Chuông chùa Ngũ Hộ – cổ vật trở về từ Tokyo

Chuông chùa Ngũ Hộ, ra đời cách đây gần 200 năm, được phát hiện trong một tiệm đồ cổ ở Ginza, Tokyo và đưa về Việt Nam.

Chuông là một trong hơn 300 hiện vật đang được giới thiệu tại triển lãm Di sản văn hóa Phật giáo tỉnh Bắc Ninh, kéo dài đến hết tháng 3. Chuông chất liệu đồng, đường kính 42 cm, cao 100 cm, nặng 120 kg. Quai chạm hình rồng hai đầu, miệng ngậm viên ngọc, hai chân trước quỳ xuống, thân uốn cong tạo thành quai treo.

Thân chuông chia làm bốn phần, phân cách bằng năm đường gờ chỉ chạy suốt từ trên xuống đến núm chuông. Bốn núm chuông phân đều bốn mặt, kích thước bằng nhau. Bốn phần của thân chuông mỗi phần lại chia làm hai ô. Ô trên hình chữ nhật đứng, ô dưới hình chữ nhật nằm. Bốn ô trên đúc nổi bốn chữ lớn theo trình tự: Ngũ, Hộ, Tự, Chung, kèm theo minh văn chữ Hán nêu triết lý Phật giáo, nguồn gốc ra đời của chuông. Bốn ô dưới trang trí hoa văn và chữ.

Số phận quả chuông có nhiều biến động. Theo hồ sơ hiện vật của bảo tàng, vào thời Nguyễn, năm gia đình ở Kim Đôi (Bắc Ninh) quyên góp xây dựng chùa, đặt tên là Ngũ Hộ. Họ đúc quả chuông đầu tiên, nhưng sau đó bị phá hủy do chiến tranh, phải làm lại quả khác. Tháng 2/1825, chuông mới bị cướp. Dân làng vốn quen với tiếng chuông nên tìm cách làm chiếc khác. Sau ba năm quyên góp tiền của, ngày 19/12 năm Minh Mạng thứ chín (1828), quả chuông thứ ba được hoàn thành. Thân chuông khắc tên 300 người thuộc 30 xã góp công đức.

Năm 1945, quân đội Nhật chiếm Bắc Ninh, sử dụng chùa Ngũ Hộ làm xưởng gỗ. Sau khi bại trận, quân lính vơ vét của cải, trong đó có chiếc chuông mang về nước.

Cuối năm 1977, Watanabe Takuro – luật sư, nhà sưu tập đồ cổ – nhìn thấy chuông treo tại một tiệm đồ cổ ở Ginza, Tokyo. Chủ tiệm cho biết chuông do một sĩ quan bán lại. Sau khi nghiên cứu phần minh văn, Takuro bất ngờ khi phát hiện đó là chuông quý của chùa Ngũ Hộ ở Việt Nam. Ông muốn mua lại để trao trả về nước. Chủ tiệm ra giá 9 triệu yen (1,5 tỷ đồng) – con số lớn thời bấy giờ. Watanabe Takuro rút toàn bộ tiền tiết kiệm để đặt cọc, tìm cách huy động tiền mua chuông. Watanabe Takuro tổ chức Cuộc vận động trao trả lại chuông cho Việt Nam, mời nhà sư Onishi – trụ trì chùa Kiyomizu-dera, sư Fujii – trụ trì chùa Nippon Myohoji, nhà văn Matsumoto Seicho đứng ra kêu gọi. Chương trình nhằm quyên góp 7 triệu yen (1,2 tỷ đồng) đến hết tháng 1/1978, với mong muốn kịp hồi hương chuông về Việt Nam vào dịp Tết âm lịch. Dù không kịp thời gian dự kiến, sau vài tháng, tổ chức thu được tổng số tiền 9,6 triệu yên (1,7 tỷ đồng). Chủ tiệm cũng giảm giá hiện vật xuống còn 5 triệu yen (875 triệu đồng). Trước khi cổ vật hồi hương, nhiều nơi ở Tokyo, Kyoto, Nara, Osaka và Kobe tổ chức lễ cầu nguyện cho chuông.

Chuông khi còn ở Nhật Bản. Ảnh tư liệu

Chuông khi còn ở Nhật Bản. Ảnh tư liệu

Ngày 14/6/1978, lễ trao trả chuông cho Việt Nam diễn ra tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Khi ấy, chùa Ngũ Hộ bị tàn phá trong chiến tranh, chưa được tu sửa lại, Hội hữu nghị Việt Nhật và Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam thống nhất gửi chuông về chùa Bút Tháp. Sau này, chuông được đưa về Bảo tàng Hà Bắc (nay là Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh) lưu giữ và bảo quản trong kho.

Tháng 9/2012, dịp kỷ niệm 35 năm chuông hồi hương, ông Watanabe sang Việt Nam dự lễ cầu nguyện vì hòa bình hữu nghị. Khi ấy, ông đã 89 tuổi, phải di chuyển bằng xe lăn. Đánh tiếng chuông ở Bảo tàng Bắc Ninh, Watanabe nói: “Hãy vang xa đến toàn thế giới. Tiếng chuông chùa Ngũ Hộ, tiếng chuông cao quý vì hòa bình”.

Chuông tại triển lãm ở Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh hôm 25/2. Ảnh: Giang Huy

Chuông tại triển lãm ở Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh hôm 25/2. Ảnh: Giang Huy

Theo VnExpress

Hiểu Nhân