Chùa là chốn bình yên để trở về

Hôm nay khi tôi biết đến thông tin cuộc thi về “Đạo Phật trong trái tim tôi” cũng là ngày cuối cùng nhận bài dự thi nhưng kệ, tôi cũng tranh thủ tâm tình về đạo Phật của tôi.

 

Có ai đó đã bảo rằng người ta có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một chốn để quay về, đó là gia đình.

Với tôi, câu nói trên đúng nhưng chưa đủ. Đối với bản thân thì tôi có hai chốn để quay về, đó chính là gia đình và mái chùa “che chở hồn dân tộc- nếp sống muôn đời của Tổ tông”. Những lúc buồn tôi hay về bên hiên chùa, lắng nghe tiếng chuông ngân vang bên những câu kinh ru lòng mình bình yên.

Tôi may mắn sinh ra trong gia đình có truyền thống theo đạo Phật. Ngày xưa, lúc nhà còn cơ hàn, ba mẹ phải gồng gánh nuôi năm chị em ăn học với bao khốn khó. Ba tôi vốn yêu thơ văn, những đêm chong đèn khuya học bài thi thoảng tôi hay khó chịu khi nghe ông ngồi bên hiên nhà lầm rầm những “câu thơ” tôi không tài nào hiểu được, sau này lớn lên tôi mới biết đó là “Bát nhã tâm kinh”.

Năm lớp 1 tôi đã bắt đầu sinh hoạt tại gia đình Phật tử chùa Bồng Lai (Điện Bàn- Quảng Nam), được quy y, học Pháp, tụng kinh niệm Phật dưới sự hướng dẫn của sư cô và các anh chị huynh trưởng. Đọc tụng ê a nhưng tôi chắng hiểu gì, chỉ là mỗi buổi tham gia sinh hoạt đều được ăn bánh, xôi chè. Đó là niềm hạnh phúc vô tận với con bé nhà nghèo như tôi khi mà ba mẹ lam lũ “một nắng hai sương” mà cái nghèo vẫn đeo bám lấy. Tôi thấy người ta đi chùa khấn vái nhiều lắm, có cô chú quỳ dưới chân Phật cả mấy giờ đồng hồ và cầu nguyện gì tôi không rõ. Sau đó mỗi lần đến chùa, tôi cũng bắt chước người lớn quỳ dưới chân Phật, nhoẻn miệng cười và chúc Phật sức khỏe, chỉ vậy thôi.

Sau này lên cấp 2 bận học hành thi cử, tôi không đi sinh hoạt Phật tử nữa, mái chùa tuổi thơ cũng dần trở vào quên lãng cho đến khi tốt nghiệp Đại học. Tuổi trẻ bồng bột, cô sinh viên mới ra trường năm ấy gặp cú vấp ngã đầu đời trong công việc, chạy xe vô định trong cái nắng thiêu đốt tại miền Trung rồi bất chợt dừng lại tại một ngôi chùa cổ. Đang ngồi trên ghế đá dưới gốc cây bồ đề thì có một vị hòa thượng phúc hậu từ trong chùa bước ra đến bên tôi xoa đầu, cho cái bánh ú và cười hiền từ hỏi “Con có ổn không?” rồi Thầy vào chùa tụng kinh. Chỉ vậy thôi mà tôi thấy lòng mình nhẹ tênh, an đến lạ.

Từ dạo ấy trở đi, tôi bắt đầu quay về “chốn cũ” nhiều hơn và biết ơn những nhân duyên trong đời.

Biết ơn lần đầu tham gia tình nguyện viên khóa tu mùa hè “Ươm mầm tuệ giác” cho các em thanh thiếu niên Đà Nẵng, tại chùa Long Hoa (Ngũ Hành Sơn- Đà Nẵng) năm ấy. Nói là hỗ trợ cho các em nhưng thật ra tôi thấy mình được nhiều hơn là cho đi, hiểu hơn về Phật pháp khi được nghe các Thầy thuyết pháp. Tôi thấy mình hạnh phúc khi được làm người với sáu căn lành lặn, được sống ấm áp trong tình Thầy trò, huynh đệ.

