Chơn lý Đạo Phật

Chơn lý  ĐẠO PHẬT

                                                                                                      Tác giả: Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang

                                                                                                        NT. Tuyết Liên chuyển thơ 

Thuở xưa sử sách còn lưu

Đời nhà Đường vua Thái Tông bên Tàu

Tính từ Phật lịch về sau

Hơn ngàn năm lẽ có ngài Huyền Trang

Sang xứ Ấn học đạo vàng

Thọ giáo với đức Giới Hiền luận sư.

Sáu trăm ba bảy năm dư

Theo tây lịch là tính từ công nguyên.

Tác phẩm Tây Du bịa thêm

Huyền Trang qua đến Tây phương gặp Ngài

Đức Phật Thích Ca Như Lai

Xin thỉnh kinh Phật đem về Trung nguyên.

Vì không lễ vật bạc tiền

Nên A Nan phát cho liền bạch kinh

Kinh bạch tự giấy trắng tinh

Huyền Trang đem bát của mình dâng lên

Lo lót cho Ngài A Nan

Nên mới đổi được kinh văn thỉnh về.

Thuyết nầy làm cho người mê

Hiểu lầm đạo Phật chấp nê sự tình.

Đời nay cầu pháp xin kinh

Thảy đều phải có lễ trình trước tiên

Khuyến mời kêu rủ kết duyên

Bày đủ thứ lễ thâu tiền cư gia

Cho rằng lễ vật chính là

Bày tỏ tâm ý mới là linh thiêng.

Nào ai biết được sử truyền

Huyền Trang học đạo nơi miền Ấn linh

Gặp giáo lý Phật ban hành

Tức là gặp Phật như đang hiện tiền.

A Nan thuật lại lời kinh

Như là thấy gặp thỉnh kinh nơi Ngài.

Sau hơn ngàn năm xa dài

Làm gì có Phật và Ngài A Nan.

Sở dĩ ông Ngô Thừa Ân

Nói vậy có lẽ ý ông trình bày

Huyền Trang Nho học xứ Tàu

Tâm kiêu mạn nên nhìn vào sách kinh

Không thấy được nghĩa huyền linh

Khác nào giấy trắng như in mắt mù.

Khi ông phát khởi tâm tu

Dốc lòng học đạo như dâng bát vàng

Bát chánh đạo quý như vàng

Kỉnh trọng giáo pháp ông liền nhận ra

Giáo pháp của Phật cao xa

Hết lòng cung kính để mà trau tâm

Thế là đạo Phật ngàn năm

Huyền Trang thấy gặp thật tâm thỉnh về.

Dẹp lòng ngã ái si mê

Dâng lòng cầu đạo kính Ngài A Nan

Tỏ lòng cung kính nghiêm trang

Thì mới hiểu được đạo vàng ngàn năm.

Thế mà đời sau hiểu lầm

Bày ra lắm sự tham lam mưu cầu

Bán Phật, Pháp, Tăng góp thâu

Toan tính vụ lợi mong cầu cho thân.

Ấy bởi giáo lý chưa thông

Giới luật Phật cấm tăng không vị tình

Thuyết pháp kẻ thiếu đức tin

Lật áo, quấn áo, khỏa hình .v.v…

Đi guốc dép, đội mủ khăn

Những kẻ vô phép, thiếu tâm tín thành.

Với người ngang ác không tin

Mà đem pháp bảo vị tình thuyết cho

Mình nói họ chẳng thèm nghe

Lại còn ố báng khinh chê đủ điều.

Bởi đạo Phật khất sĩ nghèo

Kẻ ác không hiểu quen theo thế tình

Lấy quấy làm phải rẻ khinh

Lấy ác làm thiện, tâm tình đảo điên.

Với kẻ ấy nên lặng yên

Tránh cho người ấy không thêm lỗi lầm.

Với người lễ phép chí thành

Ta nói một, họ hiểu rành năm ba.

Còn kẻ ngạo mạn chấp ta

Dẫu có nài nỉ chắc là không linh.

Như người quý trọng sách kinh

Dầu dốt cũng sẽ thông minh có ngày.

