‘Chúng ta nợ các y, bác sĩ một sự đối xử công bằng’

Ngày nay, nhiều bác sĩ cho rằng: “Đừng coi bác sĩ như mẹ hiền mà hãy coi đó là một nghề thì tốt hơn”. Tôi rất chia sẻ với tâm tư của họ. Đó là cách ứng xử chuyên nghiệp.

Tôi có nhiều kỷ niệm với các y bác sĩ vì rất hay đau ốm. Cá nhân tôi đặc biệt cảm mến và biết ơn bác sĩ Mai Thị Hội (chuyên gia nội soi tiêu hóa) và Giáo sư Trịnh Hồng Sơn (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức).

Bác sĩ Hội đã 3 lần giành lại sự sống cho tôi từ “lưỡi hái của tử thần”. Còn Giáo sư Sơn đã mổ u tụy cho tôi từ 4h chiều đến 10h đêm. Không biết ông đã ăn tối vào lúc nào. Điều tôi chứng kiến tận mắt là họ không nhận quà cảm ơn của bệnh nhân. Bệnh nhân thập thò đưa phong bì đều bị họ nhẹ nhàng nhưng kiên quyết từ chối.

Ngày nay, nhiều bác sĩ cho rằng: “Đừng coi bác sĩ như mẹ hiền mà coi đó là một nghề thì tốt hơn”. Tôi rất chia sẻ với tâm tư của họ. Đó là cách ứng xử chuyên nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng là nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông đã có nhiều năm phụ trách Trung tâm thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học của Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Chinhphu.vn

Sau đại dịch Covid-19, ngành y phải trải qua một giai đoạn biến động rất lớn. Nhiều vị bác sĩ, lãnh đạo, quản lý y tế vướng vào vòng lao lý, tình trạng thiếu thuốc men xảy ra từ bệnh viện huyện tới bệnh viện tuyến trung ương do vướng mắc trong quy trình đấu thầu. Phải chứng kiến điều đó, nhiều người không khỏi xót xa.

Đã đành có công thì thưởng, có tội thì phạt. Thế nhưng, ở một số nơi, tiền trợ cấp chống dịch ít ỏi nhiều y, bác sĩ sau cả năm trời vẫn chưa nhận được, chứ đừng nói đến tiền thưởng.

Tin tôi đi, chẳng có phần thưởng nào tương xứng với sự tận hiến của các y, bác sĩ trong cuộc chiến một mất, một còn với đại dịch! Thế nên, tôi nhìn nhận thế này: “Chúng ta nợ các y, bác sĩ một sự đối xử công bằng!”. Với thực tế hiện nay, theo tôi, ngành y chỉ có thể tốt lên khi những điều sau đây được bảo đảm.

Thứ nhất, đó là sự an toàn pháp lý. Điều này có vẻ không chỉ cần cho ngành y. Quan trọng nhất ở đây là pháp luật phải được áp dụng để đạt được công lý, chứ không chỉ là để trừng trị. Một giám đốc bệnh viện dám quyết để kịp thời có thuốc, có phương tiện chữa trị cho dân có nên bị coi là thiếu trách nhiệm hay không?

Giá thị trường là giá thuận mua, vừa bán, không phải là giá thành, cũng không phải là giá nhập khẩu. Có một ngàn lẻ một yếu tố tác động lên giá thị trường. Đó là cung cầu, thương hiệu, xuất xứ, thời vụ, tâm lý thị trường… Nên nếu chỉ chăm chăm nhìn vào giá thành hay giá nhập khẩu để suy đoán có tội, thì chẳng ai có thể tránh được rủi ro pháp lý. Đây có lẽ là nguyên nhân sâu xa nhất gây nên tình trạng thiếu thuốc men, thiết bị y tế hiện nay.

Tôi nói những điều trên hoàn toàn không phải để biện hộ cho việc móc ngoặc, gửi giá để kiếm chác trên đầu người bệnh. Tôi chỉ muốn nói, công lý là việc áp dụng pháp luật phù hợp với lẽ phải và phù hợp với lương tri. Công lý chính là sự an toàn pháp lý đáng mong đợi nhất.

Nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện K Trung ương (cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: Thạch Thảo.

Thứ hai, phải trả lương xứng đáng cho các y, bác sĩ. Không ai có thể chuyên tâm với nghề, nếu nghề không nuôi nổi họ và gia đình họ.

