Chúng ta phải chấp tay cám ơn vô thường

Chúng ta cần vô thường lắm. Nếu không có vô thường thì làm sao gieo bắp mà hạt bắp mọc thành cây bắp để rồi cho trái mình ăn? Cho nên ta đừng than khóc khi nghe hai tiếng “vô thường”.

Không sự vật nào trong vũ trụ có tự tánh riêng biệt hết. Đó là giáo lý căn bản của đạo Bụt.

Danh từ mà chúng ta lâu nay thường dùng trong dịp này là vô ngã.

Vô ngã tức là không có sự tồn tại độc lập. Không có cái gì, không có ai tồn tại độc lập được. Vô ngã còn có nghĩa là vô thường.

Vô thường là biến chuyển. Nếu không có biến chuyển thì làm sao có được. Thí dụ tờ giấy này. Nếu không vô thường và vô ngã, làm sao tờ giấy có mặt? Nếu không vô thường thì cây làm sao mọc lên. Muốn mọc lên cây phải vô thường.

Nếu không vô thường thì con cháu chúng ta làm sao lớn lên, làm sao chúng đi học mà lại giỏi được?

Sống với tuệ giác vô thường để có hạnh phúc ngay bây giờ

01

Chúng ta cần vô thường lắm. Nếu không có vô thường thì làm sao gieo bắp mà hạt bắp mọc thành cây bắp để rồi cho trái mình ăn? Cho nên ta đừng than khóc khi nghe hai tiếng “vô thường”.

Bụt đâu có nói rằng: “Vạn vật vô thường, các con hãy khóc đi”. Bụt chỉ nói rằng: “Vạn pháp vô thường, các con phải biết điều đó để tránh những khổ đau là do chỗ mình nhận cái vô thường làm cái thường. Nếu mình biết vô thường là vô thường thì mình đâu còn đau khổ nữa”.

Vô thường là một yếu tố rất tốt đẹp, rất căn bản, rất quan trọng, rất cần thiết cho sự sinh hoá của vạn vật. Và như vậy, chúng ta phải chấp tay cám ơn vô thường.

Lâu nay chúng ta nói đến hai chữ vô thường với một tâm niệm bi quan, chán đời, than vãn, vì chúng ta chưa hiểu. Chính nhờ vô thường mà vạn vật sinh trưởng tồn tại, và chúng ta có thể ngồi đây. Nếu không có chữ vô thường, chúng ta chưa ra đời được đâu.

Và chữ “không” cũng vậy, nó hay lắm. Nếu tờ giấy này nó không không, nghĩa là nó có tự thể riêng biệt của nó, thì làm sao có nó được. Chính nhờ nó không có tự thể riêng biệt nên mặt trời, rừng cây, đám mây mới tạo ra được nó. Do đó, “không” là căn bản của tất cả mọi hiện hữu.

Một triết gia Phật giáo nổi tiếng ở thế kỷ thứ hai, một vị tổ sư của đạo Phật, Ngài Long Thọ, đã tuyên bố một câu rất hay trong cuốn Đại Trí Độ Luận: Nhờ có không mà mọi pháp đều có mặt hết (Dĩ hữu không nghĩa cố, nhất thiết pháp đắc thành).

Quý vị phải xoá bỏ cái ấn tượng mà hai chữ vô thường để lại trong tâm chúng ta, xoá bỏ những cảm tưởng buồn bã, bi quan, chán đời. Và chúng ta biết rằng vô thường và không rất là cơ bản trong sự hiện hữu của vạn sự, vạn vật trong vũ trụ.

Sư Ông Làng Mai