Chất thiền càng mạnh, phong hóa đạo đức càng vững
Những giá trị tinh thần, trí tuệ, tâm hồn hàng ngàn năm của người Việt đã được cô đọng vô cùng sâu sắc qua các bài thơ thiền, thể hiện đậm nét nhất qua các thời Lý – Trần – Lê – Nguyễn.
Một góc trưng bày những bài thơ thiền tiêu biểu của các thời kỳ Lý – Trần và Lê – Nguyễn thu hút sự quan tâm của nhiều người – Ảnh: M.AN
Thơ thiền thậm chí ngày nay đã lan tỏa ra toàn thế giới qua những đóng góp đáng ghi nhận của thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Alan Watts trong tác phẩm Con đường Thiền quán (The Way of Zen) đã viết thiền là “một trong những món quà quý giá nhất của Á châu tặng cho thế giới”. Vì thế thơ thiền, nhất là thiền tông Việt Nam, có thể trở thành gạch nối văn hóa giữa Việt Nam và toàn cầu.
Nhà thơ – dịch giả NGUYỄN BÁ CHUNG
Đó là nhận định được các đại biểu đưa ra tại tọa đàm “Thơ thiền Việt Nam” vào sáng 26-3 tại TP Huế.
Chương trình nằm trong chuỗi các sự kiện của Tuần lễ Thơ thiền Việt Nam do Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Nhóm nghiên cứu văn hóa Tâm Việt tổ chức.
Từ Pháp, GS Cao Huy Thuần có thư gửi đến tọa đàm chia sẻ đôi dòng về thơ thiền, rằng đạo Phật huy hoàng dưới thời Lý – Trần vì thế thiền tông hưng thịnh, bài thơ nào về đạo cũng đều là thơ thiền.
Ông mong thơ thiền vẫn còn sống trong thời đại này với tâm niệm “càng nhiễu nhương, thiền càng mạnh”. “Chất thiền càng mạnh trong chất đạo thì đạo càng vững, mà đạo càng vững thì phong hóa đạo đức trong xã hội càng vững, an ninh mới bảo đảm”.
Cũng theo GS Cao Huy Thuần, không nhất thiết phải có tiếng chuông, ngôi chùa hay những từ ngữ có liên quan đến Phật giáo trong thơ thì mới là thơ thiền. Ông vạch ra ranh giới cho thơ thiền và thơ đạo – vốn “bây giờ khá nhiều và nhiều bài rất hay”.
Và với ông, bài thơ thiền làm ông rung động nhất là Hoa thược dược của thi sĩ Quách Thoại (1930 – 1957): Đứng yên ngoài hàng giậu/ Em mỉm nụ nhiệm mầu/ Lặng nhìn em kinh ngạc/ Vừa thoáng nghe em hát/ Lời ca em thiên thâu/ Ta sụp lạy cúi đầu.
Còn với dịch giả – nhà thơ Nguyễn Bá Chung, ông cũng gửi đến tọa đàm câu chuyện mê thơ thiền từ lúc còn nhỏ dù lúc đó kiến thức không có nhiều.
Một trong những câu thơ ông nhớ mãi như Đôi khi thượng đỉnh núi hoang/ Buông dài một tiếng hú vang lạnh trời (Ngôn hoài – Không Lộ thiền sư) hay như Tàn xuân đâu phải trơ cành/ Đêm qua sân trước một nhành hoa mai (Có bệnh báo mọi người – Mãn Giác thiền sư).
Nhà thơ Nguyễn Bá Chung cho rằng thiền là một tinh túy của văn hóa Việt Nam, đã song hành với lịch sử dân tộc trên 1.000 năm, góp phần làm giàu nền văn hóa đó, trở thành mạch sống của dân tộc.
Theo ông, đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi văn hóa nước ta lan tỏa ra thế giới và ngược lại, thiền đã được thế giới chấp nhận và có mặt trong mọi lĩnh vực như khoa học, tâm lý, y tế, thể dục, âm nhạc, thi ca…
Vì thế, thơ thiền có thể trở thành gạch nối văn hóa giữa Việt Nam và toàn cầu.