Thứ ba, phải giữ gìn danh dự cho ngành y, phải bảo vệ phẩm giá cho các y, bác sĩ. Chúng ta có thể lên án một giám đốc bệnh viện ăn hối lộ, một quan chức y tế móc ngoặc với tư thương. Nhưng đó chỉ là một số cá nhân cụ thể không phải là tất cả ngành y. “Giận cá chém thớt” là không công bằng. Tệ hại hơn, làm như thế là tự “bắn vào chân mình”. Bởi không ai có thể tận tâm cứu chữa cho chúng ta, nếu họ không được coi trọng.

Để khôi phục hình ảnh của người thầy thuốc, quan trọng là phải có một chiến lược truyền thông hiệu quả. Những y, bác sĩ tận tâm, tài giỏi phải được nhận biết và phải được tôn vinh; vai trò quan trọng của ngành y phải được khẳng định; những khó khăn, vất vả của ngành y phải được sẻ chia.

Lâu nay, chúng ta nói nhiều tới việc tăng lương cho bác sĩ. Theo tôi, tăng lương cho y, bác sĩ là hoàn toàn phù hợp. Nếu bạn có dịp trải nghiệm sự căng thẳng của các ca mổ, sự nặng nề của những tiếng kêu rên trong bệnh viện, sự thường trực của rủi ro bị lây nhiễm bệnh… Bạn sẽ thấy môi trường làm việc của các y, bác sĩ là vô cùng độc hại.

Để trả lương xứng đáng cho các y, bác sĩ thì quan trọng nhất là chúng ta cần xác lập lại các ưu tiên của quốc gia cho đúng. Cắt bớt đi những quảng trường, những tượng đài, những lễ lạt và những khoản chi không cần thiết khác, chắc chắn chúng ta có thừa tiền để tăng lương cho các y, bác sĩ.

Khi hệ thống các bệnh viện tư hình thành và lớn mạnh, sự cạnh tranh giữa bệnh viện công và bệnh viện tư là rất khó tránh khỏi. Tuy nhiên, một sự cạnh tranh như vậy không nhất thiết phải tác động tiêu cực lên khả năng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bởi các bệnh viện này cung cấp dịch vụ cho những phân khúc thị trường khác nhau.

Bệnh viện tư cung cấp dịch vụ chủ yếu cho những người giàu. Tuy nhiên, khi người giàu đến với bệnh viện tư, họ sẽ không chiếm chỗ của những người nghèo ở bệnh viện công.

Bác sĩ tại Bệnh viện Thanh Nhàn đang thực hiện thủ thuật nội soi cho bệnh nhân. Ảnh: Thạch Thảo

Khác với bệnh viện tư, bệnh viện công được sinh ra là để bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng của tất cả mọi người dân đối với các dịch vụ y tế.

Về cơ chế, quyền tự chủ của bệnh viện công là vô cùng quan trọng. Tất nhiên, cần hiểu tự chủ ở đây là tự chủ về mặt chuyên môn, kỹ thuật. Nếu chúng ta muốn dùng bệnh viện công để bảo đảm quyền tiếp cận các dịch vụ y tế bình đẳng cho mọi người dân, thì không thể bắt bắt các bệnh viện công phải tự chủ về tài chính. Nhà nước sẽ phải đầu tư thỏa đáng cho việc trả lương và cho các trang thiết bị y tế.

Ngoài ra, chúng ta nên giao thẳng cho bệnh viện tự quyết việc mua sắm trang thiết bị. Nhưng việc đấu thầu phải công khai, minh bạch. Đã đấu thầu, thì giá trúng thầu phải được coi là giá trị trường cho thời điểm đó. Không thể định ra một thứ giá mà thị trường không chấp nhận và bắt buộc các giám đốc phải mua sắm cho bằng được theo giá đó.

Để trở thành bác sĩ đa khoa, được cấp chứng chỉ hành nghề, một sinh viên phải được đào tạo trong trường đại học 6 năm và làm việc 18 tháng tại bệnh viện. Tuy nhiên, để được khám chuyên khoa, họ phải tiếp tục mất thêm vài năm nữa.

Đáng buồn, theo Bộ Y tế, trong hơn một năm (từ 2021 đến tháng 6/2022), hơn 9.300 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Vì sao họ buộc phải “dứt áo ra đi”, làm gì để ngăn chặn làn sóng này? Đó là thách thức lớn đặt ra cho các nhà quản lý khi muốn đảm bảo mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng