Cầu cho người chết được siêu thoát nên làm như nào?
Cầu siêu là việc làm để bày tỏ lòng thương tưởng, tâm biết ơn đối với những người đã mất, là việc cần thiết và duy nhất mà người sống làm được để giúp cho người đã khuất được sinh vào cảnh giới bớt khổ đau. Nhưng không phải ai cũng hiểu đúng về cầu siêu và lợi ích của lễ cầu siêu là gì.
Cầu siêu là gì?
“Cầu” là về tâm mong cầu của chúng ta, “siêu” là vượt lên, thoát ra hay có thể hiểu là thăng tiến cao hơn. “Cầu siêu” là việc giúp cho những thân nhân đã quá vãng như gia tiên, tiền tổ hoặc những vong linh oan gia trái chủ trong cõi tâm linh của chúng ta được thoát khỏi những cảnh giới đau khổ, được thăng lên những cảnh giới tốt lành hơn.
Lợi ích của việc cầu siêu
Đức Phật dạy rằng nếu chúng sinh nào chưa đắc được thánh quả, sau khi chết sẽ tái sinh vào sáu cõi như sau: Thứ nhất là cõi người – như cõi chúng ta đang hiện diện, thứ hai là cõi thần Atula – là những vị thần cũng có những phước báu, những oai lực nhất định; thứ ba là cõi trời. Đối với ba cõi này nhà Phật gọi là ba cõi lành. Kế đó, chúng sinh sau khi bỏ mạng có thể bị tái sinh vào ba cõi ác. Thứ nhất là cõi súc sinh. Thứ hai là cõi ngạ quỷ hay còn gọi là cõi vong linh. Cõi khổ cuối cùng là cõi địa ngục. Đối với những người khi còn sống, họ không biết tích tập phước thiện, thường làm các việc ác, thì có thể bị đọa vào ba cõi khổ trên.
Ở trong cõi tâm linh những chúng sinh trong ba cõi khổ có thể bị chịu cái khổ của đói khát, bị lạnh, bị đâm chém, bị tra tấn hành hạ khốc liệt, không ngừng nghỉ. Bởi vậy, khi chúng ta làm lễ cầu siêu hồi hướng cho họ, họ có thể được sinh lên cảnh giới tốt đẹp hơn.
Sau mỗi khóa lễ cầu siêu, nếu vong linh đang bị đọa, phải chịu những cơn đói trong địa ngục, khi được hưởng phần phúc báu từ người thân hồi hướng, họ có thể sẽ được no đủ hơn hoặc siêu sinh lên cảnh giới ngạ quỷ. “Siêu” không có nghĩa là khi chúng ta tham dự một khóa lễ cầu siêu thì vong linh có thể được sinh lên cõi trời ngay, mà là được sinh lên cảnh giới bớt đau khổ hơn.
Đức Phật có dạy cách để giúp cho người sống cứu được người thân đã chết thoát khỏi cảnh khổ. Trong kinh “Vu Lan Bồn”, với câu chuyện “Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ”, rằng khi còn sống, mẹ tôn giả Mục Kiền Liên đã làm nhiều điều ác nên lúc chết đi bà bị đọa vào cõi ngạ quỷ. Ngài Mục Kiền Liên là đệ tử Phật chứng Thánh quả, Ngài thiền định và thấy cảnh khổ mà mẹ đang sinh sống trong cõi ngạ quỷ. Tôn giả liền dùng thần thông mang cơm đến dâng cho mẹ nhưng vì nghiệp lực của bà quá nặng nên khi bưng bát cơm lên miệng thì bát cơm liền hóa thành than hồng, khiến cho bà không thể thọ dụng được.
Trong 49 ngày, đối với người mới mất, chúng ta biết làm các việc phước thiện thì có thể hồi hướng cho người mất được tái sinh lên cõi người hoặc cao hơn là cõi trời.
Hay trong kinh “Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện”, Đức Phật cũng dạy: “Như có người nam cùng người nữ nào lúc sanh tiền không tu tạo phước lành mà lại gây lấy những tội ác. Sau khi người mạng chung, hàng thân quyến kẻ lớn người nhỏ, vì người chết mà tu tạo phước lợi làm tất cả các việc về Thánh đạo, thời trong bảy phần công đức người chết nhờ đặng một phần, còn sáu phần công đức thuộc về người thân quyến hiện lo tu tạo đó”.
Việc chúng ta cần phải hiểu khi làm phước, làm thiện và hồi hướng cho người thân thì sẽ sinh ra bảy phần công đức, một phần công đức cho người mất được hưởng, còn lại sáu phần công đức thì những người sống được hưởng. Bởi vậy, cầu siêu cho người đã mất là điều quan trọng, là việc làm duy nhất mà người sống giúp đỡ được cho người mất, vì lợi ích là mang lại phúc báu cho cả kẻ còn và người mất. Khi lên chùa dự lễ cầu siêu với lòng thương tưởng, mong muốn cứu giúp cho thân nhân quá cố chúng ta cũng được tăng trưởng phúc lành.