Chánh niệm trong lời nói
Khi nói ta luôn ý thức mình đang nói những gì, nói với dụng ý nào, nội dung có tính chất nuôi dưỡng hay tàn phá năng lượng bên kia.
Ta cũng thực tập quan sát giọng mình đang nói có vừa đủ nghe không, tốc độ mình đang nói có đủ khiến người nghe thoải mái không.
Quan trọng hơn hết là quan sát được thái độ của mình trong khi nói, vì có thể trong đó có ngầm chứa sự giận hờn, chỉ trích, kỳ thị hay thể hiện quyền lực. Và khi phát hiện ra mình đang có cảm xúc, không làm chủ được lời nói thì ta nên dừng lại ngay lập tức và xin phép người kia sẽ quay lại khi đã thật sự bình ổn.
Làm sao để có thể có chánh niệm liên tục?
Thiền sinh đích thực là không bao giờ buông ra lời nói làm tổn thương người khác. Dù cần phải nói thẳng thắn thì cũng nói trong chánh niệm, có chừng mực, có chọn lọc lời nói và có quan sát tâm ý. Bởi ta luôn biết rằng, một lời nói có thể khiến người nghe có thêm sức mạnh và đồng thời cũng có thể khiến người nghe mất hết năng lượng.
Ngay cả những câu hỏi xã giao hay thể hiện sự quan tâm nếu đặt không đúng lúc thì cũng có thể làm cho thiền sinh bị xao động, phân tâm, phải cố gắng suy nghĩ tới quá khứ hoặc tương lai để tìm ra câu trả lời, có khi chạm vào vết thương đang ngủ yên, thì đó không phải là thiền sinh có hiểu biết.
Cho nên khi muốn nói điều gì, ta cũng nên xét kỹ động cơ, kiểm tra kỹ thái độ và chăm sóc kỹ cảm xúc của mình. Thiền sinh có phẩm chất thường không dễ dãi buông ra lời nói, khi mở lời thì chắc chắn sẽ đưa tới một thông điệp sâu sắc nào đó, hoặc ít nhất là tưới tẩm những đóa hoa trong lòng người khác.
Và vì vậy, khi thấy người bên cạnh, nhất là các bạn đồng tu, đang nói năng vô độ hay thiếu tính nuôi dưỡng, thiền sinh phải can đảm tìm cách dừng họ lại để giúp họ bớt tạo khẩu nghiệp và không gây hư hại đến năng lượng của những người đang có mặt, cũng như tinh thần hòa hợp của đoàn thể.
Trích từ “Nếp nhà”.
Sư Minh Niệm