Chùa Trầm, chùa Trăm Gian, nơi lưu giữ giá trị kiến trúc dân gian độc đáo
Cụm di tích chùa Trầm, chùa Trăm Gian thuộc huyện Chương Mỹ, nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km. Đây đều là những di tích có lịch sử xây dựng từ khá sớm và còn giữ được nhiều di vật có giá trị từ thời Trần, Lê, Nguyễn…
Trải qua hàng trăm năm tồn tại, các ngôi chùa ở đây vẫn giữ được những giá trị tiêu biểu về kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên, hứa hẹn là điểm đến thu hút khách du lịch về tham quan, trải nghiệm…
Những tác phẩm kiến trúc độc đáo
Quanh khu vực núi Trầm có các ngôi chùa nhỏ được khởi dựng lâu đời và còn lưu giữ được những giá trị kiến trúc dân gian độc đáo. Trong đó, chùa Vô Vi được xây dựng sớm nhất cụm di tích, tọa lạc trên đỉnh một ngọn núi, cổng chùa làm bằng đá, trên có ba chữ “Vô vi tự”. Chùa chính có kiến trúc kiểu tiền đao – hậu đốc, bộ khung kết cấu vừa sử dụng cột đá, vừa dùng cột gỗ với các liên kết vì mái theo kiểu chồng rường, mang nét kiến trúc dân gian truyền thống. Điều đáng chú ý ở đây là dãy cột cái thứ 2 bằng gỗ gồm 4 cột, phần cột chân vuông, được chạm trổ hoa văn tạo mây, tia chớp, lá sồi ken kín xung quanh, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII, XVIII rất có giá trị và là bằng chứng khẳng định sự ra đời từ khá sớm của ngôi chùa.
Chùa Trầm là ngôi chùa lớn trong cụm di tích, được khởi dựng từ thời hậu Lê, được phục dựng lại vào năm 1913. Chùa có mặt bằng chữ đinh với tiền đường và thượng điện đều 5 gian, các bộ vì được chạm khắc theo đề tài tứ linh, lão tùng hóa long, tứ quý, hoa lá, mây xoắn…
Chùa Hang, hay còn gọi là “Long tiên động”, ở giữa núi Trầm. Trong chùa Hang, còn một cây hương đá được khắc vào năm Chính Hòa thứ 17 (năm 1696) và 7 tấm bia đá ghi công đức và ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên.
Chùa Ba Làng (Quan Âm viện) được xây dựng từ thời vua Lê Hy Tông (1676-1705) dành riêng cho các vương mẫu, vương phi về tụng kinh, tụng niệm. Thời Tây Sơn, Đô đốc Đặng Tiến Đông đã về đây cung tiến để tu tạo lại Quan Âm viện nên nhân dân trong vùng còn gọi là chùa ông Đặng. Ngày nay, chùa Ba Làng chỉ còn một ngôi nhà mới được cải tạo.
Chùa Trăm Gian có tên chữ là “Quảng Nghiêm tự” ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1962. Trong biên bản khoanh vùng di tích (năm 1962), chùa có tổng diện tích 30.356m2. Chùa có bố cục kiểu nội công ngoại quốc, với các hạng mục công trình: Tam quan kiêm gác chuông, tiền đường, thượng điện, tả hữu hành lang, nhà tổ… Đây là quần thể kiến trúc độc đáo, còn giữ được nhiều di vật từ thời Trần, Lê, Nguyễn, có quy mô khá lớn, cứ 4 góc cột là một gian thì chùa có tất cả 100 gian chia thành ba cụm kiến trúc chính.
Cụm thứ nhất gồm 4 cột trụ và 2 quán, trước đây là nơi tổ chức đánh cờ người trong ngày hội, tiếp đó là nhà giá ngự nhìn ra mặt hồ sen, nơi đặt kiệu thánh để xem trò múa rối nước.
Cụm thứ hai là tam quan – gác chuông được dựng vào năm Quý Dậu (1693), niên hiệu Chính Hòa. Gác chuông gồm 2 tầng mái, bộ khung kiến trúc đỡ 4 cột cái và 12 cột quân xung quanh. Gác chuông chùa Trăm Gian là công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao, trên vì nách còn giữ được nhiều cấu kiện chạm khắc hoa văn mang phong cách nghệ thuật thời hậu Lê (thế kỷ XVII).
Cụm thứ ba là chùa chính, mặt bằng nội công – ngoại quốc, gồm nhà tiền đường và thượng điện, hai bên là hai dãy hành lang, trong cùng là nhà tổ. Khoảng sân sau thượng điện có nhà phương đình để treo trống và khánh đồng đúc năm Cảnh Hưng thứ 10. Nền tiền đường cao hơn sân trước khoảng 1m, hai bên thành bậc có đôi rồng đá mang phong cách nghệ thuật thời Trần (thế kỷ XIV), là hiện vật cổ nhất ở di tích.
Các công trình trong cụm di tích chùa Trầm, chùa Trăm Gian tuy đã trải qua nhiều thăng trầm vẫn còn lưu giữ được rất nhiều di vật có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật. Đó là những bộ vì mái được liên kết theo kiểu chồng rường, giá chiêng hay kiểu vì kèo; vật liệu xây dựng là gỗ, đá, đất nung. Những mảng chạm khắc trang trí mang phong cách nghệ thuật thời hậu Lê, thời Nguyễn còn lưu lại ở chùa Trăm Gian, chùa Trầm, chùa Vô Vi thực sự là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, làm tăng thêm giá trị của 2 cổ tự này, đồng thời cũng giúp các nhà nghiên cứu xác định được niên đại xây dựng, thời gian trùng tu của mỗi công trình.
