Chùa Làng Hương Hạ

Trên đất nước ta, làng quê nào cũng có một mái chùa thấp thoáng trong um tùm mướt xanh cây lá. Hình như từ xa xưa, chùa Làng Hương Hạ chỉ là một am thờ nhỏ, một đức tin luôn theo người để cứu nhân độ thế.

40-1

Am thờ ban đầu như một cột mốc chủ quyền về khai khẩn đất hoang của những người đi mở đất. Am thờ như một viên gạch đầu tiên cho ngôi chùa cổ kính sau này. Có chùa là có Phật, Phật ở trong dân, dân ở trong vòng tay phù hộ độ trì của Phật. Một chỗ dựa tinh thần ở nơi khai thiên, lập địa, cầu mong một cuộc sống an lành trong cuộc đời dâu bể.

Ngôi chùa làng Hương Hạ quê tôi đứng đó, bình yên bên một triền đê thong thả uốn cong theo dòng sông Ninh Cơ. Con đê to ngăn nước mùa lũ, dòng sông cần mẫn tưới tắm cho cả mấy huyện trù phú với đất đai màu mỡ. Dòng sông đỏ quạch phù sa tựa như dải lụa hồng mềm mại ông trời đánh rơi xuống biển lúa xanh rì, một nhấn nhá cho nét họa tài hoa của thiên nhiên kỳ vĩ. Con sông hiền hòa lặng lẽ trôi, dáng như ai đó đang nằm vắt tay trên trán suy ngẫm. Cũng có khi sông dâng trào, ngầu đỏ giận dữ, như hờn dỗi với con người.

Mái ngói chùa đỏ rêu phong với các góc có đầu đao cong cong dưới bóng râm mát của cây thị già, lúc nào cũng trầm ngâm lặng lẽ suy tư, như thấu hiểu nỗi đau đời. Ngôi chùa làng Hương Hạ được xây cách đây khoảng hơn một trăm năm. Chùa xây bằng gạch chỉ đỏ được đốt bằng rơm rạ vùng chiêm trũng. Ông tôi bảo, phải đốt tám đống rơm to như cái đình mới nung được một nghìn viên gạch, đủ hiểu giá trị của mỗi viên gạch xây chùa! Hệ khung nhà, cột, kèo được đúc bằng vôi nhào với mật mía có cốt bằng cây tre đực ngâm. Những nét vẽ vân đá, giả chạm trổ mềm mại và sắc nét y như được lắp dựng bằng những khối đá đẽo. Tôi không thể hình dung công việc xây dựng chùa ngày ấy. Làm thế nào mà người thợ nề đúc được những vì kèo, dựng được cột cao chỉ bằng hỗn hợp vôi mật mía với cốt bằng tre. Đứng trong chùa ngẩng mặt nhìn lên thấy cao rộng và hoành tráng những dầm ngang, xà dọc. Sân chùa rộng rãi, lát gạch vuông nâu đỏ đã bạc màu năm tháng. Bên kia sân chùa, một nếp nhà thấp ba gian có mái hiên rộng là nơi ở của Sư thầy, nơi bàn việc nhà chùa. Một chái nhà nhỏ làm bếp nấu đun bằng rơm rạ. Bể nước mưa lớn nằm ngay sát chân tường chùa, hứng nước mưa của một bên mái cũng đủ nước ăn quanh năm. Người dân đi làm ruộng gần, nửa buổi khát nước vẫn vào chùa xin gáo nước mưa mát lạnh ngon ngọt uống đến đâu mát đến đó. Lối đi nhỏ dẫn ra vườn và ruộng lúa. Ao cá, hoa súng đỏ những bông hoa có cánh hình sao. Cầu ao 5 bậc xếp tảng đá xanh, xung quanh ao trồng những khóm chuối lùn. Vườn chùa trồng na, nhãn, cam, bưởi và xen canh những luống cải cúc, cải canh… Sư thầy ngoài những giờ mặc áo cà sa ngồi cầu nguyện, cụ còn là một nông dân chính hiệu. Người mặc quần áo nhuộm nâu có vài miếng vá, luôn cặm cụi cuốc đất, làm bờ, cào cỏ, chăm bón ruộng lúa. Hàng năm, việc tu sửa chùa lấy từ việc thu hoạch ruộng vườn. Ở chùa mọi việc hầu như đều tự cung tự cấp, không phải sự đóng góp của Phật tử thập phương vì vốn dĩ dân quê tôi nghèo lắm, hàng năm đều thiếu ăn mấy tháng trời. Khuôn viên chùa rộng rãi được bao quanh bởi hàng rào dâm bụt có những bông hoa màu đỏ chót, hiền lành và giản dị.
Chùa không chỉ là nơi dành cho người già ăn chay niệm Phật, mà còn là nơi trẻ con rất thích theo mẹ, theo bà vào những ngày rằm, ngày lễ. Những đứa trẻ, con nhà hiếm muộn hay chậm lớn, còi cọc được bố mẹ bán khoán vào chùa làm con của Phật, đến tuổi trưởng thành thì làm lễ xin được chuộc lại. Trẻ con chơi trong chùa không ai bảo cũng biết đấy là chốn tôn nghiêm, không chạy nhảy lung tung hay nói cười ầm ĩ. Tượng trong chùa nhiều vị nhìn hiền lành, cũng có vẻ mặt dữ tợn với đôi mắt mở to trợn trừng, râu dài đen nhánh, tay cầm gươm đao nhưng không khiếp sợ mà chỉ thấy sự cung kính, uy nghi nơi cửa Phật. Tượng Phật được bài trí hàng ngang, hàng dọc trên bậc bệ cao dần lên về phía sau. Việc xếp đặt tượng như vậy nên hàng tượng ngồi sau không bị hàng trước che khuất, người lễ Phật vẫn nhìn rõ mặt các ngài. Chính giữa bệ thờ là tượng Thích Ca Mâu Ni, đằng sau là những tượng Quan Âm Bồ Tát mà tôi không biết hết tên. Đã được xem các tích chèo về Thị Kính, Thị Mầu, Thiện sĩ và qua lời kể chuyện Thị Kính bằng thơ của bà nội nên tôi biết người ngồi đó, trên tay bế đứa bé là Quan Âm Thị Kính.