Kẻ hay ngạo mạn khoe tài

Khinh chê chữ nghĩa sau này khó khăn.

Phật ra điều luật cho Tăng

Để tránh phiền não cho Tăng sau nầy

Để cho kẻ ác khỏi gây

Lỗi lầm trọng tội khinh khi đạo huyền.

Phật tăng đâu vọng bạc tiền

Mà đòi lễ vật khi truyền pháp đăng.

Kẻ đủ tri thức thiện căn

Quý trọng đạo bảo mới năng hành trì

Họ mới biết phép lễ nghi

Hạ mình trau đức trong khi thực hành.

Lễ bái cầu đạo chí thành

Bằng sự cố gắng tu hành đạo chơn

Xuất gia học đạo làm Tăng

Cửa lễ nhà hạnh, khom lưng cúi đầu.

Đạo cũng vậy, đời khác đâu

Cái ta quý thích cần cầu siêng năng

Nếu không hạp, dù cho không

Cũng sẽ phản đối khăng khăng không làm.

Còn ố đạo khinh Phật Tăng

Tạo nên cái lỗi chống ngăn lở lầm.

Chưa hiểu phép Phật cao thâm

Không biết giáo lý ngở rằng tự nhiên

Học đạo phải có bạc tiền

Lại đem so sánh với trường nho gia

Thầy dạy đem lễ tới nhà

Tiền bạc gạo bánh cùng là thức ăn

Học trò giữ lễ thường hằng

Lễ và vật phải song hành với nhau.

Mảng tưởng tượng nên người sau

Quên là đạo bảo tối cao thực hành.

Tăng khất sĩ là đi xin

Không chờ hối lót tự mình sống an

Đâu bắt học trò nuôi tăng

Còm lầm với kẻ nhố nhăng bên ngoài

Vô tửu bất thành lễ nghi

Phục rượu say, tính việc chi lợi mình

Rượu vào thì trí không minh

Cha với chàng rể cũng hình như nhau.

Người học đạo lúc về sau

Ít ai nhận hiểu hạnh cao đức hiền.

Phật tăng không bái thần quyền

Không ham nghi lễ cầu nguyền vái van.

Đúng chơn lý thì Phật tăng

Bình đẳng, vô trị thường hằng như nhau.

Đâu bắt buộc thờ cúng sao

Hoặc có những kẻ sanh sau tội nhiều.

Tự họ thờ cúng Phật trời

Để noi gương sáng sống đời bình yên.

Tự họ cung kính kết duyên

Xin theo học đạo noi gương các Ngài

Phật tăng không tự ý bày

Ra sự cúng kiến thỉnh mời trai tăng.

Không buộc người ta cúng dâng

Cũng không thuyết pháp, đọc kinh ăn tiền.

Không tổ chức đám kiếm tiền

Mỗi ngày một ngọ không phiền rộn ai

Có phương tiện thì các Ngài

Nói pháp dạy đạo không hay chối từ

Bậc A La Hán hữu dư

Là do mười pháp chơn như tác thành.

Với bổn ngã không mê lầm

Không nghi não, cũng không ham cúng dường

Không tham sắc dục sự thường

Không tham vô sắc, giận hờn cũng không

Không tự cao, không vô minh

Không xao động trước cảnh tình thế gian.

Các Ngài ở chỗ tịnh nhàn

Các Ngài tránh các việc làm quấy sai

Không còn vái nguyện cầu ai

Không tham phước báu không hay mong cầu.

Thân có sống chết mặc dầu

Không thích hợp sự ồn ào xung quanh

Huống chi lễ hội linh đình

Các Ngài không thể ở chung nhiều ngày.

Bậc nhập định khắc kỵ đời

Có đâu bày xúi nhiều người số đông

Khi đi khất thực quá lâu

Các Ngài còn dụng thần thông bay về.

Môi trường đối với các Ngài

Nhờ cảnh tịnh để các Ngài tịnh tâm

Đến khi tâm tịnh vắng không

Mới đi giáo hóa vào trong thôn làng.

Chớ nào dám nói khoác rằng

Gần sắc không đắm, gần tiền không tham

Ở chỗ động tâm vẫn an

Uống rượu mà vẫn tỉnh tuồng không say.

