Chân lý thuộc về tất cả chúng ta

Chân lý là gì? không ai có thể trả lời cho câu hỏi này được. Vì nếu chân lý có thể trả lời được thì chân lý đó không phải là chân lý.

Và chân lý không phải là gì đó độc tôn của bạn hoặc của tôi hay chân lý chỉ thuộc về một tôn giáo duy nhất nào. Chân lý thuộc về tất cả chúng ta, tất cả muôn loài vạn vật, vì chân lý chính là hiện sinh. Chân lý chính là cái đang là, cái đang hiện hữu.

Nhưng tâm trí thì không thể nắm bắt được cái đang là, cái đang hiện hữu. Vì tâm trí thì luôn dao động, tâm trí luôn có nhiều những ý nghĩ lăng xăng. Và tâm trí cũng luôn bóp méo thực tại đang là.

Để hiểu điều này bạn thử hình dung ra có một cái hồ trước mặt. Khi mặt nước trong hồ tĩnh lặng thì mọi vật chung quanh hồ cũng sẽ được phản chiếu một cách rõ ràng, trọn vẹn nhưng giây phút một cơn gió thoảng qua lập tức mặt hồ sẽ lăn tăn gợn sóng, và vật phản chiếu trong hồ không còn rõ ràng nữa thậm chí nếu bạn soi bóng mình trong hồ thì bạn cũng chỉ thấy hình dáng và khuôn mặt của mình một cách mờ ảo thôi.

Chân lý không của riêng ai

416044898_10232529719724855_5482780602870206780_n

Tâm trí thì luôn có những vọng niệm, những suy nghĩ trong mỗi giây phút, do đó bạn không thể dùng tâm trí mà hiểu được, cảm thông được với sự trọn vẹn của thực tại đang là, của hiện hữu, và đây chính là lý do bạn càng dùng tâm trí để tiếp xúc với thực tại để đạt tới chân lý thì bạn càng rời xa chân lý.

Muốn tiếp xúc với chân lý bạn phải trực nhận ra chân lý bạn phải an trú nơi sự tĩnh lặng tuyệt đối của tâm thức. Nơi không có một gợn sóng nhỏ lao xao phát khởi.

Chỉ khi đó bạn mới nhận ra được chân lý, bạn mới ngộ ra được chân lý. Và điều này chính là thiền.

Thiền là tâm thức vắng mặt hoàn toàn của tâm trí. Vì vắng mặt sự hiện hữu của tâm trí nên tâm thức ấy không lay động, bất động, trạm nhiên. Một tâm thức phẳng lặng chiếu sáng.

Điều này được vua Trần Nhân Tông nói trong bài kệ của trần lạc đạo của mình “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”.

Vô tâm chính là sự vắng mặt hoàn toàn của tâm trí thì lúc bấy giờ chân lý tự xuất hiện. Và nhân loại đã gọi tên chân lý với rất nhiều những tên gọi khác nhau. Ta có thể gọi chân lý là Phật Tánh, Chân Tâm, Tâm Giác, Thượng Đế, Đạo, hay Niết Bàn… hoặc thậm chí bạn có thể gọi nó là một tên gì đó bất kì.

Gán cho chân lý một tên gọi gì đó không quan trọng vì lúc đó chỉ là trò chơi của tâm trí. Điều quan trọng nhất là bạn nhận ra chân lý và khi đó bạn sống trong chân lý và chân lý sống trong bạn.

Ngay giấy phút bạn sống trong chân lý và chân lý sống trong bạn thì cuộc sống của bạn sẽ tuôn chảy hơn, sẽ nhiều phúc lạc hơn. Và bạn sẽ thấy mọi thứ trong cuộc sống của bạn rõ ràng, tròn đầy và rực rỡ.

Mỗi buổi sáng bạn dạo bước quanh vườn và rồi bỗng nhiên bạn nhận ra được một điều vẻ đẹp của những hạt sương đang đọng trên cỏ lấp lánh những tia sáng của bình mình, vẻ đẹp này không thua không kém những viên kim cương.

Mọi thứ xung quanh bạn tự nhiên trở nên rực rỡ, rạng ngời, vô giá và bất tử.

Pháp Nhật