Ngày rằm, ngày lễ Tết, với trang phục áo dài, màu nâu sồng, tóc vấn khăn, tay xách làn mây đựng hương hoa các già trong làng í ới gọi nhau ra chùa. Ban ngày ai cũng bận việc đồng áng nên cả không gian, thời gian của buổi tối ngày rằm là dành cho lễ chùa. Từng tốp nhỏ đi trên con đường làng trăng sáng như dát vàng, ngày ấy trăng sáng lắm, sáng đến độ đọc được sách. Sau này tôi mới biết dù trăng đêm rằm rất sáng nhưng không thể đọc sách được vì sáng trăng là ánh sáng ảo. Đi lễ chùa mọi người ai cũng thanh thản, nhẹ nhàng chào hỏi nhau: Nam mô A Di Đà Phật. Tuyệt nhiên không thấy sự phân biệt giàu nghèo, hay sự hẹp hòi bon chen đời thường trong sân chùa.

Vào lễ, Sư thầy ngồi dưới bệ thờ trên chiếc chiếu hoa cạp điều với quyển kinh to, dày viết chữ nho, mõ gỗ và âu đồng để trước mặt. Sư thầy tay lần tràng hạt, tay cầm dùi gõ đều tiếng mõ xen lẫn tiếng cầu nguyện ê a, nhiều đoạn người đọc kinh như hát, thỉnh thoảng lại gõ boong boong vào chiếc âu đồng. Khi ấy các già ngồi thành hàng ngang phía sau sụp đầu khấn vái. Trẻ con thức một lúc thì lăn ra ngủ ngay dưới nền chùa được trải toàn bằng chiếu hoa, ấm áp gần gũi như ở nhà mình. Nửa đêm lễ xong, các bà đánh thức dậy ăn lộc chùa gồm: xôi, oản, bỏng gạo, chuối trứng quốc, chè đỗ đen…

Sư trụ trì chùa làng Hương Hạ hiền lành, chất phác lắm, chỉ khác người nông dân ở quần áo cùng một màu nhuộm nâu và đầu cạo trọc. Còn lại người tinh thông mọi công việc ruộng vườn. Hoa quả thờ cúng trong chùa đều từ bàn tay của Sư thầy. Ngày nhàn rỗi không làm ruộng, Cụ thường vào trong làng thăm hỏi Phật tử, đứa trẻ nào trong làng học giỏi hay hư đốn cụ cũng biết và ân cần giảng giải về đạo làm người. Sư thầy đặc biệt chú ý thăm hỏi những đứa trẻ con đang ốm, người già mệt nhọc, người thường mách những cây lá giải cảm trừ ho có ngay trong vườn nhà. Ai cũng quý mến Sư thầy, gặp từ xa chúng tôi đã lễ phép khoanh tay chào Sư thầy, luôn được người mỉm cười xoa tay lên mái tóc. Sau này công tác xa nhà nhớ những đêm rằm theo bà lên chùa, sâu thẳm trong tôi bật nên câu thơ:

Nâu sồng Sư thầy, Bụt hiện

Tiếng gõ gõ mòn tháng năm

Làng nghèo lội ruộng áo vá

Nắm xôi, lũ trẻ ngóng rằm…

Ngày nay, chùa Hương Hạ đã được tu bổ và tôn tạo lại, với cấu kiện bê tông cốt thép, bờ ao được xây kè đá chống sạt lở. Lối ngõ cũng được bê tông hóa. Trong chùa mắc điện sáng trưng. Ngày rằm, ngày lễ du khách thập phương đi xe máy đến cầu nguyện, tìm sự yên tĩnh và những phút sống chậm nơi cửa thiền. Có một điều mà tôi lấy làm lạ. Ngoài đời ai đó ngổ ngáo, bặm trợn…thế mà đứng trước Phật từ bi cũng cung kính chắp tay đứng cúi đầu.

Chung Tiến Lực