Chùa Đại Bi: Ngôi danh lam cổ tự nổi tiếng xứ Sơn Nam xưa

Chùa Đại Bi Nam Định, một trong những di tích hiếm hoi ở vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng thờ Đức Thánh Từ Đạo Hạnh, hiện vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính thời Hậu Lê và thời Nguyễn (thế kỷ 17-19).

Xứ Sơn Nam là địa danh cổ nằm ở phía Nam Kinh thành Thăng Long (bao gồm các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Ninh Bình, Thái Bình và Nam Định ngày nay), tồn tại gần 400 năm từ thời vua Lê Thánh Tông (thế kỷ 15) đến thời Minh Mạng của nhà Nguyễn (thế kỷ 19).

Chùa Đại Bi, tọa lạc tại thôn Giáp Ba, xã Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, chính là một trong những danh lam cổ tự nổi tiếng của xứ Sơn Nam xưa. Đây là một di tích hiếm hoi ở vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng thờ Đức Thánh Từ Đạo Hạnh.

Nét cổ kính của tam quan Chùa Đại Bi. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Nét cổ kính của tam quan Chùa Đại Bi. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Tương truyền, Chùa Đại Bi được xây dựng tại thôn Giáp Ba từ thời Lý (thế kỷ 11), khi Thiền sư Từ Đạo Hạnh đưa mẹ là bà Tăng Thị Loan về đây lánh nạn và dựng chùa tu hành.

Thiền sư Từ Đạo Hạnh là 1 trong 3 vị thiền sư nổi tiếng (Dương Không Lộ, Giác Hải và Từ Đạo Hạnh), có nhiều công lao với nhà Lý, đồng thời là bậc cao tăng đắc pháp, có công lớn trong việc xây dựng nhiều chùa, trong đó có Chùa Thiên Phúc (Chùa Thầy, Hà Nội) và Chùa Đại Bi (Nam Định).

Chùa Đại Bi quay hướng Nam, hướng của Bát Nhã trí tuệ, trên một thế đất đẹp, bằng phẳng nằm giữa thôn Giáp Ba. Theo phong thủy, đây là thế đất đẹp hình đầu rồng, hai bên có hai giếng nhỏ, người dân ở đây gọi là mắt rồng.

Những tư liệu lịch sử không cung cấp nhiều thông tin về quy mô ban đầu của ngôi chùa. Trải qua bao biến động thăng trầm của thời gian, hiện nay, dấu vết của lần xây dựng ban đầu chỉ còn lại một số chân tảng đá ở Tam quan.

Tòa bái đường Chùa Đại Bi. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Tòa bái đường Chùa Đại Bi. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Qua những nghiên cứu về vật liệu kiến trúc và những tư liệu Hán Nôm còn lưu giữ tại di tích như thần phả, sắc phong, văn bia, có thể thấy công trình Chùa Đại Bi hiện nay được xây dựng và mở rộng từ thế kỷ 17, thời Hậu Lê và được trùng tu, tôn tạo dưới thời Nguyễn (thế kỷ 19).

Công trình kiến trúc Chùa Đại Bi còn đến ngày nay có quy mô rất lớn và nhiều nét độc đáo.

Với kiến trúc “nội công ngoại quốc,” Chùa Đại Bi có tới 60 gian, phần lớn làm bằng gỗ lim, loại vật liệu chủ yếu trong các công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của người Việt ở Đồng bằng Sông Hồng.

Nhìn trên mặt bằng tổng thể, chùa gồm các thành phần kiến trúc như tam quan, chùa chính, hai dãy hành lang, gác chuông, nhà Tổ. Toàn bộ công trình được bố cục cân đối, hài hòa.

Từ ngoài nhìn vào có thể thấy kiến trúc chùa như được nâng cao dần và trải rộng ra, đồ sộ theo một trục chính khiến cho tổng thể công trình có thế vươn lên.

Tam quan Chùa Đại Bi không nằm chính giữa mà được xây chếch về phía Đông, đối diện với cung thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh tại tòa thượng điện của chùa.

Tam quan hiện vẫn giữ lại nhiều nét chạm khắc thời Hậu Lê và có kết cấu rất giống với Nghi môn nội Đền Vua Đinh, Tam quan Đền, Chùa Điềm Giang (Gia Viễn, Ninh Bình), hay Nghi môn Thái miếu Nhà Lê (Thanh Hóa).

Bộ cửa gỗ của tòa bái đường được chạm khắc tinh xảo. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Bộ cửa gỗ của tòa bái đường được chạm khắc tinh xảo. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Sau Tam quan là cụm kiến trúc chùa chính gồm tiền đường tam bảo ngoại thờ Tam thánh, tượng Cửu Long, Thất Phật.

