Chết có đáng sợ?
Ảnh minh họa
Hồi giữa năm, tôi bị bệnh nhiễm trùng đường huyết thập tử nhất sanh phải nhập viện. Sau khi rời phòng cấp cứu hồi sức, tôi được đưa vào phòng “bệnh nặng” để theo dõi điều trị. Phòng có năm người, chỉ trong khoảng tuần lễ có bốn người lần lượt ra đi về cõi vĩnh hằng.
Những ngày đầu, tôi nhiều lần lên cơn sốt cao tưởng đâu nghiệp duyên đã dứt, nào ngờ nhân quả còn dở dang nên chưa trốn được nợ đoạn trường. Nhìn bệnh tình trầm trọng của tôi và bị bốn bệnh nhân ra đi trước đó ám ảnh, vợ con tôi vô cùng lo âu sợ hãi. Vài lần tôi vô tình bắt gặp những giọt nước mắt âm thầm lăn dài trên hai má của vợ tôi. Tôi khuyên, nếu nghiệp duyên đã hết thì lo hay không lo cũng chết, còn nghiệp duyên chưa dứt thì sợ hay không sợ cũng không sao. Cái gì đến sẽ đến, đừng lo lắng quá rồi lại sanh bệnh.
May mắn thay, do cái nghiệp chưa hết nên sau hơn nửa tháng được các y bác sĩ tận tình điều trị, tôi khỏi bệnh và xuất viện.
Hồi ở bệnh viện, khi thấy vợ lo sợ khóc thầm, tôi vừa thương vừa nghĩ, ai cũng sợ chết vậy sau khi chết sẽ đi về đâu? Có hai quan điểm về vấn đề này.
Quan điểm thứ nhất cho rằng chết là hết, là chấm dứt sự hiện diện và mọi hoạt động. Đạo Phật cho đây là chấp đoạn.
Quan điểm thứ hai là chấp thường, khi cho rằng con người có hai phần, thể xác và linh hồn, thể xác chết chứ linh hồn không chết. Thế giới cũng được chia hai, dương gian là nơi ở của người sống và âm cảnh là nơi ở của linh hồn người chết. Dương gian, âm cảnh cùng song song tồn tại và “đồng nhất lý” nên khi con người chết, linh hồn về sống bên âm cảnh, sinh hoạt như người sống ở dương gian, chờ đầu thai kiếp khác.
Dù hai quan điểm trên có phần nào đúng theo bình diện hiện tượng, nhưng trên bình diện bản chất đều là tri kiến sai lầm. Đạo Phật không chấp thường cũng không chấp đoạn. Vạn pháp không có tự tánh. Không một pháp nào tự nó làm nên nó được, không một pháp nào tự nhiên có (từ không thành có) mà tất cả đều do duyên sinh. Hễ duyên hợp thì biểu hiện, duyên tan thì ẩn tàng (trong duyên). Duyên hợp đồng nghĩa với sanh, duyên tan đồng nghĩa với tử.
Cái thân ngũ uẩn của chúng ta cũng là một pháp, nó được sinh ra do các duyên thuộc sắc pháp như huyết thống của tổ tiên ông bà cha mẹ, đất nước lửa gió, các thực phẩm… cùng các duyên thuộc tâm pháp như các hiện tượng tâm lý cùng với văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán, những giá trị truyền thống của dòng họ, gia đình… hợp lại. Chỉ có một thứ không bao giờ có trong thân ngũ uẩn là cái ta (bản ngã).
Khi duyên tan, chúng ta chết nhưng không mất mà trở về với các duyên đã tạo ra chúng ta trước kia. Chúng ta được truyền thừa từ các thế hệ tổ tiên, ông bà, cha mẹ bằng các mối quan hệ vợ chồng, cha con, và truyền thừa các mối quan hệ đó sang các thế hệ con cháu, chắt chít.
Từ lâu, chúng ta quen với lối nhận thức, tư duy khái niệm nên không có khả năng tiếp xúc sâu sát với thực tại rồi chấp chặt vào các ý niệm có và không, sanh và tử, đến và đi… Trong khi đó, vạn pháp sinh diệt không cùng, đủ duyên thì biểu hiện, hết duyên thì ẩn tàng chứ không có-không không, không sống-không chết, không từ đâu đến cũng không đi về đâu.
Để chấm dứt những tri kiến sai lầm về thực tại, chúng ta nhất thiết phải tìm cho được một con đường tốt nhất để đi và, đó là Bát chánh đạo. Nó là con đường của trái tim, sẽ giúp chúng ta tìm lại được khả năng tiếp xúc sâu sát với thực tại bằng Bốn quán chiếu. Tiếp xúc được sâu sát với thực tại chúng ta sẽ biết được sự sống và cái chết cùng già, bệnh là bốn cái khổ của thế gian.
Sống chết chỉ là sự thay đổi hình dạng từ cũ sang mới, chỉ là sự tiếp nối từ kiếp trước đến kiếp sau, từ kiếp này sang kiếp khác chứ không bao giờ gián đoạn. Tiếp xúc sâu sát với thực tại cũng đồng nghĩa với tiếp xúc với Niết-bàn; đó là cuộc sống thảnh thơi, tự tại, an vui, hạnh phúc, không lo nghĩ gì đến cái chết, cũng không hoang mang sợ hãi khi đối diện với tử thần.
Trương Hoàng Minh/Báo Giác Ngộ