Chùa Tam Chúc – Huyền thoại ngôi chùa 1000 năm tuổi

Ngôi chùa lớn nhất nhất Việt Nam ngày nay được xây dựng trên nền Tam Chúc cổ tự có niên đại hơn 1.000 năm ở Hà Nam Đây là ngôi chùa vô cùng đặc biệt, với cảnh quan mặt hướng hồ lưng tựa núi.

 

Chùa Tam Chúc ở đâu?

Chùa Tam Chúc tọa lạc tại thị trấn Ba Sao, xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, thuộc tỉnh Hà Nam. Từ đây cách trung tâm Hà Nội mất khoảng 60km. Ngôi chùa này có một vị trí hết sức đặc biệt có thể xem như cầu nối chùa Hương và chùa Bái Đính ở Ninh Bình. Tọa lạc ở một vị trí vô cùng đắc địa về mặt tâm linh khi phía sau chùa là Thất Tinh còn mặt trước là hồ Lục Nhạc, trong hồ có 6 hòn đảo mà theo tương truyền đây tượng trưng cho 6 chiếc chuông được trời ban.

Chùa Tam Chúc hết sức rộng lớn nhìn từ trên cao - Ảnh sưu tầm

Chùa Tam Chúc hết sức rộng lớn nhìn từ trên cao – Ảnh sưu tầm

Hiện nay hệ thống giao thông kết nối giữa Hà Nội và Hà Nam hết sức thuận lợi. Chùa Tam Chúc cách chùa Bái Đính khoảng 30Km và cách chùa Hương 4,5Km tạo nên một quần thể “tam giác vàng” trong hoạt động du lịch tâm linh.

Huyền thoại ngôi chùa 1.000 năm tuổi

Xuân về, Tam Chúc ấm áp hẳn lên nhờ hơi nước từ lòng hồ mênh mang dâng tỏa. Mùa hạ, Tam Chúc mát mẻ bởi được tinh lọc từ lá phổi xanh bao la. Mùa thu, trời thường se lạnh lắng sâu hơn vẻ đẹp của thu sơn. Mùa đông mở rừng đón từng đàn sâm cầm từ mãi Cao Ly về tránh rét. Mỗi sớm mai, thả hồn vào hồ nước bát ngát, những ngọn núi như những quả chuông khổng lồ bồng bềnh trôi trên mặt hồ sương giăng, tưởng như đang giữa chốn bồng lai.

Truyền thuyết kể lại, ngày xưa có 7 vì sao sáng sa xuống vùng núi non Tam Chúc chính là 7 nàng tiên của nhà trời xuống trần thế ngao du. Thấy cảnh Tam Chúc “tả thanh long, hữu bạch hổ”, các nàng tiên mải vui quên đường về. Nhà trời đã sáu lần mang chuông xuống rung gọi các nàng về trời, nhưng lần nào tiếng chuông cũng rơi xuống lòng hồ, thấm vào đá núi, vào mênh mang hạ giới. Sự tích “Tiền lục nhạc – Hậu thất tinh” khởi nguồn từ đó: mặt trước có 6 quả núi trên mặt hồ như 6 quả chuông của nhà trời, phía sau có 7 ngọn núi phát sáng như vẻ đẹp tỏa sáng của 7  tiên sa.

Ba pho tượng Phật Tam Thế được đặt tại chính điện - Ảnh sưu tầm

Ba pho tượng Phật Tam Thế được đặt tại chính điện – Ảnh sưu tầm

Mảnh đất Tam Chúc linh thiêng, thần bí, nên hàng ngàn năm trước, ông cha đã chọn xây dựng những công trình tâm linh. Cách đây gần 20 năm, công nhân làm thủy lợi đã phát hiện dưới lòng hồ Tam Chúc rất nhiều cột gỗ, cột đá, xà đá, có những cột gỗ đường kính trên 1 m. Giữa hồ, vẫn còn ngôi đình Tam Chúc. Bước đầu, các nhà khảo cổ kết luận, chùa Tam Chúc đã có trên 1.000 năm.

Tiếp nối ngôi chùa 1.000 năm tuổi và nhân lên giá trị vàng son non nước “sơn thủy hữu tình”, năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho tỉnh Hà Nam và Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đầu tư phục dựng ngôi chùa Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam). Năm 2013, chùa Tam Chúc được công nhận là khu du lịch quốc gia. Sau hàng chục năm xây dựng, chùa đang hoàn thành giai đoạn I, nhiều báu vật hiếm có đang tụ về để mở hội đón khách dịp Tết Kỷ Hợi và Đại lễ Vesak 2019.

