Chữa bệnh cho người cũng cần tuỳ duyên thuận pháp
Kính thưa Thầy, con có một người bạn rất tốt, đã giúp con rất nhiều trong cuộc sống. Thời gian trước kia bạn đã học tử vi, nhân điện, thiên điện, diện chẩn… và hiện nay có nghiên cứu Đông y và thường xuyên đi chữa bệnh từ thiện.
Con không hiểu sao mỗi lần bạn con đi về thì mệt ghê lắm, sắc mặt tái đi, tính tình thì thường hay nổi sân.
Con biết rằng không phải chuyện của mình thì khó nhờ Thầy chỉ dạy nhưng cơn sân đó thường xuyên chuyển sang con mỗi khi con nói chuyện. Con cũng đã bị mệt và bị tổn thương Thầy ạ, nhưng đây cũng là cơ hội tốt để con quán sát tâm mình phải không Thầy?
Con cũng đã thường xuyên đưa những bài pháp thoại của Thầy giảng và sách cho bạn. Sau mỗi lần không bình tĩnh như vậy, bạn con cũng hối hận lắm, nhưng sau vẫn vậy.
Con cần làm gì thêm nữa để giúp bạn hả Thầy?
Trả lời:
Khi con muốn trang bị thêm cho mình một số khả năng bên ngoài để chữa bệnh tức là đã có tâm cầu toàn, mà cầu toàn giữa cuộc đời bất toàn thì chắc chắn sẽ không vừa ý rồi. Trong trường hợp này sân dễ khởi lên xuất phát từ nhiều lý do, như thấy khả năng mình còn giới hạn, chưa hoàn hảo, thấy không thể giải quyết được bệnh tật như ý mình, và khi cố gắng chữa bệnh không khỏi hao tâm tổn khí đồng thời cũng bị ảnh hưởng bởi khí trì trệ hoặc tán loạn của người bệnh.
Điều này có thể khắc phục được bằng cách biết buông thư cho thật tự nhiên, thoải mái, vô tâm nghĩa là đừng quá dụng ý, dụng công trong khi chữa bệnh vì như thế sẽ sinh ra mệt mỏi và bực bội đưa đến dễ sân. Nên giải thích cho người bệnh biết tự ngừa bệnh, biết sống thuận theo nguyên lý nội lực tự sinh hơn là mượn lực bên ngoài.
Hơn nữa, việc chữa bệnh cũng tùy duyên, không nên quá chủ quan mong được như ý mình mà vô tình “thọc gậy bánh xe pháp” trong trường hợp bệnh do nghiệp quá khứ chứ không do thời khí, ẩm thực, khí huyết không điều hòa v.v… trong điều kiện nhất thời hiện tại.
Trong chữa bệnh cần có từ bi và trí tuệ mới có thể biểu hiện được tinh thần vô ngã vị tha, nếu không có trí tuệ mà hành động chủ quan và ngã mạn, thiếu y đức, thì chính mình tự hại mình, tự tạo nghiệp chứ không phải do ảnh hưởng nghiệp của người bệnh.
Nên xem việc chữa bệnh như cơ hội để học ra nguyên lý vận hành của đời sống, của đất trời và vạn vật, đồng thời học ra tâm ý của chính mình mới là tùy duyên thuận pháp…
Nguồn: trungtamhotong.org
Thầy Viên Minh