Như kẻ mắc giữa vòng vây

Lo đỡ tên đạn mới hay bảo toàn

Hoặc mau chân lo thoát nàn

Chớ khoác lác nói tôi đang yên bình

Thật là vô lý khó tin.

Phật tăng xưa chốn vườn rừng giữ tâm

Chẳng vọng động làm khách căn

Chẳng chuyền níu theo bụi trần xuyến xao.

Giữ tâm chơn chủ thanh cao

Giữ tâm trong sạch lối vào chơn như.

Mà còn khó đắc đạo thay

Đời nay tu lại hay bày mõ chuông

Âm nhạc, kèn trống lăng xăng

Vớ giày, dù mũ, lọng khăn, áo quần.

Bỏ chơn tìm vọng tưng bừng

Lấy chủ làm khách bụi trần say sưa

Lại thêm hát bộ ngâm nga

Bỏ đói chơn tánh thật là không nên.

Không cho ăn bằng định thiền

Làm sao tâm lớn định yên sống dài.

Đạo Phật khi xưa khác nay

Chư vị La Hán thường hay định thiền

Lục căn thanh tịnh châu viên

A La Hán quả hiện tiền không sai

Tâm bình đẳng của các Ngài

Không còn nhận biết cảnh ngoài bà con.

A La Hán quả mà còn

Một niệm nhận biết bà con gia đình

Tức là bị mất phép linh

Các Ngài còn thế huống mình phàm phu.

Thà là chẳng theo Phật tu

Thà theo thần thánh nào như ý mình

Chớ nay Thích tử xưng danh

Mà tìm vọng động thì thành tựu chăng.

Nhập định rèn tập khó khăn

Vô ý một chút thì tâm vọng rồi

Huống mảng chạy nhảy bên ngoài

Làm sao có được những ngày định tâm.

Đã vậy có nơi còn làm

Hội kỳ truyền giới chư tăng tựu về

Mời thỉnh cư gia tựu tề

Chứng dự cúng kiến hộ trì mới xong.

Mỗi khi Tăng chúng nhóm đông

Báo cho cư sĩ tùy lòng cúng dâng

Cùng là bày cuộc trai tăng

Ép buộc cư sĩ đến dâng của tiền.

Thêm sự tấn chức lên quyền

Cấp bằng, chức phận các duyên rất nhiều.

Bởi sợ xin ăn nhọc nhằn

Bày ra cúng kiến gạt lầm người mê

Chấp tham tiền bạc bộn bề

Để thân tội lỗi tâm mê cảnh trần.

Đường giải thoát khó trông gần

Để phải chen lộn cảnh trần vọng ma.

Ai biết Khất sĩ tăng già

Khất hóa độ chúng mới là tăng nhân.

Nay ở một chỗ chờ dâng

Sang trọng như thế, gọi danh từ gì?

Ai hiểu ba lẽ xin nầy

1. Xin bằng giành giựt giống rày trộm tham

2. Xin lại bắt buộc người dâng

Đem đến tại chỗ cúng dâng cho mình

3. Tự mình khất hóa đi xin

Tự người hoan hỷ kính thành cúng dâng.

Cách xin thứ ba siêng năng

Mới gọi khất sĩ là tăng hiệp hòa

Mới gọi đạo Phật Thích Ca

Thuở xưa Y bát Phật đà nêu gương.

Đời nay lắm người chưa tường

Chung lộn thế tục không thường hóa duyên

Mà cũng vỗ ngực xưng tên

Gọi mình thích tử không nên chút nào

Chẳng biết sợ tội về sau

Chưa rõ lỗi quấy thế nào danh xưng.

Sự thật vậy, ai chắc mình

Hoàn toàn hành đúng giới kinh Phật truyền

Nếu tu đúng giới tất nhiên

Sẽ đắc thánh quả như in Tăng già.

Ai là người dám đứng ra

Chấp nhận chỉ lỗi để mà sửa sai

Số đông người tu đời nay

Lạm xưng Thích tử ít ai dám nhìn.

