Chủ tịch Dragon Capital nói về ăn Tết chay ở Việt Nam
Không như nhiều chuyên gia nước ngoài coi Việt Nam đơn thuần là điểm đến đầu tư, ông Dominic Scriven – chủ tịch Dragon Capital – đã qua 30 cái Tết Việt. Dịp này giúp ông có cơ hội sum họp gia đình.
“Việt Nam còn chào đón, tôi còn ở đây”
– Tôi đã trải qua 30 kỳ nghỉ Tết suốt 30 năm ở Việt Nam. Đây là quãng thời gian tuyệt vời để nghỉ ngơi sau một năm làm việc. Giống như nhiều người Việt, tôi cảm nhận được mọi lo toan, khó khăn cuộc sống dừng lại khi Tết đến.
Đó là thời gian vui vẻ và mong đợi năm mới, biết ơn những gì chúng ta đều có. Ấn tượng dịp này trong tôi là thời tiết khá đẹp, nhưng hơi ẩm và lạnh. Tết hơi giống kỳ nghỉ Giáng sinh ở châu Âu, nhưng thời tiết thấy dễ chịu hơn.
* Vậy gia đình ông có đến Việt Nam dịp Tết không?
– 20 năm qua, mẹ và em gái tôi luôn đến Việt Nam sum họp dịp Tết. Cả gia đình đến Phú Quốc và tận hưởng thời gian tuyệt vời – bao nhiêu năm, năm nào cũng vậy.
* Ngoài Phú Quốc, ông đã đi du lịch nhiều ở Việt Nam chưa?
– Tôi đã đi du lịch khá nhiều nơi Việt Nam trong hơn 30 năm qua, mỗi điểm đến đều có những nét đẹp, sự cuốn hút riêng.
* Vậy đồ ăn Tết cổ truyền ở Việt Nam có khiến ông thấy thú vị?
– Tôi ăn chay 40 năm qua (không ăn thịt đỏ). Khoảng 3 năm nay tôi ăn thuần chay. Nhiều món ăn đặc trưng Tết tôi chưa được thử. Món ngon nhất vẫn là bánh mì chay. Nói chung, Việt Nam là một nơi tuyệt vời để ăn chay, nguyên liệu chế biến rất đa dạng.
* Ông có vẻ rất yêu Việt Nam, có khi nào ông tính tới chuyện nghỉ hưu luôn ở đây không?
Việt Nam là giao điểm cho phép tôi khám phá nhiều quốc gia khác xung quanh như Lào, Campuchia, Myanmar, Sri Lanka, Bhutan… Miễn là Việt Nam chào đón tôi, tôi sẽ luôn hạnh phúc và cống hiến khi được ở đây.
Lý thuyết đầu tư “không bán đáy”, nhưng không phải lúc nào cũng tỉnh táo như vậy
* 30 năm gắn bó với Tết cổ truyền cũng là ngần ấy thời gian ông gắn với thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều gì khiến ông thấy khó quên ở thị trường khi nhìn lại năm Quý Mão?
– Thị trường đã tăng hơn 10% vào cuối năm qua, tốt hơn năm trước nữa. Tôi nghĩ, hầu hết nhà đầu tư cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi điểm số cải thiện.
Nhưng niềm vui không bao giờ dành cho tất cả. Một số khác có thể hơi thất vọng vì sự phục hồi không mạnh mẽ như kỳ vọng.
* Vậy hiệu suất của quỹ năm qua như thế nào, thưa ông?
– Nếu 2022 là một năm đầy thách thức đối với Dragon Capital vì nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan thì 2023 là một năm tất bật.
Chúng tôi chịu áp lực không nhỏ từ khách hàng đầu tư. Nhiều trong số họ quan ngại bối cảnh kinh tế khó khăn, niềm tin giảm sút, không chỉ ở Việt Nam đâu, mà ở các thị trường khác cũng vậy.
