Chỉ cần một cái ôm
Con sinh ra trên đất Pháp, học khá, có điều không chăm chỉ nên chị cứ nơm nớp. Ngày con thi tú tài, chị ở xa và hơi hụt hẫng biết con đậu khá (assez bien) chứ không phải tốt (bien) như cha mẹ mong đợi.
Phản ứng nhanh theo đó là viết mail trách con học hành không chăm chỉ. Nhiều ngày sau con lặng im.
Chị sốt ruột hỏi ông cha thì nhận được bức mail làm chị rơi nước mắt.
Con viết tiếng Việt: “Mẹ ơi, con xin lỗi không viết thư cho mẹ, vì con sốc. Ngày đậu tú tài là ngày thật lớn với con mà ba mẹ của con không ai nói chúc mừng. Sao kỳ vậy? (…)
Con công nhận mức đó không giỏi, nhưng cũng tốt. Ba mẹ không chúc mừng mà còn la con nữa. Con đã khóc thay vì vui chơi với bạn.
Bây giờ con thấy đỡ hơn nhưng vẫn chưa hiểu được ba mẹ. Đơn giản chúc mừng con không được sao? Chúc mừng con bước vô thế giới người lớn”.
Ăn năn ràn rụa, chị hốt hoảng trả lời con: “Đọc thư con, mẹ mừng con suy nghĩ nghiêm trang, viết tiếng Việt đúng. Như con biết, tất cả chỉ vì ba mẹ kỳ vọng nhiều hơn ở con, nên khi kết quả không như mong đợi, ba mẹ thất vọng.
Ba mẹ xin lỗi không để tâm cảm xúc của con, nhưng ba mẹ muốn con hiểu vì sao ba mẹ kỳ vọng ở con nhiều vậy: Ba mẹ lớn tuổi nên luôn sợ con không có tương lai tốt, mà muốn tương lai tốt phải học giỏi. Thôi đây cũng là dịp mình hiểu nhau, tha thứ cho nhau. Mẹ ôm con.
Chúc mừng con trưởng thành”. Cả bức thư ngập nước mắt không có hai từ cảm ơn, nhưng chị mãi mãi cảm ơn con đã giúp mình thức tỉnh với câu trách tuyệt đẹp: “Đơn giản chúc mừng con bước vô thế giới người lớn”.
Nói về cái ôm, chị nhớ năm con học cấp III: Trong buổi cơm chiều hủ hỉ mẹ con vì ba đi vắng, tự dưng con khó thở.
Chị hoảng hốt bởi con từng có triệu chứng tương tự. Không biết làm gì trong cơn bối rối, chị vào bếp pha cho con ly nước chanh mật ong, láp váp cẵn nhẵn con ngủ ít, ăn trái cây ít, ăn rau ít… mà động cơ hẳn nhiên yêu thương.
Con phân bua mấy câu rồi lặng im. Đang đà, chị láp váp tiếp có thể con thiếu sắt, thiếu kali… Bỗng nhiên, con nhìn mẹ thiết tha: “Mẹ ôm con đi, cho con bớt sợ!”. Sững ra bừng tỉnh, chị ào tới ôm con, tự rủa xả: Ôi, chỉ là cái ôm “cho con bớt sợ” mà sao ta không nghĩ tới? Cũng là tình yêu mà sao ta cứ loanh quanh chỉ dấu đinh ninh thể hiện yêu thương?
Chiều, lúc con thưa đi chơi, chị đùa “Ôm mẹ đi”. Con vui vẻ ôm mẹ. Trong ngọt ngào lan tỏa, chị bỗng nhận ra lâu rồi mẹ con ít ôm nhau. Chị cũng nhận ra lâu rồi chị và mẹ cũng ít ôm nhau. Từ sau lần áp dụng “liệu pháp ôm” do mẹ/con nhắc nhau, không khí trong nhà bỗng tự nhiên thông mát. Cái van đã được mở.
Dư luận một thời nhao nhác chuyện bé Hào Anh phạm tội ăn cắp. Chị cố ý gọi “bé” dù Hào Anh đã thành niên, bị nhiếc móc hư hỏng, vô ơn. Dư luận cũng quy tội cộng đồng cưu mang hào phóng, quy tội người mẹ vô trách nhiệm, quy tội giáo dục thiếu sót…
Rất phân vân giữa ba bề lý lẽ, nhưng khi nhìn lại chuỗi hình ảnh Hào Anh từ đứa bé 12 tuổi bị hành hạ dã man, được xã hội giải phóng, rủng rỉnh ăn chơi với đống tiền trợ giúp; đến khi co mình trong áo sọc tù nhân; chị tự hỏi bao lâu rồi đứa bé – chàng trai kia có nhận được cái ôm thực thể nào không của người lớn?
Chị tin không, kể cả người em kêu là mẹ. Nhìn gương mặt thất thần hoang giác của gã tù nhân – nạn nhân sau song sắt, chị đoan chắc gã sẽ bật khóc khi được ôm.
Khoa học nói khi ôm nhau, hormone oxytocin được giải phóng khiến ta bớt căng thẳng, tăng hệ miễn dịch. Một nghiên cứu về nỗi sợ cho thấy việc ôm ai đó có thể khiến ta bớt sợ hãi, đó là lý do trẻ em thích ôm những đồ vật thân quen để tự trấn an; rằng trẻ em được ôm nhiều sẽ ít có nguy cơ bị stress khi trưởng thành.
Chị thích dạy kịch cho trẻ em, mà mục tiêu không phải hướng các em vô ngành giải trí; kịch giúp các em tự tin, biết biểu lộ cảm xúc. Khi một đứa trẻ không nói ra, không dám, không nói được điều nó trải, thì những lăng xăng “rà soát nghiêm minh”… của người lớn chỉ như sóng xô bờ…
Chị xin phép con viết chuyện nhà, với lý do chuyện chúng ta có thể giúp xã hội tham khảo. Con đồng ý. Chị chỉ không nói với con đây cũng chính là lời xin lỗi của mẹ – một người lớn. Những người lớn.