Mái tiền đường trải rộng, hơi thấp, những đao góc cân xứng vút lên tạo cho kiến trúc chùa nhẹ nhàng, thanh thoát. Bộ cửa gỗ tại gian giữa tòa bái đường được chạm khắc hình rồng, hoa lá, vân mây cách điệu rất đẹp.

Trong chùa bài trí các tượng Phật như mọi ngôi chùa Việt Nam khác nhưng điều khác biệt ở Chùa Đại Bi là phía bên phải Tam bảo có khám thờ Thánh tổ Từ Đạo Hạnh và Giác Hải Thiền sư – những người có nhiều công lao với Phật pháp nước nhà.

Tam bảo nội ở giữa, bên phải là cung Thánh (cung cấm), bên trái là tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, tượng Quan Âm tọa sơn; Tam bảo gồm tượng Tam thế.

Cung Thánh là một công trình kiến trúc bằng gỗ, chạm khắc tinh xảo hình chiếc kiệu mang đậm phong cách Hậu Lê, bên trong có khám thờ sơn son thiếp vàng. Trong cùng thờ bà Tăng Thị Loan (mẹ Thiền sư).

Chạm khắc thế kỷ 17-18 tại cung thờ Thánh Từ Đạo Hạnh. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Chạm khắc thế kỷ 17-18 tại cung thờ Thánh Từ Đạo Hạnh. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Bên trong cung Thánh, hầu hết làm bằng gỗ lim. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Bên trong cung Thánh, hầu hết làm bằng gỗ lim. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Phía sau chùa thờ Phật là gác chuông hai tầng tám mái, mang ý nghĩa dịch học, biểu hiện tư tưởng vũ trụ luận của người phương Đông với nhiều mảng chạm khắc tinh xảo mang phong cách nghệ thuật của hai thời Lê-Nguyễn. Đây là một trong những đơn nguyên kiến trúc có giá trị nhất của chùa.

Sau gác chuông là nhà thờ Tổ. Bao quanh cụm chùa là hệ thống hành lang giải vũ, mỗi dãy 20 gian kiểu tường hồi bít đốc cùng với phủ Mẫu, tạo cho chùa có kiến trúc tiêu biểu của dạng chùa thờ Thánh Từ Đạo Hạnh.

Gác chuông Chùa Đại Bi có kiến trúc chuông diêm, 8 mái với các đầu đao vút cao. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Gác chuông Chùa Đại Bi có kiến trúc chuông diêm, 8 mái với các đầu đao vút cao. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Bên cạnh giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, Chùa Đại Bi còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật rất có giá trị. Đáng chú ý nhất là 10 tấm bia và 10 đạo sắc phong thần, trong đó tấm bia cổ nhất khắc vào đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Vĩnh Trị 4 (1679), đạo sắc sớm nhất vào ngày 8/8 niên hiệu Cảnh Hưng 28 (1767).

Ngoài ra, chùa còn giữ được nhiều đồ thờ tự quý, đặc biệt là cỗ nhang án, khám và tượng thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh mang phong cách thời Hậu Lê thế kỷ 17-18.

Nghề rèn Vân Chàng, Nam Giang, cũng đóng góp vào chùa một số di vật như cây đèn sắt, mặt hổ phù, một số đầu rối bằng gỗ được tiện công phu, giúp cho phần lễ hội của chùa thêm phong phú và đặc sắc.

Lễ hội Chùa Đại Bi nổi tiếng cả vùng, bắt đầu từ ngày 21 đến ngày 24 tháng Giêng âm lịch hàng năm với nhiều nghi lễ Phật giáo hòa nhập với tín ngưỡng dân gian.

Trong lễ hội Chùa Đại Bi, đặc sắc và tiêu biểu nhất là nghi lễ múa rối cạn chầu Thánh (còn gọi là trò Ổi lỗi). Tương truyền, đây là tích trò do Đức Thánh Từ Đạo Hạnh sáng tạo và truyền dạy cho nhân dân, thể hiện sự từ bi bác ái nhân văn cao đẹp của Đức Thánh nhằm cứu vớt các sinh linh trôi dạt trên biển.

Đó cũng là tư tưởng nhân văn cao đẹp của Phật giáo nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng để hướng con người đến các giá trị chân-thiện-mỹ.

Ngoài ra, Chùa Đại Bi còn có Hội chợ Viềng (gọi là chợ Viềng Chùa), đây là 1 trong 4 Hội chợ Viềng của tỉnh Nam Định, cùng họp một phiên duy nhất vào ngày 8 tháng Giêng ở ngay bãi đất trống trước cổng chùa.

Người dân đi chợ Viềng với ý nghĩa mua may-bán rủi, các mặt hàng được mua bán là cây cảnh, cây giống, đồ cổ, đồ cũ…, mang đậm dấu ấn một phiên chợ xưa.

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, Chùa Đại Bi đã được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1964; Lễ hội Chùa Đại Bi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ngày 22/1/2020.

Theo Vietnam+. 

Ảnh: Bích Hằng