Câu chuyện 7 ngày làm vua và bài học sâu sắc về vô thường
Qua 7 ngày thì Vua A Dục xuất hiện và nói: “Thiện Dung! Hôm nay là ngày thứ 7, quan quân binh lính đã chuẩn bị quan tài cho ông. Cảm giác sau 7 ngày làm vua ông thấy thế nào?”
Hoàng Đế A Dục là con cháu 9 đời của Vua Tần Bà Sa La ở xứ Ma Kiệt Đà. Ông sinh năm 304 TCN, lên ngôi năm 269 TCN khi ông tròn 35 tuổi, trị vì được 38 năm và băng hà vào năm 232 TCN, thọ thế 73 tuổi. Ông la vị vua nổi tiếng nhất, tài ba nhất, đức độ nhất, và được dân chúng kính trọng ngưỡng mộ nhất.
“Vua A Dục có người em tên là Thiện Dung (Sử ghi là Thường Tu hay Vi Ta). Hằng ngày vị này nhìn thấy anh mình giàu có nên thích thụ hưởng, săn bắn,… Còn Vua A Dục thì tín tâm Phật Pháp, sống vừa phải, dùng của cải xây chùa độ tăng, giúp đỡ người nghèo, làm nhiều công đức lành.
Ngài Thiện Dung thấy anh mình xây chùa, cúng dường thì sanh tâm bực bội và cho rằng phí phạm. Vua A Dục thấy Ngài Thiện Dung nghĩ như vậy biết là tà kiến dễ bị đọa lạc, nên muốn tạo phương tiện cho em giác ngộ. Một hôm Vua A Dục nói rằng cho Ngài Thiện Dung làm vua bảy ngày, toàn quyền quyết định và sau 7 ngày làm vua thì bị chém đầu.
Thế là mỗi ngày làm vua là có một vệ sĩ cầm mác và nói: “Thưa Ngài, đã hết một ngày và còn 6 ngày nữa”. Sáng hôm sau người vệ sĩ cũng nói tương tự như vậy: “Thưa Ngài, đã hết một ngày và còn 5 ngày nữa”.
Ngài Thiện Dung đáp rằng: “Người chưa chết nhưng mạng căn như đã chết rồi thì tâm hồn không thể thụ hưởng được.”
Vua A Dục nói: “Ta không giết ông nhưng ta muốn cho ông biết rằng người ý thức được cuộc sống này dễ dàng, cái chết kề cận bên mình bất cứ lúc nào thì họ không có tâm trạng thụ hưởng như ông nghĩ.”
Các Thầy tỳ kheo, đệ tử Phật học đạo họ sáng suốt biết con quỷ dữ vô thường có thể đến bất cứ lúc nào, rõ vô thường như thế nên không thụ hưởng.
Khi đó Thiện Dung mới giác ngộ, quy y Phật và hết tà kiến.
Cho nên nếu quý vị nghe ai nói “Sống vậy cũng sướng rồi, tu làm gì” là vì họ đã bị vật chất che mờ mà không thấy quỷ dữ vô thường luôn kề bên. Mình không cầm dùng vì mình thấy rõ chuyện đời không ai lường trước, mà người thấy như vậy mà sống liều chết tính sau thì người đó không có lối đi nên mới làm vậy. Người có trí thì tự tính hướng đi cho mình.
“Hàng ngày quán lại chính nơi mình
Xét nét kỹ càng chớ dễ khinh
Trong mộng tìm chi người tri thức
Mặt thầy sẽ thấy trên mặt mình”.
(Thiền sư Hương Hải)
Lạm bàn:
Quyền lực, địa vị và danh vọng là mơ ước, khát khao của nhiều người. Chinh phục được đỉnh cao danh vọng đã cực kỳ khó, nhưng giữ vững và sống an lành hạnh phúc trên ngôi cao ấy lại càng khó hơn. Những ai đã từng chinh phạt ngược xuôi, bước lên thềm vinh quang đều trải nghiệm điều này. Ấy thế mà người đời khi nhìn vào những thành công, ít người thấu hiểu cái giá mà họ phải trả, có khi phải trả bằng máu và nước mắt.
Ở địa vị càng cao, công việc càng nhiều và trách nhiệm càng lớn, đâu phải là lên đó rồi ngồi yên mà hưởng thụ. Tất cả những nhà lãnh đạo, dù lớn hoặc nhỏ cũng không phải là ngoại lệ. Đó là chưa kể đến lúc bước lên đỉnh điểm công danh, tạo dựng được cơ nghiệp vẻ vang thì tuổi đời đã ngả sang xế chiều hoặc gần hoàng hôn của cuộc đời. Họ sắp phải đối diện với một sự thật, dù chẳng ai muốn, đó là cái chết.
Đối với đời sống con người, án tử luôn treo lơ lửng trước mặt và sau khi chết ta sẽ về đâu luôn là điều tâm niệm. Tất cả những sự nghiệp thế gian đều không trường cửu, rồi ta cũng phải bỏ nó mà đi.
Thiện Dung làm vua nhưng chỉ nghĩ đến sanh tử nên tắt ngấm mọi dục vọng, chẳng móng tâm tư lợi. Cũng vậy, người tu hành nếu luôn tâm niệm vấn đề giải quyết sanh tử thì dễ dàng buông bỏ những ràng buộc của thế thường.
Trầm Tuệ