Thực tế đạo Phật hiện tình

Như nhà vắng chủ mặc tình dễ duôi

Phật xưa đâu có thích ngồi

Trên ngai cao rộng để người xưng tôn

Là giáo chủ nhóm khối riêng

Phật đâu nương tựa thế quyền lợi danh.

Phật không cộng sự chúng sanh

Không tôn vương với mão xanh áo vàng.

Phật xưa không ở lâu đài

Giữa trong thành phố thiết bày cao sang

Chùa cao cột lớn vẽ vang

Tiếp đón kẻ thế giàu sang thâu tiền.

Phật xưa nói pháp tùy duyên

Gốc cây lều lá hoặc triền non xanh.

Phật xưa dạy đạo chư Tăng

Chơn lý pháp bảo để hành, để tu

Nào có văn tự chi chi

Bùa chú, pháp ấn, khoa nghi, phượng thờ.

Chữa bệnh, bói khoa vẩn vơ

Như người cư sĩ hửng hờ tâm chơn.

Xưa tăng tu chẳng thắp hương

Chưng hoa trang trí, đốt đèn .v.v…

Phật xưa tu đạt quả linh

Ta tu há chẳng để mình thanh cao

Riêng cầu thế lực hay sao ?

Bởi nay ít kẻ nâng cao pháp hành

Mình tu tránh chỗ cạnh tranh

Nên lo sửa lỗi cho thành hạnh Tăng.

Xuất gia mà không siêng năng

Cứ mãi quyền biến cho rằng tùy duyên

Giữ cái tệ kém y nguyên

Như cái đống rác dưới thềm đành thôi

Không ai chịu hốt cho rồi.

Phật xưa thâu phục những người kém căn

Cải sửa xã hội, gia đình

Nên pháp có đốn, tiệm, quyền .v.v…

Nhưng tu là phải tiến dần

Chớ không ém lỗi, không cần tiến lên

Bởi lẽ sợ mất nồi cơm

Đi xin không được bày thêm đủ điều

Càng chữa càng xa mục tiêu

Còn đâu chánh pháp quy điều Phật xưa.

Vậy nên chỉnh đốn Phật thừa

Là phải chấn chỉnh cái chưa nhẹ nhàng

Chấn chỉnh phải cho nghiêm trang

Chỉnh cho trong sạch hoàn toàn ngoài trong.

Chấn chỉnh là phải thật lòng

Còn vướng quyền thế ngoại tông chê cười.

Chỉnh cái danh từ suông thôi

Lấy Phật đỡ đạn ta ngồi an thân

Mặc Ngài đau đớn phong trần

Ta an nhiên hưởng, tu hành đúng chưa.

Ta nói tu theo hạnh xưa

Nhưng hành chẳng giống Phật xưa chút nào

Tức là mâu thuẩn với nhau

Việc nầy cần phải chỉnh mau pháp hành.

Đạo Phật con đường trọn lành

Con đường giác ngộ pháp hành Phật xưa.

Chư Phật quá khứ đã đi

Thích Ca hiện tại khác gì ngày xưa.

Đời nay người đắc quả chưa

Mà tính sửa đổi tông thừa lăng xăng.

Nào ai thành Phật toàn năng

Thế nào là giáo hội Tăng hiệp hòa.

Khi xưa đạo Phật có ra

Là đạo giác ngộ để mà độ nhân

Chớ không để có giáo tông

Hay môn Phật học giữa trong cuộc đời.

Nếu ta chịu khó tìm tòi

Và gắng thực hiện như lời Phật xưa

Tu tập định huệ sớm trưa

Miễn chúng ta dám tu như các Ngài

Muốn giải thoát bước ra ngoài

Mọi sự ràng buộc xưa nay thế thường.

Xưa Phật giác ngộ tìm phương

Nay ta giác ngộ cũng đương trở về.

Nhớ đừng thêm chuyện nọ kia

Không đúng chơn lý để cho thêm phiền,

Không biết mà xúi nhau làm

Để khi người hỏi không kham mở lời.

Mưu danh vụ lợi theo đời

Ép buộc, xu hướng, gọi mời, rủ ren.

