Chùa Khôsa Răngsây: Nơi có tủ sách cổ hàng trăm năm tuổi

Tọa lạc ngay trung tâm Q.Ninh Kiều (TP.Cần Thơ), ngôi chùa Khmer mang tên Khôsa Răngsây thu hút du khách hơn 60 quốc gia đến tham quan bởi nhiều nét độc đáo, trong đó có tủ sách cổ hàng trăm năm tuổi. 

Người có công lưu giữ sách cổ tại ngôi chùa Khmer trên là Thượng tọa Lý Hùng, trụ trì chùa. Đến nay, ông đã sưu tầm trên 4.000 quyển sách, trong đó có 30 quyển sách cổ hàng trăm năm tuổi viết bằng tiếng Pali, tiếng Khmer cổ trên lá và lá buông.

Chùa Pitu Khôsa Răngsây được xem là một trong những ngôi chùa đẹp nhất miền Tây
Chùa Pitu Khôsa Răngsây được xem là một trong những ngôi chùa đẹp nhất miền Tây

Chùa xảy ra hỏa hoạn nhưng sách không bị cháy

Thượng tọa Lý Hùng cho biết, từ khi chùa được thành lập vào năm 1948 đã có nhiều đầu sách như sách lá buông, sách lá trên 100 năm tuổi. Đây là những quyển sách ghi lại phong tục, nghi lễ, giáo dục con cháu… Sách viết trên lá được chia làm nhiều phần, từ nghi thức, nghi lễ và từng nghi lễ có ý nghĩa thế nào.

Nhà chùa còn có nhiều bộ sách Tam Tạng kinh, luật luận gồm 110 quyển, nhiều bộ, 1 quyển quy định ra gồm 3 tạng: kinh 24.000 phát ngôn, luật có 24.000 phát ngôn, luận có 44.000 phát ngôn… Những sách này giúp các sư nghiên cứu lời dạy của Đức Phật.

Theo Thượng tọa Lý Hùng, sách cổ viết trên lá bằng ngôn ngữ chính là tiếng Pali cổ, tiếng Khmer cổ. Với những vị sư xuất gia khoảng 20 năm trở về sau thì không thể tiếp cận được ngôn ngữ cổ này. Hầu hết sách được Ban quản trị, Phật tử lưu giữ qua nhiều đời, sau đó đem dâng cho chùa để bảo tồn.

“Sách lá khác với sách lá buông. Loại sách cổ này làm từ rơm, ép lại thành quyển với chiều ngang 15 – 20 cm, dài 60 cm. Sách được xếp một bên là tiếng Pali, một bên là tiếng Khmer, chữ được viết bằng bút thép, rất đẹp. Cuốn sách có niên đại lâu nhất tại chùa trên 100 năm”, Thượng tọa Lý Hùng chia sẻ.

Thượng tọa Lý Hùng rất đam mê sách
Thượng tọa Lý Hùng rất đam mê sách

Theo lời kể của Thượng tọa Lý Hùng, một lần, nơi đặt tủ sách cổ trong chùa Khôsa Răngsây xảy ra hỏa hoạn, nhiều vật dụng bị cháy rụi. Điều kỳ lạ là những quyển sách cổ từ lá và lá buông chỉ bị cháy xém phần bìa gỗ phía ngoài và hoàn toàn không cháy đến phần lá phía trong. Điều đó khiến các sư trong chùa đều kinh ngạc và xem là diệu kỳ, từ đó tủ sách được xem như báu vật, phải cố gắng giữ gìn.

Hiện, chỉ có Hòa thượng Chau Tiên ở An Giang biết viết kinh sách lá và lưu truyền lại. Tại hội thảo bảo tồn và phát huy kinh sách lá, ngài cũng giảng dạy lại cho các vị sư. Tuy nhiên, các sư chỉ biết viết theo nét chữ thôi hoặc vừa viết theo chữ cổ vừa viết theo chữ cải tiến, còn ngôn ngữ cổ thì chỉ có các vị trưởng lão mới đọc được.

Kinh lá buông được viết từ chữ Pali và Khmer cổ
Kinh lá buông được viết từ chữ Pali và Khmer cổ

Du khách hơn 60 quốc gia tham quan chùa Khmer

Chùa Pitu Khôsa Răngsây được xem là một trong những ngôi chùa Khmer đẹp nhất miền Tây, bởi vừa giữ được nét kiến trúc đặc thù của bản sắc văn hóa Khmer, vừa thể hiện nét kiến trúc hiện đại của Angkor và Khmer Nam bộ. Thời gian qua, chùa là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước.

Chùa còn là nơi lưu giữ văn hóa Khmer như đàn ngũ âm, các điệu múa Chhay-dăm, múa dân gian Campuchia… và được trình diễn trong những ngày lễ quan trọng như Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, lễ hội Ooc Om Boc, lễ Sene Dolta…

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng chánh điện ngôi chùa, Thượng tọa Lý Hùng cho biết, ngôi chùa Khmer này có nhiều du khách đến từ 60 quốc gia trên thế giới đến tham quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa. “Tuy chùa nằm lọt thỏm ở giữa chợ Cả Đài, đường nhỏ hẹp nhưng là điểm đến tham quan của nhiều du khách quốc tế, đặc biệt như Mỹ, Anh, Canada, Úc…”, Thượng tọa Lý Hùng phấn khởi cho biết.

Phần đỉnh ngôi chùa Pitu Khôsa Răngsây là nơi lưu giữ hơn 4.000 quyển sách
Phần đỉnh ngôi chùa Pitu Khôsa Răngsây là nơi lưu giữ hơn 4.000 quyển sách
Kinh sách lá buông được ghi một bên là tiếng Pali, một bên là chữ Khmer cổ
Kinh sách lá buông được ghi một bên là tiếng Pali, một bên là chữ Khmer cổ
Thượng tọa Lý Hùng đam mê sưu tầm sách
Thượng tọa Lý Hùng đam mê sưu tầm sách

>>> Độc đáo chùa Khmer miền Tây: Ngôi chùa hơn 400 năm tuổi, lộng lẫy như cung điện

Duy Tân
(báo Thanh Niên)