Chúng ta sống bao lâu và chúng ta sống bao sâu?

Trong đời sống tục đế, mỗi người nhận thức chính mình và thế giới qua những khái niệm định danh và định hình bằng tưởng tri và thức tri, nhận thức sự kiện theo sự biến đổi của chúng, với trải nghiệm thứ tự trước sau, và thời gian lâu mau.

Có thể hình dung, rằng nhận thức qua lý trí có xu hướng theo “chiều ngang” bám theo dòng thời gian.

Nơi sự sống chân đế thì lại khác, nhận biết tuệ tri diễn ra trực tiếp, một cách toàn thể và ngay lập tức. Nhưng sự thấy biết ấy không diễn ra liên tục, mà trong từng khoảnh khắc.

Các thiền sư đều chia sẻ tiến trình tâm xảy ra trong từng sát-na, mỗi một niệm chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc rất ngắn. Nếu dùng camera để ghi lại những gì đang xảy ra thì 1 giây được camera ghi lại khoảng 30 lần. Còn tâm chúng ta nhận biết mọi sự trong từng sát na, tương đương 0.013 giây (theo Câu Xá Luận), tức 1 giây tâm nhận biết gần 100 lần.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Tuy ý định đo lường thời gian của tiến trình tâm một cách tuyệt đối bằng thước đo thời gian vật lý có vẻ không đủ thuyết phục, nhưng cũng giúp chúng ta hình dung được sự nhận biết nơi tâm từ góc nhìn khoa học là như thế nào.

Như vậy nhận biết qua trí tuệ luôn là trực tiếp, toàn thể và ngay lập tức trong từng khoảnh khắc, với những trải nghiệm nông sâu, chứ không phải trước sau hay lâu mau. Nếu hình dung “chiều ngang” là chiều của dòng thời gian thì có thể nói nhận biết qua trí tuệ diễn ra theo “chiều thẳng đứng”, thể hiện từng khoảnh khắc nông sâu của nhận thức. Trong khoảnh khắc thấy thực tánh chân đế, các vị thiền sư đều có trải nghiệm “phi thời gian”, tức không còn cảm nhận thời gian là vậy.

Cảm nhận về thời gian là tương đối. Khi nhận thức còn ở trên bề mặt hiện tượng, cứ bám theo những biểu hiện “hình tướng” của đời sống thì chúng ta cảm nhận thời gian theo những dao động nội tâm tương ứng với những biến đổi nơi cảnh bên ngoài.

Khi nhận thức còn nổi trên bề mặt thì bị những cơn sóng của lý trí và cảm xức vùi dập là đương nhiên. Tâm ai mà chả đã từng hứng trọn những phong ba bão táp từ những ngọn sóng đời được mất, hơn thua, thành bại & vui khổ.

Nhưng nếu chúng ta có thể “lặn” sâu hơn, trải nghiệm đời sống ngày càng sâu sắc hơn, thì cái thấy của trí tuệ có cơ hội “xuyên thấu” qua biểu hiện bề mặt của lý trí với những “cơn sóng” quan niệm và cảm xúc. Và tâm “lặn” càng sâu thì càng bớt đi những ảo tưởng từ tưởng tri hay thức tri.

Tâm trí càng lặng yên thì cái thấy càng chân thực, nhận thức càng đi vào “bản chất” và tâm sẽ càng bớt sóng gió, bớt dao động. Cảm nhận về thời gian cũng sẽ khác hẳn so với khi còn trên bề mặt hiện tượng với những quan niệm và hình tướng.

Khả năng thấy biết như thực chủ yếu xuất phát từ mức độ nông sâu của nhận thức. Vậy điều đáng quan tâm không chỉ là chúng ta sống “bao lâu?”, mà còn chúng ta sống “bao sâu?”…

 

Pháp Thuận