Thật vậy nếu ta để tâm

Sẽ thấy đạo Phật chánh truyền khi xưa.

Giáo pháp tượng cốt ngày nay

Khác nhau xa lắm chia hai cách làm

Ta bối rối muốn phăng tìm

Nguồn gốc cho rõ mà tìm chưa ra

Nên ai cũng bị pháp tà

Phủ che nghi hoặc biết ra đường nào.

Thật giả chưa biết ra sao

Vì thế chưa biết tin vào lời ai

Chữ viết cốt tượng sắp bày

Ai là bậc mở đường ngay chơn truyền.

Rối nhất là tại Ấn thiêng

Có mấy chục phái tăng thiền khác nhau,

Chống phá chỉ trích lẫn nhau

Khiến người không mấy tin vào các sư.

Như thế xứ Việt nơi đây

Trông gì hiểu được gốc cây đạo thiền.

Mà chỉ tập kinh nghiệm dần

So sánh từng bước và cần nghiệm suy

Theo lịch sử hiện còn ghi

Tránh ác, làm thiện, giữ y lòng thiền,

Phăng theo chơn lý mà tìm

Dấu chân chư Phật chớ đừng lộng khơi

Buông xa quá độ người ơi

Thà cam thấp dốt thiệt thòi chút đi.

Kinh nghiệm nơi sự hành trì

Vừa đi, vừa tới thế thì vững yên.

Đạo Phật chẳng phải của riêng

Nhưng ai cũng muốn Phật thiêng của mình

Xưng mình thích tử đành rành

Nhưng muốn tu đúng thật tình khó khăn.

Tu sao cho đúng hạnh Tăng

Tu sao cho được vừa lòng người nay.

Tuy nói vậy chứ hiện nay

Chúng ta nên xác định ngay việc mình

Y theo hạnh Phật trau mình

Có sự giải thoát cho mình thảnh thơi.

Khỏi cần để ý người đời

Vừa lòng, không thuận miệng người thế gian

Để họ tôn xưng đạo vàng

Số đông ý kiến lại càng rối thêm.

Lẽ phải chỉ một mà thôi

Ta cần phải hiểu để rồi trau tâm.

Quy y theo Phật không lầm

Y như thế đúng lý chân ngàn đời.

Bởi vậy mới có một người

Hỏi một khất sĩ sao người xin ăn?

Khất sĩ mới trả lời rằng

Tôi noi theo Phật pháp tăng ba đời.

Chư Phật đều khất thực thôi

Và cũng bởi bao nhiêu người không xin

Vấn.  Sao ông mặc chẳng giống ai?

Đáp.  Tôi ăn mặc ở như Ngài Thích Ca.

Vấn.   Sao không chức phận danh gia?

Đáp.   Là tại giáo pháp Phật đà cao trên

Pháp giác ngộ vốn vô quyền

Trung đạo bình đẳng không thiên bên nào.

Vấn.   Tu không cúng lạy là sao?

Đáp.   Vì xuất gia chỉ hướng vào chơn như.

Vấn.   Sao không làm nói đứng đi?

Đáp.   Tôi không tham muốn chi, nên không làm.

Vấn.   Sao không nhập chúng tu hành?

Đáp.   Xưa Phật dạy lo tu hành trước đi

Chớ không dạy hiệp hay ly

Tăng nay khác Phật nhập chi thêm phiền.

Vấn.   Ông tu sao lại khác người?

Đáp.   Có khác là bởi kẻ gần người xa

Nếu cùng đứng một chỗ là

Cái nhìn hiểu biết sẽ là giống nhau.

Vấn.   Sao ở chỗ vắng cốc lều?

Đáp.   Vì giới định huệ ở nơi vườn rừng.

Vấn.   Phải chăng pháp có hai phần?

Đáp.   Một còn không có, không cần nói hai.

Vấn.   Sao ông không giúp mọi người?

Đáp.   Tôi không muốn hưởng của đời chi chi.

Vấn.   Sao ông mặc vãi bỏ đi?

Đáp.   Phật tăng vốn chẳng có gì se sua.

Vấn.   Sao không giao thiệp với người?