Ngôi chùa lớn nhất thế giới

Quần thể chùa Tam Chúc có diện tích gần 5.100 ha, với gần 1.000 ha hồ nước, 3.000 ha núi đá, rừng tự nhiên…, cùng nhiều thung lũng, 3 mặt bao bọc bởi dãy núi Thất Tinh hình tay ngai, trước là hồ Tam Chúc với 6 quả núi. Mặt bằng chùa Tam Chúc rộng tới 144 ha, với nhiều công trình như chùa Ngọc, điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, cổng Tam Quan, Trung tâm Hội nghị quốc tế…

Công trình nào cũng rất lớn, dự báo đạt kỷ lục Guinness. Đó là chùa Ngọc nằm trên đỉnh núi Thất Tinh cao 468 m, với 299 bậc lên, được xây dựng hoàn toàn bằng đá khối xếp liền nhau thành một khối nặng 2.000 tấn do các nghệ nhân Ấn Độ chế tác, một kiệt tác về kiến trúc đá.

Điện Tam Thế ở độ cao 45 m trên trục thần đạo, 3 tầng mái cong mang kiến trúc đình chùa Việt, cao tới 39 m, mặt sàn 5.400 m2, đủ đón 5.000 phật tử cùng hành lễ. Điện Pháp Chủ 2 tầng mái cong, cao 31 m, mặt sàn 3.000 m2. Điện Quan Âm cao 30,5 m, mặt sàn rộng 3.000 m2. Cổng Tam Quan 3 tầng mái cong, cao 28,8 m, ba mặt sàn rộng 3.558 m2.

Điện Tam Thế Tam Chúc - Ảnh sưu tầm

Điện Tam Thế Tam Chúc – Ảnh sưu tầm

Đó còn là Nhà thờ Tổ 2 tầng tháp mái cong với chiều cao 25 m, mặt sàn 1.050 m2; nhà Tăng Ni 5 tầng cao 30,8 m, với mặt bằng 3.600 m2; đền Thánh Cao Sơn được tọa lạc trên diện tích 1,75 ha phía hồ Tay Ngai, với Thủy Đình 3 tầng mái, Nhà Tả Hữu Vu, Đền Chính…; đền Mẫu với chất liệu gỗ theo phong cách truyền thống Thủy Đình 2 tầng mái, Nhà Tả Hữu Vu, Đền Chính, Nghi Môn. Đình làng Tam Chúc được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ trên diện tích 3.700 m2 trên đảo giữa hồ.

Đó là Trung tâm Hội nghị quốc tế nổi trên mặt hồ cao 31 m, đủ sức phục vụ gần 3.500 khách. Tương lai, Tam Chúc sẽ có Khu trung tâm đón tiếp nghỉ dưỡng, Khu bảo tồn di tích và cảnh quan thiên nhiên… cùng nhiều công trình khác.

Các công trình của chùa Tam Chúc là sự kết hợp hài hòa, linh diệu, đồng điệu giữa quá khứ và hiện tại, giữa nghệ nhân Việt Nam và nghệ nhân nước ngoài, giữa thợ thủ công lành nghề của Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo.

Nên đến chùa Tam Chúc Hà Nam vào khoảng thời gian nào?

Mỗi ngày, chùa sẽ mở cửa và tiếp đón du khách đến 21h. Khung cảnh chùa vào buổi tối cũng huyền ảo, tịnh tâm. Nếu quá bận rộn với công việc thì bạn vẫn có thể ghé thăm vào buổi tối để thả lỏng tâm hồn.

Thời điểm thích hợp để du lịch chùa thường rơi vào khoảng tháng 8 – tháng 10 và tháng 1 – tháng 3 hàng năm. Bởi lẽ, khoảng tháng 8 – tháng 10 là mùa sen. Đây là khoảng thời gian thiên nhiên Tam Chúc đẹp nhất. Khí hậu ở tỉnh Hà Nam đợt này cũng đã khá dịu mát.

Ảnh sưu tầm

Ảnh sưu tầm

Còn đợt tháng Giêng – tháng 3 là mùa lẽ hội. Sẽ có rất nhiều hoạt động vui nhộn, hấp dẫn diễn ra vào khoảng thời gian này. Cứ mỗi mùa xuân nhà chùa sẽ có lễ khai hội và thông báo những lễ hội được diễn ra trong năm.

Những điều cần lưu ý khi tham quan khu du lịch tâm linh chùa Tam Chúc Hà Nam

Khu du lịch Tam chúc với diện tích 4000ha. Bạn nên tham khảo bản đồ trước để tránh mất thời gian tìm đường nhé!

Vào các ngày lễ hội ( Tết ), phương tiện di lại nhanh gọn nhất luôn là xe ôm. Thuyền hay xe điện thường sẽ phải xếp hàng đợi rất lâu.

Trang phục kín đáo, thoải mái. Bạn nên đem theo giầy thể thao.

Khi bước vào các điện thờ của chùa là nên bước vào từ cửa bên; không bước vào cửa chính giữa. Đồng thời không dẫm lên bậu cửa mà phải bước qua bậu cửa.

Chỉ nên nên thắp hương tại đỉnh đặt bên ngoài. Hạn chế thắp hương bên trong chùa vì có thể gây ảnh hưởng đến tượng Phật, pháp khí. Chỉ cắm 1 nén hương vào bát hương và không cắm hương tùy tiện vào tay tượng, gốc cây, hay đồ lễ…

Hạnh Nhiên