Chúng ta có thật sự bình an?
Ảnh minh họa
Câu hỏi được đặt ra là: Nếu như chỉ để sống một cuộc đời hết sức đơn giản, thì để bắt buộc phải lược bỏ triệt để những thứ không cần thiết, bạn sẽ chọn bỏ những điều gì?
Một năm qua, kinh tế toàn cầu khủng hoảng và phục hồi rất chậm sau đại dịch. Tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, theo thống kê của Bureau of Labor Statistics, cập nhật vào tháng 12-2023, tỷ lệ thất nghiệp là 3,7% (khoảng 6,3 triệu người), so với tháng 12-2022, tỷ lệ thất nghiệp là 3,5% (khoảng 5,7 triệu người). Còn ngay tại vùng tôi đang sống, cũng như trong vòng tròn bạn bè thân quen, đi đâu cũng thấy nói với nhau rằng “năm nay kinh tế xuống quá!”.
Khi kinh tế khó khăn, thì đó là lúc các công ty và ngân hàng chuyên về cho vay sẽ bắt đầu tìm cách tiếp cận chúng ta. Họ biết chắc lúc thất nghiệp, hoặc lương bị cắt giảm, thì nhu cầu mua cái này cái kia, và trả các loại hóa đơn càng tăng lên. Trên mạng xã hội, các mẩu quảng cáo cho vay xuất hiện trước mắt mình mỗi ngày, bất kể lịch sử xem và tìm kiếm của chúng ta đôi khi không liên quan, hoặc chỉ là một vết tích mờ nhạt, nhưng họ vẫn đánh hơi tìm kiếm. Các ngân hàng thay phiên nhau gửi ưu đãi cho vay qua hòm thư và thư điện tử. Nước Mỹ là nơi mà muốn vay tiền là có ngay, khắp nơi lúc nào cũng tạo điều kiện cho bạn vay tiền. Rất hào phóng. Nhưng vấn đề là bạn có chịu nổi lãi suất hay không mà thôi.
Nếu như chỉ để sống một cuộc đời hết sức đơn giản, thì để bắt buộc phải lược bỏ triệt để những thứ không cần thiết, bạn sẽ chọn bỏ những điều gì?
Những điều đó, thoạt đầu thì chúng ta có cảm giác bình thường, kiểu tôi thiếu tiền thì tôi đi vay để trang trải cuộc sống. Nhưng khi nhìn sâu hơn, thì đó là lúc các công ty cho vay đang kích hoạt lòng tham trong mỗi chúng ta. Con người nếu lỡ vay rồi, thì phải trả, thế là chi phí hàng tháng của họ càng tăng lên không ngừng nghỉ. Cái nọ đẻ ra cái kia. Cái vòng đó không dừng lại được. Về lý thuyết, nó chỉ dừng lại khi mình giảm ham muốn. Nhưng giảm như thế nào khi tất cả mọi thứ được liệt kê ra đều vừa khớp, cái nào cũng cần?
Câu hỏi được đặt ra là: Nếu như chỉ để sống một cuộc đời hết sức đơn giản, thì để bắt buộc phải lược bỏ triệt để những thứ không cần thiết, bạn sẽ chọn bỏ những điều gì?
Có lần tôi đã ngồi xuống và thử làm điều này. Tôi nhận ra là, nếu cần, thật sự cần, cái gì cũng có thể bỏ, hoặc giảm thiểu lượng tiêu thụ. Ví dụ: quần áo. Trong khi chúng ta có cả một tủ quần áo và giày dép, chúng ta vẫn thấy thiếu. Đó là bởi chúng ta mong muốn được ăn mặc đẹp. Thấy người ta mặc đẹp mà mình mặc xấu cũng không chịu nổi. Cái muốn này nó mạnh hơn cả ý thức nếu chúng ta không có đủ thu nhập thì lấy gì để sống.