Cảnh quan hùng vĩ, đa dạng
Trong sách Đại Nam nhất thống chí miêu tả thắng cảnh dãy núi Tử Trầm: “Núi Tử Trầm ở cách huyện Yên Sơn 13 dặm về phía Đông Nam, giữa đất bằng nổi vọt lên mấy ngọn núi đá cao chót vót, dưới có động, trên có chùa Vô Vi, núi, nước bao quanh. Xưa vua Lê dựng cung ở đây, đào hồ ven núi để tiện đi thuyền, vì thế gọi là núi Long Châu. Vua Lê thỉnh thoảng ngự đến chơi thường nói “núi không cao lắm mà đẹp, nước không sâu lắm mà trong””.
Trong phần mô tả về núi Tiên Lữ nơi có chùa Trăm Gian, sách viết: “Núi Tiên Lữ ở cách huyện Yên Sơn 12 dặm về phía Đông Nam, tục gọi là núi Mã, dưới chân núi có ao thả sen, lại có chùa Quảng Nguyên”.
Núi Tử Trầm là dãy núi đá vôi với 5 đỉnh núi, địa hình đa dạng, có nhiều hòn đá hình thù kỳ dị nên trở thành địa điểm tham quan thú vị, tạo nên giá trị văn hóa du lịch lớn cho địa phương. Đây được ví như một cao nguyên đá thu nhỏ của Hà Nội, thu hút nhiều du khách đến tham quan, cắm trại, khám phá và trải nghiệm. Dọc chân núi tới đỉnh Tử Trầm, thiên nhiên trong lành, phong cảnh hoang sơ đẹp như một bức tranh. Núi Tử Trầm đặc biệt thu hút du khách vào dịp tháng Hai âm lịch, cũng là mùa lễ hội chùa Trầm.
Núi Mã Yên (nơi có chùa Trăm Gian) tựa như hình yên ngựa, chỉ cao hơn 50m, trên núi có những cây trám cổ thụ cùng nhiều gốc thông vài trăm năm tuổi xòe tán rộng che mát cả ngọn núi…
Trong không gian rộng lớn của cả vùng, còn có nhiều ngọn núi khác, tiêu biểu như núi Cung, núi Bút, núi Vô Vi (nơi có chùa Vô Vi) là ba hòn núi nhỏ, nằm hướng ra ngoài cánh đồng. Mỗi ngọn núi với hình thù kỳ thú, độ cao khác nhau tạo nên sự đa dạng về cảnh quan, hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn để khai thác, phát triển du lịch.
Ngoài những ngọn núi bao bọc, cảnh quan nơi đây còn được tô điểm bởi dòng sông Đáy cùng nhiều ao hồ, đầm nước cả tự nhiên và do con người tạo ra. Xen kẽ giữa những ngọn núi, đồi là các thung lũng với những cánh đồng trồng lúa và hoa màu. Cư dân cũng men theo chân núi mà tạo lập làng xóm. Tất cả hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh thanh bình, thơ mộng…
Sự hòa quyện giữa cảnh quan và kiến trúc nghệ thuật
Mỗi ngôi chùa trong quần thể di tích đều có những nét kiến trúc đặc biệt gắn liền với địa hình, địa chất và cảnh quan trù phú, mang nét đặc trưng nổi bật trong hệ thống công trình kiến trúc truyền thống. Vẻ đẹp của di tích được tạo ra trước hết bởi sự hòa nhập giữa kiến trúc và cảnh quan bao quanh. Các hạng mục kiến trúc thường cao – mang yếu tố dương, còn mặt nước thường thấp – mang yếu tố âm.
Cụm di tích chùa Trầm gồm nhiều ngôi chùa, hang hợp thành. Đây là những danh lam do hoàng thân quốc thích các triều đại đứng ra góp tiền xây dựng và có ghi lại dấu tích qua sử sách và nhiều thư tịch cổ. Trong đó, chùa Trầm mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa tâm linh đặc trưng của cư dân Đồng bằng Bắc Bộ. Với lợi thế khung cảnh yên tĩnh, thanh tịnh của sông Đáy, núi Trầm, ngôi chùa xưa kia từng là hành cung của vua Lê, chúa Trịnh. Chùa Trầm tuy nhỏ, nhưng lại mang vẻ đẹp cổ kính, thâm nghiêm với thế lưng dựa núi, trước mặt nhìn ra hồ sen, xung quanh được bao bọc bởi những tán cây rừng dày đặc, xanh mát…
Ở chùa Trăm Gian, các hạng mục kiến trúc cũng theo bố cục vươn cao dần từ chân núi lên. Dưới chân núi là nghi môn và quán ngự, đi theo các bậc thềm xây gạch tới cấp sân thứ hai là tam quan kiêm gác chuông, một kiến trúc mở, không có tường bao che chắn xung quanh, lại được đặt dưới tán thông già cổ thụ…
Có thể nói, sự kết hợp hài hòa giữa công trình xây dựng với cảnh quan là một đặc điểm chung của kiến trúc truyền thống ở nước ta. Tuy nhiên, do những đặc điểm riêng biệt của cảnh quan, địa hình nên sự kết hợp đó ở mỗi nơi lại mang màu sắc riêng. Nhờ sự kiến tạo khéo léo dựa vào địa hình đồi núi tự nhiên quanh co, gấp khúc, các công trình kiến trúc ở đây mang một vẻ đẹp vô cùng độc đáo.
Hoàng Sơn