Chứng sơ quả có khó không?

Có bạn hỏi tôi chứng sơ quả có khó không? Hiện nay Tăng chúng có ai chứng sơ quả không?

Nếu muốn tìm hiểu việc chứng sơ quả có khó không thì vẫn có thể căn cứ trên pháp học, pháp hành hoặc đơn giản như tra cứu kinh điển…

Còn việc hỏi có ai chứng sơ quả không thì phải người đã chứng quả mới xác nhận được.

Tôi chỉ là phàm phu Tăng đang tu tập, chưa đủ khả năng để thấy sơ quả là dễ chứng bởi những điều sau:

Muốn chứng sơ thánh quả phải dứt được các lậu hoặc của ba phần kiết sử phiền não gồm: thân kiến, nghi và giới cấm thủ.

Thân kiến là chấp vào thân ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Ngũ thủ uẩn này lấy ái dục làm nền tảng. Chấp ngũ uẩn cũng là chấp ngã. Chấp ngã có nhiều cấp độ thô và tế khác nhau.

Ví dụ do vì lười quán thân này là vô thường, nay còn mai có thể mất, nên chấp nó thường còn, sợ nó già, nó bệnh, nó chết…

Chính vì sợ nó già nó bệnh nó chết, nên ưa tìm sự an toàn, an ổn, yên vui, thích thú, hỷ lạc nhằm mục đích cho cái thân này được thoả mãn các điều kiện sống.

Biểu hiện thô như sống trong sự bảo vệ an toàn, đi tìm thuốc trường sinh, tiêm tế bào gốc, trau sửa hình tướng cho trẻ đẹp… Tế như ăn uống điều độ, tập thiền, tập yoga, khí công, uống thảo dược…

Vì chấp thân này nên ham thích những danh lợi khác. Ham thích danh lợi dạng thô là cầu tìm, chạy chọt, nịnh hót, lôi kéo cho nhiều người biết đến…

Tế như thể hiện một cuộc sống không ham danh lợi, nhưng lại muốn nhiều người biết mình đang không ham danh lợi. Cái kiểu ham danh này ảo diệu lắm, không quán sát thường xuyên sẽ bị nó lôi dắt mình đi lúc nào không hay.

Chính tôi có những lúc nói, tôi đã về ở ẩn, không có bất cứ tài khoản ngân hàng nào, tự rang trà và làm vườn cây ăn trái để nuôi thân tu hành… Đây cũng là một cách ham danh, muốn khoe khoang cách tu riêng, nay đọc lại không khỏi cảm thấy xấu hổ. Coi chừng nói lại như thế này cũng là thêm một lần nữa khoe đấy.

Chưa kể tôi còn các dạng khoe danh thô tháo khác như khoe hình ảnh, viết bài, nói năng thể hiện này kia…

Phải có định chánh niệm, định vô lậu trong từng ý nghĩ, lời nói và oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi…), thậm chí tịch lặng ít nói năng mới có thể phá được thân kiến.

tu-thanh-qua-3

Lậu hoặc thứ hai là nghi hoặc. Bất cứ khi nào còn khởi nghi về ba pháp ấn vô thường, khổ, vô ngã. Và nếu chưa thể thực hành rốt ráo con đường trung đạo (thông qua 37 phẩm trợ đạo) thì vẫn còn rơi vào lưới nghi.

Lậu hoặc thứ ba là giới cấm thủ. Chấp vào các nghi thức, cách thức thực hành, cho rằng tôi phải làm thế này thế kia… Bày ra các hình thức tu kỳ quái, cho rằng làm thế này mới đúng lời Phật dạy thế kia là sai, ăn chay mới là cao siêu…

Đó đều là các biểu hiện thô tế của giới cấm thủ. Muốn đoạn trừ các hình thức giới cấm thủ thì phải tu tập Tứ đế, Bát chánh đạo, không còn xem giới luật là gánh nặng,hay sự áp chế, vì nó đã tự nhiên thuần thục như hơi thở tự do ra vào trong thân.

Sơ quả nói sơ lược là như thế, người xuất gia hay tại gia đều có thể tu chứng quả vị này. Riêng quả vị A-la-hán (sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, không còn thọ thân sau nữa), phần lớn dành cho người xuất gia. Nếu người cư sĩ đắc quả thì phải xuất gia hoặc viên tịch.

Thích Thanh Thắng