Chìa khoá của sự giải thoát
Bất kể là chúng ta khảo sát những hiện tượng vật lý hay tâm lý, tâm hay những yếu tố tâm lý, chỉ khi nào chúng ta xem sự thoát khổ là mục đích rốt ráo của mình, chúng ta mới thật sự đi đúng đường.
Đau khổ có một nguyên nhân và một hay nhiều điều kiện cho sự tồn tại của nó. Phải hiểu rằng khi tâm thanh tịnh, tâm an trụ trong trạng thái nguyên thủy, chưa bị ô nhiễm của nó.
Ngay khi tâm động niệm, nó bắt đầu phản ứng và tạo nghiệp *(Sankhāra). Khi tâm ưa thích một thứ gì, nó phản ứng và tạo nghiệp.
Khi sự ganh ghét phát sinh, tâm phản ứng và tạo nghiệp. Cái muốn đi đây, đi đó phát sinh từ một cái tâm dao động. Nếu sự tỉnh giác của chúng ta không bắt kịp những biến thái của tâm, tâm sẽ chạy theo chúng và phản ứng. Mỗi khi tâm động niệm, ngay lúc đó, nó trở thành một Pháp hữu vi (sinh diệt).
Tâm phản ứng: Tâm thích hay không thích đối tượng khi lục căn tiếp xúc với lục trần, đây là hành động tạo nghiệp.
Cho nên, Đức Phật dạy chúng ta quán chiếu những điều kiện dao động này của tâm. Mỗi khi tâm động niệm, nó trở nên bất an, vô thường, khổ và không thể được xem là một tự ngã. Đây là ba tính chất chung của tất cả các pháp hữu vi.
Đức Phật dạy chúng ta quan sát và quán chiếu những động thái này của tâm. Đây cũng giống như Lý duyên khởi (Paticca samuppāda): Vô minh là nguyên nhân và điều kiện cho sự phát sinh của Nghiệp; Nghiệp là nguyên nhân và điều kiện cho sự phát sinh của Thức; Thức là nguyên nhân và điều kiện cho sự phát sinh toàn bộ thân và tâm của bào thai mới,… Đức Phật tách rời chuỗi duyên khởi này thành 12 yếu tố để cho chúng ta dễ hiểu. Đây là sự miêu tả thực tại rất chính xác, nhưng khi tiến trình này thật sự xảy ra trong đời sống hàng ngày, các học giả không thể bắt kịp với những diễn biến liên tục này.
Giống như khi chúng ta té từ ngọn cây xuống đất, nó xảy ra quá nhanh. Chúng ta không kịp nhận ra mình rơi ngang qua bao nhiêu cành cây.
Ảnh minh hoạ.
Tương tự như vậy, khi tâm tiếp xúc một cảm giác, nếu nó thích cảm giác đó, nó lập tức rơi vào một trạng thái vui vẻ. Nó cho rằng điều đó là tốt mà không nhận ra chuỗi nhân duyên đã đưa nó tới đây. Tiến trình này xảy ra phù hợp với những gì được trình bày trong thuyết nhân duyên, nhưng nó cũng đồng thời vượt khỏi những giới hạn của lý thuyết đó. Không có sự cảnh báo trước như, “Đây là vô minh. Đây là sự phát sinh của Nghiệp. Đây là tâm thức…”. Tiến trình này không cho các học giả cơ hội để công bố danh sách của những gì đang xảy ra.
Mặc dầu Đức Phật đã phân tích và giải thích cặn kẽ mọi diễn biến của tâm, đối với tôi, nó vẫn giống như sự kiện một người rơi từ trên cây xuống. Nếu chúng ta đâm sầm xuống đất, chúng ta đâu có cơ hội để tính toán xem mình rơi xuống bao nhiêu thước. Điều mà chúng ta biết là chúng ta rớt cái rầm xuống đất và nó đau vô kể! Tâm cũng thế. Khi nó đuổi theo một thứ gì đó, điều mà chúng ta nhận biết là sự đau khổ. Tất cả những sự đau khổ, thương tiếc và thất vọng này từ đâu đến vậy? Nó không đến từ lý thuyết.
Cho nên, sự nghiên cứu lý thuyết đơn độc không thể bắt kịp với thực tại. Đây là tại sao Đức Phật dạy chúng ta phải phát triển sự hiểu biết rõ ràng về chính mình. Bất cứ thứ gì phát sinh, nó phát sinh trong sự hiểu biết này.
Khi “cái biết” hay “cái tâm thức nhận biết” hiểu biết đúng với chân lý, chúng ta nhận ra rằng tâm và những yếu tố tâm lý của nó không thuộc về mình.
Cuối cùng thì tất cả những hiện tượng này đều bị thải bỏ như thể chúng là rác rưởi. Chúng ta không nên dính mắc hay cho chúng bất kỳ một giá trị nào.
Trích: Suối nguồn tâm linh
Dịch việt: Minh Vi
Hiệu đính: Tỳ Khưu Saṃvarasīla