Biết ơn Thầy Thích Pháp Trí cùng đạo tràng chùa Quan Thế Âm (Điện Bàn- Quảng Nam) đã khai mở cho tôi sâu sắc hơn về Phật pháp khi được nghe thuyết pháp sau mỗi buổi sám hối. Cám ơn Thầy đã cho con hiểu rằng muốn hạnh phúc càng nhiều thì bản ngã phải càng thấp. Người hạnh phúc là người biết cúi đầu đúng lúc, giống như bông lúa càng chín thì càng nghiêng mình về hướng đất mẹ. Sống trong đời, thay vì cứ mãi một câu “Tôi muốn hạnh phúc” thì cần bỏ đi cái tôi và ham muốn chỉ còn hai chữ “hạnh phúc” thì muôn đời sẽ được an lạc.

Biết ơn Thầy Thích Đồng Thành với hạnh từ bi như Bồ Tát luôn bao dung với tất cả mọi người. Hôm nay nghỉ lễ 30/4 nhưng Thầy vẫn không ngơi nghỉ, vẫn ân cần trao truyền kiến thức cho lớp Phật học online chúng con. Những kiến thức khô khan như Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đế…qua bài giảng của Thầy vô cùng thực tế, gần gũi có thể ứng dụng mọi lúc mọi nơi, cả trong cuộc sống lẫn công việc. Và đặc biệt, từng lời nói, hành động của Thầy như một bài pháp không lời cho đệ tử chúng tôi noi theo tinh tấn tu tập.

Biết ơn Thầy Thích Thái Hòa, qua một lần thuyết pháp đã giảng cho chúng con bí quyết để được hạnh phúc đó chính là “Hãy yêu nhưng người dễ thương trong gia đình và cả những người khó thương trong gia đình. Hãy yêu những người dễ thương ngoài xã hội và cả những người khó thương ngoài xã hội”. Chỉ một câu nói của Thầy mà cả đạo tràng chúng con đều xúc động, ai nấy rưng rưng nước mắt. Con cũng lấy đó làm phương châm sống cho riêng mình để luôn hạnh phúc trong từng phút giây.

Biết ơn cả những người Thầy tôi chưa một lần gặp mặt như pháp sư Tịnh Không, Thầy Giác Khang, Thầy Nhất Hạnh, Thầy Minh Niệm, Thầy Pháp Hòa..qua những bài giảng trên mạng xã hội đã giúp tôi vực dậy tinh thần sau những lúc bị cuộc đời làm cho ngã quật. Biết ơn nhân duyên cuộc đời đã mang Phật pháp đến cạnh tôi.

Càng đi sâu vào Phật pháp, tôi càng thấy đạo Phật cực kỳ gần gũi đời thường, chứ không phải là những gì xa xôi.

Cứ mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên tôi làm sau khi vệ sinh cá nhân là đọc “7 lời khấn nguyện sớm mai” để bản thân cùng những người xung quanh luôn thanh thản an nhiên đi qua hai mươi bốn giờ tinh khôi.

Mỗi lần bước lên xe ra khỏi nhà, tôi lại khấn nguyện Tam Bảo ơn trên gia hộ cho tất cả chúng sanh đi trên đường đều bình an và nhất tâm niệm Phật.

Mỗi lần mâu thuẫn với đồng nghiệp, chuẩn bị cãi nhau thì tôi lại khấn nguyện “Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát” để nương vào hạnh nguyện từ bi của Mẹ mà sống chan hòa, hạnh phúc nơi công sở.

Những lúc nghỉ trưa tôi lại niệm Phật trong tâm và hồi hướng cho tất cả chúng sanh nơi tôi làm việc. Nhờ vậy lúc nào tôi cũng thấy mình được an.

Ghi tôi gõ những dòng nãy thì tự nhiên đâu đó vang lên bài hát “Từ Đàm quê hương tôi”. À, ngày mai có việc đi Huế, nhất định tôi sẽ ghé thăm chùa Từ Đàm, vì đó là chốn bình yên để tôi đến vì chùa luôn mở cửa chào đón tất cả. Chùa như một người mẹ luôn dang tay chào đón những đứa con trở về sau những bôn ba mệt nhoài trong cuộc đời.

Và đơt nghỉ lễ dài ngày này, hãy tranh thủ viếng chùa nhé mọi người.

Để làm gì? Để nghe tiếng kinh cầu cho lòng mình thanh tịnh hơn, để sạc đủ năng lượng cho những ngày dài sắp đến, vậy thôi!

Quả thật, chùa là chốn bình yên để trở về!

Thông tin tác giả: Họ và tên: Nguyễn Trần Hoàng Uyển, Pháp danh: Đồng Chuyển

Địa chỉ: FPT Complex- Nam Kỳ Khởi Nghĩa- Hòa Hải- Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng

 Nguyễn Trần Hoàng Uyển