Chúng tôi phải đối mặt với doanh thu giảm sút, nhưng về mặt hiệu suất, trách nhiệm, chúng tôi đã làm tốt hơn năm trước nữa. Dù không phải với tất cả, nhưng tôi nghĩ hầu hết có lẽ sẽ cảm thấy khá hài lòng.
Mẹ tôi cũng đầu tư vào quỹ từ năm 1995, và đến bây giờ bà vẫn là khách quen. Chúng tôi đã mang lại cho bà tỉ suất lợi nhuận hằng năm tính bằng đô la Mỹ đạt khoảng 11 đến 12% mỗi năm trong 25 năm qua.
* Áp lực từ khách hàng ông nhắc đến, một phần từ động thái rút ròng khối ngoại vừa qua, thưa ông?
– Có mua, có bán, nhưng tổng kết lại, khối ngoại đã rút ròng khỏi thị trường Việt Nam trong năm qua, đâu đó chừng hơn 1 tỉ USD. Chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc về lý do tại sao điều đó xảy ra, và làm gì để cải thiện tình hình.
Đây cũng là những câu hỏi chúng ta cần tập trung năm nay. Quan trọng là phải hiểu các yếu tố thúc đẩy xu hướng này để lên kế hoạch chiến lược tốt hơn cho tương lai.
Cũng như nhiều quỹ khác, Dragon Capital cũng nếm trải tình trạng thoái vốn này.
Chúng tôi đã cải thiện hiệu suất đầu tư, nhưng một số khách hàng đã rút vốn khỏi quỹ vì họ rút tất cả vốn khỏi Việt Nam.
Về lý thuyết là không nên bán đáy, nhưng thực tế tâm lý nhà đầu tư không phải lúc nào cũng “tỉnh táo” như vậy. Họ thấy cần là quyết bán ra.
Họ lo ngại nhiều hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn. Trong khi lãi suất ở Mỹ cao hơn cũng như rót tiền vào các khoản đầu tư cố định lãi suất thay vì cổ phiếu sẽ hấp dẫn hơn…
* Nếu như vậy các thị trường khác ở châu Á thì sao, thưa ông?
– Năm 2022, Việt Nam là thị trường giảm điểm mạnh nhất ở châu Á. Trong nửa đầu năm 2023, Việt Nam lại là thị trường tốt nhất ở châu Á.
Nhưng sau tháng 6, thị trường có phần giảm sút một chút. Cơ bản các thị trường châu Á có nơi tăng, có nơi giảm, vì vậy với mức tăng trưởng VN-Index năm 2023, chúng ta không thấy có gì phải quá thất vọng.
2024, thị trường ra sao dưới góc nhìn quỹ ngoại?
* Vậy có những yếu tố tích cực nào ông nghĩ có thể thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng cao hơn trong 2024?
– Có một vài yếu tố. Đầu tiên là một số cải thiện trong nền kinh tế vĩ mô, kỳ vọng sự tăng trưởng GDP cao hơn.
Điều đó có thể đến từ sự phục hồi tiêu dùng từ người chi tiêu đầu tư công mạnh hơn, xuất khẩu cải thiện.
Trên cơ sở đó, kết quả kinh doanh doanh nghiệp sẽ phục hồi tốt hơn. Sức khỏe của các công ty niêm yết rất quan trọng đối với thị trường chứng khoán.
Hai năm qua, đa số doanh nghiệp làm ăn khó khăn. Vì vậy, nếu quý đầu tiên, và có thể là quý thứ hai của năm 2024, các doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh cải thiện hơn, thì đây sẽ là chất xúc tác rất tích cực cho chứng khoán.
Ngoài ra, tổng thể chính sách tiền tệ toàn cầu cũng rất quan trọng. Lãi suất USD tăng hay giảm, điều đó có ý nghĩa gì đối với Việt Nam, tính thanh khoản, dòng chảy USD vào hay ra phụ thuộc nhiều yếu tố này.
Cuối cùng, tôi cho rằng sự phát triển của Việt Nam là câu chuyện nâng hạng thị trường. Khi thị trường lên mới nổi, sẽ là chất xúc tác rất tích cực.