Một ví dụ khác. Nếu chỉ để ngủ, nghỉ ngơi, chúng ta có nhất thiết ở trong một cái nhà to không? Ngủ trên một cái giường xa xỉ không? Về lý thuyết là không! Còn về thực tế, chúng ta muốn có một ngôi nhà to, bởi vì chúng ta muốn trong đó có một góc rộng để đặt cây đàn piano, có một phòng để bày biện những kệ sách rất đẹp mà đa phần sách trên đó chỉ để trưng bày, có một khoảng sân để trồng hoa lá, tận hưởng cuộc sống bình yên. Tất cả những nhu cầu này đều rất chính đáng. Chúng ta thấy thoải mái khi có những điều đó. Đã có biết bao nhiêu người, khi bị tước đi những thứ đó vì nhiều nguyên nhân, họ đau khổ, họ không có niềm vui, họ nhìn cuộc sống ảm đạm.
Con người có xu hướng đi tìm kiếm sự dễ chịu về tinh thần và thoải mái về vật chất hơn là tìm kiếm sự bình an nội tại. Nhưng đa số chúng ta bị nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Khi có mọi thứ xung quanh mình đầy đủ tiện nghi và đem lại cảm giác dễ chịu, chúng ta thấy bình an. Nhưng chỉ cần một món nào trong cả núi tiện nghi đó mất đi, chúng ta thấy bất an. Khi chúng ta có internet, có wifi, chúng ta tha hồ lướt mạng, chúng ta đắm chìm trong thế giới giải trí điên cuồng của các mạng xã hội, chúng ta thấy thoải mái. Nhưng chỉ cần vài giờ đồng hồ “mất mạng”, chúng ta cáu gắt, bực bội.
Ngày nay, rất nhiều video, nhiều bài viết, nhiều chia sẻ trên mạng xã hội, dưới nhiều mẫu người khác nhau, nói về bình yên và cách để có được sự bình yên. Các mô hình chữa lành cũng ra đời khắp nơi. Nhưng chúng ta quên rằng, để khuyên người khác làm thế nào để sống bình yên, làm sao để chữa lành, thì tự thân mình phải biết làm những điều đó cho mình trước. Mà trong đời sống này, mấy ai thật sự biết chữa lành để tìm thấy bình yên? Bởi vì cuộc sống là một chuỗi đấu tranh sinh tồn, mà nơi đó, phần lớn chữ tham điều khiển tâm trí, ngay cả với những người có tu tập, bởi vì tâm tham ở thế vi tế thì ít ai nhận ra. Ngay cả việc đòi hỏi một đời sống bình yên, và chạy trốn thực tại, nhưng là một dạng tâm tham.
Để an thật sự, chúng ta cần sự dũng cảm. Một nội lực lớn. Dũng cảm để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, đối mặt với những vấn để lớn nhỏ trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Đối mặt với sự nhận diện đơn thuần về khó khăn và khổ đau. Đây là khó khăn. Đây là khổ đau. Và tôi đang nhìn thấy nó. Khó khăn và khổ đau cũng vô thường, nên nó sẽ qua đi.
Chúng ta cũng cần dũng cảm nhìn thấy, giảm thiểu, không làm, hoặc tập buông bỏ dần những giá trị thuộc về vật chất hào nhoáng. Chỉ giữ lại những cốt lõi gọn gàng cho một cuộc sống tối giản. Nói thì dễ, làm thì khó. Nhưng chỉ cần chúng ta nhận thức rằng bình an có mặt vài phút giây nào đó giữa mạch sống mỗi ngày, nó nằm xen kẽ trong những bận rộn, những lo toan, những đấu tranh sinh tồn khốc liệt và vươn lên.
Khi tôi viết những dòng này, một người bạn mời dự “year end party” tại gia đình. Tôi hỏi thăm “Năm nay thấy than làm ăn không tốt mà vẫn tổ chức tiệc tùng à?”. Bạn trả lời: “Biết sao được, cũng đến lúc nghỉ ngơi một lát, vui chơi một lát rồi cày tiếp cho năm tới”.
Vui chơi một lát – bình an một chốc – vậy là đã đủ cho một cuộc đời dù ngắn dù dài.