Câu chuyện tâm tưởng

Một tín nữ đến chùa dâng lễ cúng dường Tam Bảo xong, được hầu chuyện với thầy trú trì, mừng lắm liền thưa:

 

“Bạch thầy, con tìm mua một căn nhà nhỏ dành riêng để rước cha mẹ dưới quê lên an dưỡng tuổi già, gần gũi con cháu đều đã an cư lập nghiệp ở thành phố, nhưng con tìm hoài vẫn chưa gặp được căn nhà như ý, dù đã xem qua gần hai mươi căn rồi đó thầy!”

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thầy trú trì tủm tỉm, hỏi:

“Ý sao mà đòi như?”

“Nhà không cần rộng, chỉ cần đủ một phòng ngủ, nhà vệ sinh, phòng khách, nhà bếp, và quan trọng nhất là một phòng thờ, vì cha mẹ con là Phật tử. Con tìm được nhiều căn nhà trệt, thiết bàn thờ tiền Phật, hậu linh được đầy đủ, nhưng chiếm không gian, lấn diện tích nhiều nên chật chội quá…”

“Vậy thì tìm căn nhà nhỏ có một tầng lầu, không có sao?”

“Dạ có chứ. Nhà một lầu thì có nhiều căn lắm, nhưng nếu thiết bàn thờ ở tầng trệt thì phòng ngủ ở trên không tiện không ổn ạ. Còn mà thiết phòng thờ ở trên lầu thì lại bất tiện, vì cha mẹ con đều già yếu, chân cẳng đau nhức đi lên xuống cầu thang hằng ngày để thắp hương rất khó khăn, nguy hiểm nữa ạ!”

Thầy trú trì cười, nhỏ nhẹ:

“Rắc rối, nan giải cũng do mình tạo ra mà thôi. Có hai phương án để lựa chọn: Một, là không thiết bàn thờ gì trong nhà hết, thờ phụng báo hiếu cha mẹ đang còn sống trước mắt đó đã là thờ rồi, cha mẹ muốn lạy Phật bái Tăng thì đi đến chùa. Hai, là cứ thiết bàn thờ tầng trệt hay trên lầu gì cũng được, miễn là trang nghiêm thanh tịnh, và không nghĩ ngợi chấp nhặt gì đến chuyện cữ kiêng thờ dưới ở trên, ở dưới thờ trên gì hết. Từ cái tâm mình tưởng ra mọi cảnh đó mà!”

Tín nữ ngẩn người ra, suy tư một chặp, lại thưa:

“Dạ, thầy dạy rất phải, con nghe mà sáng trưng cái đầu. Nhưng… con vẫn thấy còn gì đó chưa ổn, mà con chưa tìm ra, bạch thầy!”

“Chưa ổn à? Vậy thì tìm ngay đi, tìm mua một căn hộ tầng trệt, hay tầng hai của chung cư mà rước cha mẹ về an trú, lúc đó sẽ thấy ổn hay bất ổn khi căn hộ người ta ở tầng trên ngay trên đầu mình!”

Tín nữ sáng mắt lên, vỗ đầu một cái:

“À! Con hiểu rồi. Ổn rồi. Con tạ ơn thầy!”

Cư sĩ Nguyễn Đức Sinh