Có người lặng lẽ hơn, bước vào chánh điện, thắp nhang, lễ Phật để tạ ơn. Có người ra chợ mua đậu về nấu chè xôi cúng Phật… Có người bật khóc vì mừng. Khóc hồn nhiên như con trẻ. Ngôi chùa nhỏ trở nên xôn xao đến lạ, từng gương mặt rạng rỡ nhìn nhau, nôn nao chờ đợi… “Bao giờ họ mang qua? Có đi liền không? Họ đi lúc mấy giờ? Bao giờ thì tới?”, “Từ Cần Thơ về Vĩnh Long có một tiếng hà”…

Sáng hôm sau, đúng ngày “người ta” hứa mang chuông qua cúng dường, khi “người ta” ở Cần Thơ còn chưa kịp khởi hành đến Vĩnh Long, Phật tử đã có mặt từ sớm. Họ đến để nhìn lại chiếc chuông quen thuộc, để “đón chuông về”. Mừng lắm! Vui lắm! Khoảng 11 – 12 giờ trưa, hai vợ chồng “người ta” từ Cần Thơ đến. “Người ta” cũng là Phật tử! “Người ta” khoảng 27 – 28 tuổi, vợ đang mang thai, vẫn muốn theo chồng mang chuông đi cúng dường. Đôi vợ chồng trẻ ngỡ ngàng, xúc động ngay khi còn chưa bước vào cổng chùa: “Trời! Cái chuông quan trọng dữ vậy sao? Thầy ơi, con không ngờ! Phật tử ở đây dễ thương quá!”.

Chiếc chuông được cẩn thận đặt vào vị trí cũ, trên chân đế quen thuộc. Từng gương mặt hân hoan nhìn nhau, nụ cười gần như không tắt trên môi. Những nén nhang được thắp lên trong trang nghiêm, thành kính. Đôi vợ chồng trẻ được mời lại dùng cơm với nhà chùa. Câu chuyện mới lại được kể: “Vợ chồng con buôn bán vựa ve chai, nó mang cái chuông tới bán cân ký, 170 ngàn một ký. Chuông cân nặng 10kg, một triệu bảy trăm ngàn. Con thấy mấy chữ Tàu in trên thành chuông. Con không dám đập ra liền như những món phế liệu khác, mang điện thoại di động ra chụp hình lại, sau đó đem vào chùa hỏi một Thầy xem là chữ gì. Thầy bảo đó là: Chùa Long Viễn. Con lên mạng tìm, mới biết ở đây, sẵn có số điện thoại nên con gọi hỏi thử, không ngờ là đúng thật!”.

Thời kinh tối ngày hôm đó, cửa chùa như ấm lại, người đến đông hơn và vui hơn. Ai cũng đi đi lại lại nhìn ngắm cái chuông quen thuộc. Tự dưng thấy chuông đẹp hơn, quý hơn. Đi hết một vòng, nó mới được trở về đây. Một câu chuyện vui và bất ngờ, thú vị hay một thử thách của Chư Phật? Thầy trụ trì vẫn bước từng bước. Bình lặng. An nhiên. Mỉm cười.

Tiếng chuông lại vang lên, hòa nhịp cùng tiếng mõ và lời kinh tụng. Không gian quanh chùa trở nên ấm áp đến lạ. Cả trần gian phút chốc đã đủ đầy. Đủ đầy cho một khoảng lặng bình an, đủ đầy cho đạo tâm tỏa sáng, đủ đầy cho những thương yêu. Mọi người bảo nhau về đôi vợ chồng đã mang chuông về chùa cúng dường: “Phước báu lớn lắm đó!”, “Họ là Phật tử mà! Tốt thật!”, “Cũng may, gặp được người tốt”. Không ai nghĩ ngợi hay trách cứ thêm gì về “người đã thỉnh chuông”.

Thuỷ Nguyên