* Vậy ông có đề xuất giải pháp gì để nhanh chóng thúc đẩy quá trình nâng hạng?
– Mọi thành viên thị trường đều phải có trách nhiệm thúc đẩy quá trình này. Các công ty có trách nhiệm làm ăn hiệu quả, tạo lợi nhuận cho cổ đông, trả cổ tức, cải thiện năng lực quản trị.
Các công ty chứng khoán, quản lý quỹ cần phải xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư, cung cấp các dịch vụ có giá trị gia tăng cho khách hàng.
Về lâu dài, việc cần làm là đa dạng hóa các nhà đầu tư trên thị trường. Chúng ta cần cả các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài, nhiều loại hình nhà đầu tư khác nhau.
Yếu tố phát triển dài hạn lớn nhất, tôi nghĩ, là sự xuất hiện thêm nhiều các nhà đầu tư tổ chức. Không phải do Dragon Capital là một nhà đầu tư định chế mà tôi nói vậy.
Hiện 80 đến 90% giao dịch hằng ngày trên thị trường chứng khoán Việt được thực hiện bởi nhà đầu tư cá nhân. Còn hầu hết thị trường phát triển, các nhà đầu tư định chế chiếm khoảng 60 đến 70% và nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm khoảng 20 đến 30%.
Nhiều nhà đầu tư tổ chức tức là nhiều sự ổn định thị trường hơn, tránh được sự biến động mà chúng ta thường thấy ở thị trường Việt Nam.
Vì sao thị trường chưa bứt lên khỏi vùng 1.100?
* Kết lại, ba thập niên qua có giống những gì ông tưởng tượng ban đầu khi quyết định lựa chọn Việt Nam làm nơi “đóng đô” cho quỹ của mình không?
– Đó là một câu hỏi khó. Thực tế, cá nhân tôi đã có một lời hứa với Việt Nam, cam kết đó không thực sự thể hiện bằng bất cứ số liệu nào cụ thể.
Mà cam kết đó là tôi và Việt Nam cùng nhau đồng hành, cùng nhau đóng góp, chia sẻ và hưởng lợi trên quá trình phát triển thị trường.
Đã có một số thách thức và một số bất ngờ lẫn khó khăn, nhưng ngần ấy thời gian vẫn là một hành trình thú vị. Tôi biết ơn vì tôi đã có cơ hội đó.
* Có lẽ từng năm ấy gắn bó, ông đã chứng kiến nhiều lần VN-Index dập dìu quanh mốc 1.100 điểm. Phiên giao dịch cuối cùng năm Quỹ Mão, VN-Index vẫn chưa phá được mốc 1.200?
– Đó là ngưỡng kháng cự kỹ thuật trên thị trường. Tất cả các thị trường đều có điểm kháng cự kỹ thuật, và bạn cần động lực, vốn, chất xúc tác để vượt qua.
Chúng ta cần chất xúc tác, có thể là phục hồi kinh tế, sự cải thiện kết quả kinh doanh, chính sách tiền tệ hoặc một cái gì đó mang tính cấu trúc như hướng tới thị trường mới nổi.
Năm 2024, dường như sẽ tích cực nhiều hơn tiêu cực, vì vậy các nhà đầu tư có thể cảm thấy tự tin về tương lai, nhưng luôn nhớ rằng rủi ro luôn rình rập. Khả năng chấp nhận rủi ro thực sự có nghĩa là hiểu bạn muốn đầu tư tiền của mình trong bao lâu, và bạn có thể chịu đựng rủi ro tới mức nào.
Mốc 1.100 hồi 2007 rất khác, có một lượng lớn thanh khoản quốc tế làm méo mó hệ thống tiền tệ của Việt Nam. Căn nguyên không nằm ở nội tại thị trường Việt Nam. Nếu chúng ta vượt qua sự kháng cự đó lần này, đó sẽ là do nội lực, và chứng minh thị trường Việt Nam thực sự xứng đáng!
* Trân trọng cảm ơn ông!