Chúng ta sống vì điều gì?

Người làm việc chăm chỉ không chỉ để có lương thực sinh sống mà còn để hạn chế lòng ham muốn của bản thân, có thể mài giũa tâm hồn, thanh lọc tâm hồn.

Doanh nhân Inamori Kazuo
Doanh nhân Inamori Kazuo

Như Đức Phật đã giảng về tầm quan trọng của “tinh tiến” trong lục ba la mật, tôi cũng hiểu việc lao động cần cù là quá trình rèn giũa tâm hồn, tạo nên tâm hồn để đạt đến giác ngộ.

Nghĩa là người làm việc chăm chỉ không chỉ để có lương thực sinh sống mà còn để hạn chế lòng ham muốn của bản thân, có thể mài giũa tâm hồn, thanh lọc tâm hồn. Lao động có vai trò quan trọng như thế nhưng do quên mất điều này mà xã hội ngày nay trở nên suy tàn.

Tuy nhiên, một khi cả thời đại và xã hội đều thay đổi thì không thể có chuyện “quay lại ngày xưa” được. Cần có cái nhìn xem thử làm cách nào để khắc phục, tìm lại những gì đã mất trong xã hội giàu có ngày nay. Đúng là thời nghèo khó, chúng ta phải lao động để kiếm miếng ăn. Nhưng khi giới hạn ý nghĩa của lao động là để kiếm miếng ăn thì trong thời giàu có, tính cần mẫn trở nên nhạt nhòa. Nếu vậy, ta phải tìm ra ý nghĩa của lao động mà ý nghĩa đó khác với bấy lâu nay.

Như tôi đã trình bày ở trên, chúng ta hoàn toàn có thể xem mục đích của lao động không dừng lại ở việc kiếm miếng ăn để sống mà còn để xây dựng tâm hồn con người. Việc tất cả đều làm việc cần mẫn sẽ tạo nên tâm hồn, sẽ tạo nên con người. Chỉ cần chúng ta định nghĩa lại ý nghĩa của lao động.

Hơn thế nữa, tôi cho rằng cần xem lại lần nữa bản chất của lao động. Đôi khi có những giáo viên trường học dạy rằng làm việc nhiều là tội ác, điều này cũng là vấn đề; nhưng việc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản… cố gắng rút ngắn giờ làm việc cũng là vấn đề. Đã xảy ra tranh luận liên quan đến thời gian lao động ở Pháp chỉ có 35 tiếng. Tôi hiểu là họ cố gắng làm sao để thời gian làm việc ngắn nhưng thu nhập cao là vì người lao động, nhưng chẳng phải điều này sẽ làm con người sa ngã sao?

Có thể do họ xem con người đơn thuần là vật chất, mà có lý luận như thế. Nhưng tôi lại thấy khác. Như tôi đã nói ở trên, Phật giáo khuyến khích “tinh tiến” và tâm hồn con người được tạo nên từ đó. Ở đây tôi cho rằng phải nhìn ra được ý nghĩa thật sự của lao động. Chẳng phải như vậy mới là tự nhiên đối với con người sao?

Dựa trên cách nghĩ này, nếu chúng ta quyên góp thành quả lao động cật lực cho các nước nghèo… thì sẽ trở thành “bố thí” mà Đức Phật đã nói. Không cần quyên góp trực tiếp mà có thể thông qua hỗ trợ ODA. Việc giúp nhiều người thiếu thốn về vật chất trên thế giới là giúp đỡ con người, là hành vi đầy ắp sự quan tâm, biết nghĩ đến người khác. Ngoài ra, bằng cách nỗ lực “bố thí”, “giá trị lao động” sẽ tăng cao nhiều lần.

Và tôi còn cho rằng việc một quốc gia giúp đỡ các nước khác bằng thành quả làm việc cần mẫn như thế này sẽ đảm bảo an toàn chắc chắn cho quốc gia đó hơn bất kỳ việc trang bị quân sự, hơn bất kỳ hiệp ước nào. Đó là vì không ai có thể xâm phạm một dân tộc tràn đầy sự quan tâm, biết nghĩ đến người khác như thế. Giúp đỡ các nước khác sẽ giúp dân tộc đó được kính trọng dù đi đến bất kỳ quốc gia nào.

Tôi mong Nhật Bản trở thành một quốc gia như thế. Tôi cho rằng đó là hình ảnh lý tưởng phải có của nước Nhật ở thế kỷ 21.

Inamori Kazuo (sinh năm 1932) được biết đến là doanh nhân tài ba nhất của Nhật Bản từ trước đến nay. Ông là nhà sáng lập của công ty nổi tiếng Kyocera, tập đoàn viễn thông KDDI, cũng chính là người đã vực dậy hãng hàng không Japan Airlines từ trên bờ vực phá sản.

Gây dựng Kyocera từ một doanh nghiệp nhỏ, chỉ có 28 nhân viên, đến nay tập đoàn đã có hơn 60.000 nhân viên với doanh thu hơn 1.000 tỷ Yên và vươn lên thành công ty có quy mô thế giới, theo Inamori Kazuo, bí quyết không nằm ở nguồn vốn, nhân tài hay công nghệ mà là triết lý của người chủ doanh nghiệp.

Trong cuốn Triết lý kinh doanh của Kyocera, vị doanh nhân đã chỉ ra tầm quan trọng của tâm thế hay cách tư duy qua công thức sau: Thành quả trong cuộc đời và công việc = Cách tư duy x Nhiệt huyết x Năng lực.

Dù một người có năng lực cao hay nhiệt huyết bỏng cháy đến đâu, nhưng nếu có tâm thế tiêu cực thì vẫn phải gánh chịu thất bại. Mọi sự đều xuất phát từ cái tâm. Doanh nhân nào có cái tâm hướng thiện sẽ đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp. Inamori Kazuo đã nhiều lần nhấn mạnh điều này trong cuốn sách.

Empty

Được biết, trải qua nhiều trăn trở, nghĩ suy, ông Inamori Kazuo, doanh nhân nổi tiếng của Nhật Bản biên soạn nên quyển sách Triết lý của Inamori Kazuo – Chúng ta sống vì điều gì (Nxb Trẻ). Quyển sách bàn về các vấn đề như: sự tồn tại và giá trị sống của con người, ý thức, lòng tham, bản tính của con người…Mong muốn của ông là góp phần cùng độc giả tìm ra cách sống đúg đắn trong thời đại ngày nay.

Inamori Kazuo