Cảnh giác với lợi dưỡng, cung kính
Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana. Lúc bấy giờ, hoàng tử Àjàtasattu (A Xà Thế), sáng chiều đi đến hầu Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) với năm trăm cỗ xe và cúng dường các món ăn trong năm trăm mâm bàn.
Rồi một số đông Tỷ kheo đi đến bạch Thế Tôn về chuyện ấy. Thế Tôn dạy:
Này các Tỷ kheo, chớ có thèm lợi đắc, cung kính và danh vọng của Devadatta. Ví như, này các Tỷ kheo, nếu đem bóp lá gan trước mũi con chó dữ thì con chó càng dữ dội bội phần. Cũng vậy, chừng nào hoàng tử Àjàtasattu sáng chiều còn đi đến hầu Devadatta với năm trăm cỗ xe và cúng dường các món ăn trong năm trăm mâm bàn, thời này các Tỷ kheo, đối với Devadatta, chỉ có chờ đợi sự tổn giảm trong thiện pháp, không có sự tăng trưởng.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 6, phẩm 4, phần Xe [lược], VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.421)
Lời bàn:
Người tu hành đức độ, uy tín càng cao thì tín đồ nương tựa càng nhiều, cung phụng càng hậu. Tuy hình thức có thọ nhận nhưng đối với bậc chân tu, tâm luôn hỷ xả, chủ yếu là làm ruộng phước cho chúng sinh. Còn đối với người mới tu, hoặc tu lâu mà chưa chứng thì đối với lợi dưỡng chỉ cần vừa đủ và phải dè chừng, vì đó là “nợ”.
Ngoài ra, người tu cần tỉnh táo để khỏi mất mình bởi thiên hạ có thể “mua” đứt chúng ta bằng hình thức cúng dường, trọng vọng. Chuyện vương tử Àjàtasattu vờ vĩnh cung kính, trọng vọng Tỷ kheo Devadatta thời Thế Tôn tại thế là một điển hình. Àjàtasattu âm mưu soán đoạt ngai vàng nên cấu kết, tranh thủ sự ủng hộ của Devadatta bằng cách cúng dường hậu hĩ. Và Devadatta với tham vọng làm giáo chủ nên “liên minh ma quỷ” giữa họ càng thắm thiết hơn.
Thì ra, có những sự cúng dường đúng pháp và phi pháp. Đối với sự cúng dường đúng pháp, người tu còn phải tự lượng sức mình “muốn ít và biết đủ” để chuyển hóa tham lam, nói chi đến cúng dường phi pháp. Nợ của đàn na tín thí, người tu có thể trả được bằng sự tu hành của chính mình nhưng nợ của những âm mưu và tham vọng thế tục thì chẳng những không trả nổi mà còn gánh chịu hậu quả mất mạng, vong thân.
Quảng Tánh