Câu chuyện chiếc hoa tai chánh niệm

Trước đây, tôi luôn nghĩ rằng trong đời sống hàng ngày, mình đã ít nhiều có ý thức về chánh niệm. Việc thực hành chánh niệm dù không thường xuyên nhưng tôi vẫn luôn nghe ngóng được lúc tâm mình không an lạc để kịp thời điều chỉnh.

Qua bài giảng của các thiền sư mà tôi hiểu được tâm con người có đặc tính là luôn bay nhảy, không an tịnh. Vì vậy mà có cụm từ “tâm viên ý mã”, một cách ẩn dụ nói về cái tâm và cái ý của con người. Qua hình ảnh so sánh, con người là loài sở hữu cái tâm luôn dao động y như loài khỉ chuyền cành, còn cái ý của con người thì cũng chẳng thua gì cái tâm, nó lao đi vùn vụt như ngựa chạy, và gần như luôn bị ngoại cảm tác động.

Tôi đã biết ơn đạo Phật từ những giải thích dễ tiếp cận như vậy, và càng nghe càng ý thức thực hành quan sát tâm ý mình hơn xưa.

Thế nhưng, vừa rồi một sự kiện nho nhỏ xảy ra đã khiến tôi phải xem xét việc thực hành chánh niệm của bản thân một cách khách quan hơn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cũng như phần nhiều phụ nữ khác có niềm vui thích với trang sức, tôi cũng vậy, tôi cũng có cho mình một đôi bông tai ưng ý. Vì vậy, tôi thường xuyên đeo đôi này khi đi ra ngoài, khi về thì tháo ra. Rồi một ngày đi công việc về, sờ lên tai, tôi phát hiện ra chiếc bông tai đã không còn neo trên tai mình nữa. Phút sờ lên thấy trống trải, tôi cảm nhận hụt hẫng mấy giây nhưng hồi lại được vì chiếc bông tai ấy đã từng thất lạc một lần và đã tìm lại được khi mẹ tôi quét nhà. Vì thế tôi nuôi hy vọng sẽ bắt gặp được nó nếu bỏ công đi tìm.

Và phải nói thêm rằng chiếc bông tai ấy giá trị cũng không đắt ạ, nhưng vì nó hài hòa mà tôi đặc biệt yêu thích.

Do đó, không bỏ qua chút thời gian rảnh nào, tôi cứ rảo mắt tìm kiếm vào những lúc bất chợt nghĩ đến. Hôm kia, tôi đã tìm quanh phòng ngủ, giường và hành lang, cầu thang. Hôm qua thì là phòng khách và thềm nhà. Hôm nay tôi tiếp tục tìm kiếm quanh nhà bếp, lúc tìm như vậy tôi lại luôn nghĩ đến nơi tiếp theo sẽ rà tới là nơi nào…, có thể là nhà sách hôm trước tôi ghé…, hay nơi quán ăn hôm ấy nhỉ… Biết đâu rơi vào một góc nào và chưa bị quét đi… Tôi cứ nuôi hy vọng như vậy…

Đi tìm đồ thì lẽ dĩ nhiên, mắt tôi chỉ dán xuống nền nhà tìm kiếm, ít khi giao mắt với người thân ngay cả khi họ đang nói chuyện cùng tôi, và suốt mấy ngày như vậy.

Không những vậy, vì mãi nghĩ mà tôi, trong những bữa cơm nhà cũng không lắng nghe trọn vẹn câu chuyện của người thân.

Vì mãi suy tư mà tôi, trên bàn ăn cũng không để tâm gì đến hương vị món ăn ngon ngọt thế nào.

Vì mãi tiếc nuối mà tôi bước ra bước vào nhưng lại không cảm nhận được bước chân của mình trên nền nhà ra sao.

Nhiều ngày sau, chiếc hoa tai đó vẫn không quay trở về với tôi, xem như chính thức mất. Vì quá yêu thích nó nên việc này tôi xem cũng là tổn thất rồi.

Nhưng, đó không phải là tổn thất lớn nhất và duy nhất của tôi.

Mãi nhiều ngày sau tôi mới sực tỉnh, hóa ra thứ tổn thất lớn hơn hết của tôi là chánh niệm của bản thân. Kể từ cái ngày phát hiện ra rơi chiếc hoa tai, thì chánh niệm cũng rời khỏi tâm trí tôi. Thậm chí suốt thời gian ấy, tôi còn không nhận thức được sự thất thoát chánh niệm liên tục diễn ra nơi thân tâm này.

Trong khi thất lạc chánh niệm, tôi đã không hiện diện toàn phần trong bữa cơm nhà, mặc dù tôi vẫn ngồi đó, miệng nhai tay gắp bởi quán tính mà thôi, chứ còn lòng tôi thì trôi dạt tận đẩu tận đâu. Bữa cơm có vị ngọt của hạt gạo tôi cũng không nhận ra để mà thưởng thức, bữa cơm có canh rau ngót ăn mát lòng tôi cũng để nó trôi tuột vào bao tử mà không chút biết ơn.

Trong khi thất lạc chánh niệm, tôi đã không hiện diện trong cuộc trò chuyện với người thân của mình, dù ngồi đối diện, nhưng tâm tôi lại không hết lòng trao đổi với họ. Vì vậy, làm sao mà tôi thấu hiểu cảm giác của người thân thương cho được.

Tôi hối hận quá!

Và những khoảnh khắc thất thoát đó, nếu không nhận ra sớm, nó sẽ tích tiểu thành đại. Khiến tôi không cách nào cảm nhận được hạnh phúc mà mình đang có, càng không biết ơn bao nhiêu phước lành được trời Phật ban cho.

Tôi bừng tỉnh, nhận ra chánh niệm là thứ dễ bị thất lạc nhưng thật buồn là không mấy ai đi tìm. Nhất là khi họ còn không nhận ra bản thân đang trong trạng thái nào, như tôi của hôm trước.

Tôi luôn nghĩ rằng thách thức lớn nhất của một cá nhân trong thời đại số nhanh đến chóng mặt này, không phải là thử thách cơm áo gạo tiền, mà là thử thách của sự hiện diện, sự có mặt của thân và tâm ở cùng một bối cảnh, cùng một thời điểm.

Ta hiện diện trong thời điểm hiện tại.Ta hiện diện ở nơi chốn ta đang ngồi.Ta toàn tâm toàn ý trong bầu không khí gia đình mình.Và quan trọng hơn nữa là ta phải luôn hiện diện với chính mình, trước cả khi hiện diện với người thương xung quanh mình.

Tôi xin cảm ơn quý độc giả đã lắng đọng cùng câu chuyện của tôi. Mong rằng tất cả chúng ta luôn bày tỏ lòng biết ơn đạo Phật bằng cách thực hành nhiều hơn nữa những gì được truyền dạy từ các bậc đi trước.

Xin cảm ơn!. Cảm ơn!.

*Bài viết được gửi từ tác giả Nguyễn Thị Phương Hạnh; địa chỉ: Nguyễn Đình Chiểu P.3 Phú Nhuận, HCM.

Nguyễn Thị Phương Hạnh