Chùa Cả, nơi lưu giữ giá trị lịch sử cổ xưa xứ Đoài
Chùa Cả ban đầu có tên chữ là Đại Bi tự, sau đó được đổi thành Đại Phúc tự. Dưới thời Nguyễn, chùa nằm trên đất tổng Yên Lũng, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức; nay thuộc làng Vân Lũng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.
Chùa nằm trên vùng đất “kẻ Sống” xưa, ngày nay chùa vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử độc đáo.
Ngôi cổ tự xứ Đoài xưa
Xưa kia vì là chùa của tổng Yên Lũng, bao gồm 6 xã: Yên Lũng, Văn Lũng, Yên Thọ, La Phù, La Dương, Ngãi Cầu nên chùa có quy mô lớn trong vùng. Chùa quay hướng chính Nam, hiện nay tổng thể kiến trúc thờ tự của chùa bao gồm: Tam quan (gác chuông), Tiền đường (kiến trúc hình chữ Đinh), nhà Thánh, sau cùng là nhà tổ và nhà mẫu. Các kiến trúc nằm thẳng hàng nhau theo một trục Bắc – Nam. Phía Đông là khu vực vườn tháp, nơi lưu giữ thân xác của các vị trụ trì của chùa khi viên tịch; phía Tây là khu vực nhà tăng, là nơi ở của các vị tăng ni tu hành tại chùa.
Điều đáng ngạc nhiên là chùa còn lại nhiều dấu vết từ thời Lý cho đến thời Nguyễn. Theo Nhà nghiên cứu Đỗ Hoàng Tuấn trong sách “Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 1993”, cho biết: Nơi đây còn một số chân tảng bằng đá sa thạch mà xưa nay nhiều nhà nghiên cứu vẫn nhìn nhận là niên đại thời Lý. Những chân tảng đá này gần giống đá tảng chùa Thanh Thần (Thanh Oai, Hà Nội) hay chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội). Nhiều dấu tích mang niên đại vào cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, đó là những chiếc đầu dư chạm hình rồng có phong cách gần gũi với đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), đình Tường Phiên (Phúc Thọ, Hà Nội), đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa, Bắc Giang), cụ thể: Mặt rồng dữ tợn, miệng lang, tai thú, sừng nai, trán lạc đà, đặc biệt có những chiếc đao mảnh lượn sóng nhẹ và kéo dài. Ngoài ra, trên những bộ cửa ra vào cũng còn đôi nét chạm rồng và lân thuộc niên đại này. Sau đó, chùa được trùng tu nhiều lần, tiêu biểu là năm Gia Long thứ 2 (1803).
Theo truyền thuyết, ngôi chùa này từng được người dân trong vùng rước duệ hiệu Pháp Vân từ chùa Dâu ở Bắc Ninh về để thờ cúng. Ngày nay, tại tiền đường vẫn còn tượng Pháp Vân được thờ. Do đó, chùa có hiện tượng “tiền Phật hậu Thánh”, nhưng hai hệ thống thờ cúng này được tách biệt rõ ràng. Khu vực phía trước gồm Tiền đường và Thượng điện, tạo thành hình chữ “Đinh” để thờ Phật. Phía sau là Đại bái và Hậu cung, tạo thành hình chữ “Nhị” để thờ Thánh. Hai khu vực thờ cúng này được ngăn cách bởi một khoảng sân nhỏ.
Nơi lưu giữ di sản của cha ông
Tại chùa vẫn còn lưu giữ được hàng chục pho tượng cổ, 9 đạo sắc phong cổ, chuông và khánh đồng mang những nét đẹp tiêu biểu và độc đáo của thế kỷ 16 – 17. Tiêu biểu có thể nhắc tới pho Quan Âm chuẩn đề có 21 đôi tay đang kết nhiều thế ấn khác nhau, tượng cao 1,38m được đặt trên một tòa sen cao 0,28m. Pho tượng Phật ngồi trên tòa sen do sư tử đội, tượng có nét độc đáo với tay phải có ngón trỏ và ngón giữa chỉ lên trời, hình tượng này gần giống với tượng Phật niêm hoa và tượng đức Phật đang thuyết pháp; tính cả bệ tượng chiều cao là 1,48m, tượng phật cho chiều cao là 0,85m. Đây là pho tượng Phật rất hiếm và quý trong nghệ thuật Phật giáo Việt Nam, vì tới thế kỷ 17, sư tử đội tòa sen rất ít gặp trong các pho tượng thờ. Ngoài ra, tại đây còn có hai pho Kim Đồng và Ngọc Nữ cao tới 1,55m với phong cách trang trí hoa văn độc đáo và tỉ mỉ.
