Chúng ta mãi “quanh quẩn trong vòng buồn giận”
Có thể ta đã từng mắc kẹt vào những tranh chấp được mất, thị phi và lao đao trong ghét thương buồn tủi; và ta đã “Xem thường bảo vật trong tay” như sức khỏe, thời gian, tiền bạc và tuổi trẻ… Để rồi “Dày đạp lên trên hạnh phúc” mà đi, thật xót xa vô cùng.
Quanh quẩn trong vòng buồn giận
Xem thường bảo vật trong tay
Dày đạp lên trên hạnh phúc
Tháng năm sầu khổ miệt mài
(Sám nguyện)
Có khi nào chúng ta suy ngẫm lại những hành động và lời nói của mình trong một ngày trước khi chìm vào giấc ngủ. Có lẽ chúng ta sẽ giật mình bởi gần như thời gian ta loay hoay trong vòng hơn thua, buồn giận và ghét thương. Rồi mãi đắm chìm trong vòng xoáy đó mà ta đã đánh mất bao nhiêu duyên lành cũng như ít có cơ hội để sống thảnh thơi và cảm nhận những điều mầu nhiệm trong cuộc sống.
Đánh rơi hạnh phúc, xem thường bảo vật trong tay cũng bởi chúng ta mãi loay hoay với khen chê được mất. Thời gian để dành cho việc hờn tủi rất nhiều, vì vậy ta cũng không còn thời gian để chăm sóc cho tự thân cũng như những người thương yêu và bỏ lỡ cơ hội để làm nhiều việc lành.
Bình thản trước chuyện thương ghét bình thường là điều phi thường
Tuổi trẻ cũng trôi qua trong hời hợt bởi những đam mê sai lầm và chạy theo tiếng gọi của những cám dỗ đời thường mà chúng ta đã lãng phí khoảng thời gian đẹp đẽ và đầy năng lượng. Những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, hệ lụy từ những đam mê thái quá đã khiến sức khỏe xuống dốc thật nhiều. Cho đến một ngày sức khỏe suy yếu trầm trọng, lúc đó muốn làm một vài việc lành cũng không còn đủ sức lực và bao nhiêu điều hay lẽ phải chưa kịp làm đã không còn đủ cơ hội để làm nữa. Người xưa từng ví thời gian quan trọng như tấc vàng để ta biết trân quý và tận dụng cho có nhiều lợi ích, đừng để nó trôi qua trong oan uổng và vô bổ.
“Ngày này không đến hai lần
Một giây thời khắc ngàn phân ngọc ngà
Ngày này không đến nữa mà
Một giây thời khắc một nhà ngọc châu”
Ta cũng đã phung phí tiền bạc vào việc thụ hưởng những ham mê để thoả mãn những bản năng rất đời. Đôi lúc một bữa ăn, một cuộc vui hay một vài thoả thích ngắn ngủi của ta có thể đủ cho gia đình của một bác nông dân nghèo hay những người buôn thúng bán bưng sinh hoạt trong một tháng. Dĩ nhiên, ta phải cần vật chất để đáp ứng những nhu cầu căn bản của một con người nhưng hãy hạn chế tối đa những hưởng thụ, nhất là những hưởng thụ đưa con người đến chỗ đánh mất lương tâm đạo đức và sa ngã vào những thói hư tật xấu. Nếu phung phí tiền bạc quá nhiều vào những điều không chính đáng thì ta sẽ bị tổn phước rất nhanh và một khi phước mỏng nghiệp dày rồi thì những tai họa sẽ dập dồn ập đến như lời dạy của ông bà “Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”.
Có thể ta đã từng mắc kẹt vào những tranh chấp được mất, thị phi và lao đao trong ghét thương buồn tủi; và ta đã “Xem thường bảo vật trong tay” như sức khỏe, thời gian, tiền bạc và tuổi trẻ… Để rồi “Dày đạp lên trên hạnh phúc” mà đi, thật xót xa vô cùng.
Đôi lúc ta ngây thơ và khờ dại như những người đã đến được núi châu báu, vui mừng khôn xiết và trầm trộ ngắm nhìn rồi đi về tay không. Ta vẫn thường hay như thế trong cuộc sống đời thường, nhiều lần đã đánh rơi hạnh phúc bởi hờn ghen, đã lãng quên niềm vui bởi sự ích kỷ và đôi lúc hành xử vô cảm như con robot vô hồn.
Nếu không có sự tỉnh thức trong đi đứng nằm ngồi thì hình như ta chỉ tồn tại mà chưa phải gọi là sống, nên tập làm sao mà “Đi đứng nằm ngồi trong chánh niệm, vào ra cười nói tướng đoan nghiêm” thì mới thực sự là “sống” chứ không phải “tồn tại”. Sẽ xót thương biết bao nhiêu khi những điều kiện an vui có đó mà ta từng ngày hững hờ dày đạp trên đó mà đi, để rồi “Tháng năm sầu khổ miệt mài”.
Có khi chỉ cần thay đổi lại cách sinh hoạt và cái nhìn thì ta có thể tức thì nếm trải khoảnh khắc bình an trong tâm, “Cuộc đời tuỳ thuộc cách nhìn, cách nhìn thay đổi đời mình cũng thay”. Nhưng để có thể thay đổi thì ta cần những điều kiện để giúp ta tìm về ánh sáng an lành. Trong truyện Kiều có đề cập đến Sư Giác Duyên, “Giác Duyên” là những điều kiện để giác ngộ, Thuý Kiều đã nếm được cuộc sống nhẹ nhàng khi gặp Giác Duyên. Đời ta cũng cần nhiều Giác Duyên, có thể đó là lời Phật dạy, là một vị thiện tri thức hay một đạo lý nào đó để ta nương theo ngọn đuốc ấy để dập tắt những tháng ngày miệt mài trong buồn khổ và sầu thương.
Xung quanh ta còn rất nhiều điều cao đẹp mà ta chưa làm được, đừng mãi xuống lên bởi những cảm xúc tiêu cực mà bỏ qua cơ hội tác thành những thiện sự. Đừng đánh mất cơ hội tận hưởng điều mầu nhiệm trong cuộc sống bởi những vực sâu đen tối trong lòng.
Trong tâm ta có những vùng lãnh thổ mà ta chưa từng chạm tới, đâu đó trong đời có những lần ta nếm trải được phút giây thiêng liêng và thật sự bình an trong tận sâu thẳm cõi lòng, nhưng những phút giây ấy không nhiều và đôi lúc rất xa xỉ với những tâm hồn đang tàn héo chất liệu tình thương và hỷ xả.
Hãy tập sống có chánh niệm, ý thức về việc mình đang làm, hướng tâm về đường chánh, sống với điều đạo đức từng ngày để làm hành trang bước vào lãnh thổ thiêng liêng mầu nhiệm này trong tâm, để từ đây ta có thể vẫy chào với tháng ngày sầu khổ đã từng lặn hụp bấy lâu và tập sống với những chất liệu an lành đã ngủ sâu trong tâm.
Hạnh phúc không xa, ta có thể nếm trải được, quan trọng ở cách cách hành xử của mình.
Thiện Tuệ