Đáp.   Tôi bận việc đạo chưa hồi rảnh rang.

Vấn.   Sao không ưa chỗ lợi danh?

Đáp.   Vì quả đạo không thể thành nơi đây.

Vấn.   Đạo của ông có chánh ngay?

Đáp.   Đạo thì chơn chánh cho người tỉnh tâm.

Vấn.   Đạo có ở nơi sách kinh?

Đáp.   Không ! Đạo chỉ có tự nơi tâm chính mình.

Vấn.   Có nên học hết sách kinh?

Đáp.   Không! Không ai có thể học xong hết bài.

Chỉ điên rối, vô ích thôi

Chi bằng giác ngộ trau dồi tánh chơn

Dùng pháp bảo tự nơi tâm

Đó là kho báu chánh chơn của mình.

Vấn.   Phải chăng đạo Phật nhiều thừa?

Đáp.   Tự nhiên một pháp, một thừa cũng không.

Vấn.   Thế nào đạo Phật chánh tông?

Đáp.   Tu chơn là đạo Phật trong ba đời.

Vấn.   Tại sao ông không có gì?

Đáp.   Vì chơn lý trong ba đời đều không.

Vấn.   Thế nào mới được học kinh?

Đáp.   Tu là được học, chớ không khó gì.

Vấn.   Tại sao ông lại không đi

Qua xứ Ấn Độ học thì đạo thiêng?

Đáp.   Vì Ấn Độ như Việt Nam

Tu đâu cũng được xuất dương làm gì.

Vấn.   Có cần học ngoại ngữ không?

Để dùng khảo cứu sách kinh bên ngoài?

Đáp.   Đối với Phật tăng xưa nay

Chơn lý không có chữ hay danh từ.

Sao lại tìm kiếm bên ngoài

Đã làm một việc, một bài xong chưa.

Vấn.   Ông tu như vậy để chi?

Đáp.   Không để chi hết mới đi tu hành.

Vấn.   Ông có muốn người theo mình

Theo cách tu học của mình hay không?

Đáp.   Việc tu thì phải tùy lòng

Tôi tu là bởi người không tu hành.

Vấn.    Những việc người tu khác làm

Sao ông không chịu nói làm giống in?

Đáp.   Tôi không làm việc chưa rành

Như người khác, bởi tôi cần hiểu thêm,

Mà khi hỏi, nói không thông

Không đúng nghĩa lý, lời không rõ ràng

Chưa tin tưởng, tôi không làm

Bởi chưa thấy được con đàng chánh chơn.

Nói tóm lại

Quyển đạo Phật nầy có ra

Với một mục đích rất là tự nhiên

Không cần dư luận chê khen

Không ý chỉ trích, góp phần chấn hưng.

Đem đèn chơn lý soi chung

Chỉnh đốn những chỗ sai lầm xưa nay

Theo ý muốn người viết bài

Khuyến khích giác ngộ chỉ ngay con đường.

Con đường giác ngộ siêu phương

Mới gọi đạo Phật con đường tu tâm.

Cũng bởi đạo Phật lâu năm

Nhiều người lạm dụng tiếng tăm danh từ

Ngụy tạo đủ cách thực hư

Khiến người học Phật giống như lạc đường.

Cũng vì muốn ích lợi chung

Ép buộc phải viết, chớ không khoe tài.

Vậy thì sẵn dịp hôm nay

Cả thế giới đang mong ngày chấn hưng.

Đạo Phật Việt Nam góp phần

Cũng đang chỉnh đốn chấn hưng cửa thiền

Quyển Đạo Phật cùng góp duyên

Tỏ lòng cầu học đạo huyền Như Lai.

Mong rằng nhờ đó sau nầy

Đủ duyên xứ Việt nơi đây trở thành

Đạo trường tốt đẹp cao thanh

Mọi người học đạo tu hành sống chung.

Đạo Phật rồi sẽ hưng sùng

Do sự chấn chỉnh sức chung nhiều người

Có duyên đi đúng hợp thời

Đạo Phật cao quý tột vời hôm nay.

Những người tu học ai ai

Tu theo chơn lý đúng ngay con đường./.