Chùa Cả còn đang lưu giữ một chiếc khánh đồng, bề ngang 136cm, độ cao nhất 88cm, dày 3cm, được nhân dân hàng tổng đúc vào năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745). Trên mặt khánh được đục các chữ hán: Phúc Lâm viện, Đại Bi tự, tứ linh bảo khánh đúc năm Cảnh Hưng thứ 6 tức năm Ất Sửu (1745). Trên hai mặt khánh còn được trang trí hoa văn độc đáo và tinh xảo với đề tài tứ linh (long – lân – quy – phượng), là một trong những đề tài thể hiện sự linh thiêng, cao quý và may mắn. Theo sách “Thế giới biểu tượng trong Di sản văn hóa”, chiếc khánh đồng chùa Cả thể hiện cả bộ tứ linh cùng được tạo tác trên một không gian trang trí hiện được coi như sớm nhất. Sau thời gian này khánh đồng cũng đã được tìm thấy ở nhiều nơi, như tại chùa Thầy (Hà Nội), chùa Đại (Hà Nam)…
Câu chuyện lý thú về chuông chùa
Nhân dân vùng xứ Đoài xưa có câu tục ngữ “Chuông Kẻ Sống, ống Kẻ La, mõ Kẻ Ngà, oản Cầu Ngãi” hay “Nhất chuông Kẻ Sống” nhằm nhắc tới độ nổi tiếng của quả chuông hiện còn được lưu giữ tại chùa Cả. Dưới thời vua Lê Kính Tông, năm Hoằng Định thứ 14 (1613), nhân dân Kẻ Sống cùng đúc một quả chuông đồng. Chuông có kích thước cụ thể như sau: Chuông cao 1,29m; đường kính chuông 0,73m; chuông dày 0,04m. Chuông Kẻ Sống thuộc loại lớn và sớm ở Việt Nam. Quai chuông được tạo hình rồng, rất tinh xảo, mặt chuông bao gồm 6 núm chuông, trong đó 4 núm được tạo đối xứng nhau, phía dưới của mặt chuông được tạo 4 hình rồng nằm đối xứng nhau, phía trên của mặt chuông được khắc 4 bài minh ở 4 phía. Đặc biệt trên mặt chuông còn đầy đủ thông tin của chùa và năm tạo chuông Phúc Lâm Viện, Đại Phúc tự, hồng trú tạo, tích cổ chung, Hoằng Định vạn niên chi thập tứ, Quý Sửu ngũ nguyệt sơ thập nhật tạo trú hồng chung.
Từ xưa, nhân dân làng Vân Lũng đã truyền tai nhau về câu chuyện đúc chuông Kẻ Sống. Một ngày nọ, nhân dân làng Vân Lũng mở hòm công đức, dân trong làng cùng nhau đóng góp và công đức để đúc chuông. Khi mở hòm công đức có một người hành khất đi qua cũng khởi tâm bồ đề góp một đồng vào việc đúc chuông. Lý trưởng làng Vân Lũng thấy chuyện đó lấy làm tự ái, đã ném trả người hành khất. Khi chuông đồng đúc xong, bị khuyết một miếng nhỏ, làng cho đúc lại nhiều lần nhưng lần nào cũng bị khuyết một miếng. Thấy điều lạ làng đành treo chuông khuyết lên cho chùa. Khi tiếng chuông Đại Phúc tự ngân lên, tiếng chuông vang khắp bốn cõi, dù cách hàng chục dặm nhưng tiếng chuông đã vang tới tận kinh thành. Tiếng chuông như cứa vào lòng người, nhà vua thấy sự lạ, cho lính đi tìm về nơi thủy khởi của tiếng chuông; về làng quân lính nghe được câu chuyện về tâu với nhà vua. Khi biết chuyện vua truyền lệnh cách chức lý trưởng làng Vân Lũng.
Vào ngày mùng 8 tháng 4 Âm lịch hàng năm, nhân dân Kẻ Sống lại tưng bừng mở hội chùa Cả, chính vì vậy dân gian có câu ca dao: “Nhớ ngày mùng tám tháng tư, không đi hội Sống thì hư mất người”. Không chỉ dân trong làng trẩy hội, mà nhân dân khắp nơi trong vùng cứ tới ngày mùng 8 tháng 4 Âm lịch lại tìm về chùa Cả để dự hội chùa. Lễ hội chùa Cả, thực sự trở thành một ngày hội của toàn dân trong khu vực.
Vì những giá trị nổi bật, năm 1996, Bộ Văn hóa và Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng chùa Cả (Đại Phúc tự) là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Tâm Phúc-Nguồn: https://laodong.vn